Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Tuyên truyền, vận động và giám sát xây dựng nông thôn mới và lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới

25/12/2020 11:03
  • Print
  • Lượt xem: 3657

Xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước đang được cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến các địa phương triển khai thực hiện. Kết quả xây dựng nông thôn mới đang từng bước làm thay đổi toàn diện đời sống của Nhân dân trên địa bàn nông thôn, rút ngắn khoảng cách chênh lệch về mức sống và chất lượng cuộc sống giữa Nhân dân vùng nông thôn với thành thị.

Đại diện các đơn vị tại buổi toạ đàm. VGP/Huy Thắng. Nguồn: baochinhphu.vn

Với trách nhiệm đoàn kết, tập hợp rộng rãi các tầng lớp Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam luôn tuyên truyền cho Nhân dân hiểu về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, từ đó vận động Nhân dân tham gia hưởng ứng, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ngay sau khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tại Hội nghị lần thứ ba, khóa VII của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã bàn và đề ra nhiệm vụ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã xác định giải pháp để Mặt trận tham gia xây dựng nông thôn mới thông qua các cuộc vận động và các phong trào thi đua yêu nước, trực tiếp là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” (nay là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”). Thông qua Cuộc vận động, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tuyên truyền, vận động các chủ trương của Đảng, chính sách, chương trình của Nhà nước về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong đó tập trung vận động Nhân dân thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững.

Những năm qua, thông qua cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và các phong trào thi đua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận ở các cấp đã tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân hưởng ứng phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, góp phần quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Kết quả đạt được thể hiện qua các nội dung:

Thứ nhất, tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới.

Thông qua công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân xây dựng nông thôn mới, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã động viên Nhân dân hưởng ứng, tham gia thực hiện phong trào cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới, qua đó khơi dậy tinh thần đoàn kết giúp nhau phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, làm giàu hợp pháp ở từng địa phương. Trong xây dựng nông thôn mới, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp vận động nông dân giúp nhau phát triển kinh tế; vận động các nguồn lực đóng góp từ Nhân dân để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn (như hiến đất làm đường, xây dựng các công trình dân sinh nông thôn...); bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn nông thôn... Thông qua công tác tuyên truyền, vận động, trong gần 09 năm qua, Nhân dân đã tự nguyện hiến hơn 45 triệu m2 đất để làm đường, công trình dân sinh. Các địa phương đã huy động được hàng ngàn tỉ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu ở nông thôn.

Thứ hai, tham gia vận động Nhân dân xây dựng nông thôn mới.

Thông qua thực hiện Quỹ “Vì người nghèo” và công tác an sinh xã hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã vận động Nhân dân ủng hộ xây dựng sửa chữa nhà cho hộ nghèo, hỗ trợ vốn giúp người nghèo làm ăn, vì vậy ở các vùng nông thôn, từ nguồn vận động ủng hộ Quỹ đã giúp cho nhiều địa phương thực hiện hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo đảm bảo các tiêu chí về nhà ở trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong 10 năm qua, Quỹ “Vì người nghèo” 4 cấp đã vận động được trên 12 tỷ đồng; vận động an sinh xã hội được trên 40.000 tỷ đồng; từ nguồn quỹ “Vì người nghèo”, nguồn an sinh xã hội và hỗ trợ của cộng đồng đã xây dựng, sửa chữa được 741.945 nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo đã tạo thêm nguồn lực giúp cho nhiều hộ nghèo thoát nghèo, có nhà ở, ổn định cuộc sống. Công tác cứu trợ được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp quan tâm thực hiện kịp thời. Hàng năm, khi thiên tai bão lũ xảy ra, đối với những đợt thiên tai nghiêm trọng gây thiệt hại nặng nề về người và của ở các địa phương, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ra lời kêu gọi vận động ủng hộ; kịp thời đi thăm hỏi, động viên, cứu trợ trực tiếp đến địa phương và Nhân dân vùng bị thiệt hại, giúp họ ổn định cuộc sống. Trong 10 năm, Ban Cứu trợ các cấp đã vận động phân bổ hàng nghìn tỷ đồng giúp đỡ các địa phương và người dân bị thiên tai (riêng Quỹ cứu trợ Trung ương vận động tiếp nhận được 240,748 tỷ đồng, phân bổ 185,948 tỷ đồng đến các địa phương bị thiệt hại do mưa, lũ gây ra).

Thứ ba, tham gia giám sát xây dựng nông thôn mới

Mặt trận các cấp đã hướng dẫn Nhân dân tham gia giám sát, phát huy vai trò của Ban Thanh tra Nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng trong việc giám sát các nội dung, dự án đầu tư xây dựng nông nghiệp, nông thôn; khi có Quy chế giám sát phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, công tác giám sát được thực hiện hiệu quả hơn. Hàng năm, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã chủ trì, phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội xác định nội dung và xây dựng kế hoạch tổ chức giám sát các chính sách, dự án trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Thông qua hoạt động giám sát của Mặt trận đã giúp cho Chính phủ, chính quyền và ngành chức năng các cấp điều chỉnh các nội dung và chính sách trong xây dựng nông thôn, hỗ trợ nông dân phù hợp hơn và được Nhân dân đồng tình ủng hộ.

Các hoạt động trong xây dựng nông thôn mới nổi bật như: giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; giám sát bảo vệ môi trường; xây dựng cơ sở hạ tầng; giám sát nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới, nhất là nguồn lực do Nhân dân đóng góp và nhà nước đầu tư; giám sát về việc chấp hành quy định của pháp luật về quản lý kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; việc thực hiện chính sách hỗ trợ giá, giống, vốn, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp; giám sát xây dựng các công trình dân sinh; bồi thường, đền bù giải phóng mặt bằng; chính sách hỗ trợ, ưu đãi nông dân phát triển sản xuất, hỗ trợ nông dân nghèo; xây dựng và quản lý quỹ hỗ trợ nông dân. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thường xuyên nắm bắt, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri tại kỳ họp Hội đồng nhân dân các cấp, chủ động đăng ký với cấp ủy, phối hợp với chính quyền và các ngành chức năng tổ chức kiểm tra, giám sát theo chuyên đề xây dựng nông thôn mới. Thông qua việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong việc tham gia giám sát trong xây dựng nông thôn mới như thực hiện các công trình phúc lợi, nhất là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; có cơ chế hỗ trợ và huy động Nhân dân tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng, dồn điền đổi thửa... Ngoài ra, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tích cực tuyên truyền cho cán bộ, bà con nông dân nâng cao ý thức trách nhiệm tham gia giám sát thường xuyên, kịp thời phát hiện những sai phạm, bất cập với cấp có thẩm quyền và các cơ quan chức năng về những vấn đề liên quan đến nông nghiệp, nông thôn.

Cùng với việc tổ chức các hoạt động giám sát, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã tích cực tham gia phản biện đóng góp ý kiến đề xuất vào dự thảo các văn bản của Trung ương, các cấp ủy, chính quyền các cơ quan, ban, ngành về các chủ trương, cơ chế chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tham gia góp ý vào các dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội ban hành, tham gia góp ý vào một số cơ chế, chính sách, đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Thông qua các hoạt động tham gia xây dựng chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổng hợp và kiến nghị những nội dung sát hợp với chức năng, nhiệm vụ và nguyện vọng của Nhân dân nhất là những vấn đề liên quan đến xây dựng nông thôn mới.

Thực hiện lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới - đây là hình thức giám sát trực tiếp của Nhân dân về kết quả xây dựng nông thôn mới:

Căn cứ hướng dẫn của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã chủ động báo cáo cấp ủy, phối hợp với chính quyền tổ chức thực hiện đầy đủ các bước lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân. Đối với cấp tỉnh, hàng năm trên cơ sở Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt danh sách các xã, huyện đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp huyện báo cáo cấp ủy, phối hợp với chính quyền xây dựng kế hoạch, chủ trì thống nhất với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã về thời gian, nội dung, cách thức, quy trình tổ chức thực hiện. Tổ chức tập huấn về nội dung, cách thức, quy trình tổ chức lấy ý kiến đánh giá của Nhân dân trực tiếp tại các hộ gia đình và tổ chức họp dân tại nhà văn hóa hoặc nhà sinh hoạt cộng đồng; tổng hợp và xử lý phiếu đảm bảo theo đúng quy định. Sau khi có kết quả tổng hợp phiếu, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã tổ chức niêm yết công khai kết quả lấy phiếu tại nhà văn hóa (hoặc Trung tâm sinh hoạt cộng đồng) thôn, nhà văn hóa xã, trụ sở xã; công bố kết quả trên hệ thống thông tin của cấp huyện, xã để tiếp nhận những ý kiến tham gia đóng góp của người dân.

Trên cơ sở kết quả tổng hợp lấy ý kiến của người dân đối với kết quả xây dựng nông thôn mới, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã kiến nghị đến chính quyền, các ngành chức năng về những nội dung, tiêu chí người dân chưa hài lòng cao. Những nội dung có tỷ lệ người dân hài lòng chưa cao tập trung chủ yếu vào các tiêu chí: Hệ thống tưới tiêu phục vụ sản xuất, vấn đề ô nhiễm môi trường, an ninh trật tự; an ninh nông thôn và việc giải quyết các vấn đề liên quan khi triển khai dự án di rời, giải tỏa bố trí tái định cư cho người dân… Những nội dung kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc phần lớn được đã được chính quyền và các ngành chức năng giải quyết và có văn bản trả lời, đồng thời đưa ra những phương án, giải pháp duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí chưa đảm bảo hoặc chưa nhận được sự hài lòng của người dân. Theo báo cáo của các tỉnh, thành phố, tính từ tháng 6/2017 - 8/2019 (sau khi ban hành Hướng dẫn về nội dung, cách thức, quy trình lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng nông thôn mới), Mặt trận Tổ quốc các cấp đã tổ chức lấy ý kiến được trên 581 ngàn lượt ý kiến của người dân về công nhận cấp huyện và xã đạt chuẩn nông thôn mới với 48 huyện, 1.862 xã (trong đó có 46 huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới; trên 1.812 xã đảm bảo tỷ lệ hài lòng của người dân đề nghị công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới).

Thông qua việc lấy ý kiến sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng nông thôn mới là một trong những kênh thông tin quan trọng để giúp cho cấp ủy, chính quyền và các ngành chức năng đánh giá, kiểm chứng đối với kết quả xây dựng nông thôn mới ở từng địa phương, cơ sở. Việc tổ chức lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng nông thôn mới cơ bản bước đầu đã thể hiện được ý chí, nguyện vọng và sự tham gia, giám sát trực tiếp của người dân trong xây dựng nông thôn mới. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã thực hiện tốt vai trò phối hợp, phân công trách nhiệm, theo dõi và tổng hợp kết quả lấy ý kiến sự hài lòng của người dân; các ý kiến chưa hài lòng của Nhân dân về kết quả xây dựng nông thôn mới được Mặt trận Tổ quốc các cấp tổng hợp và phản ánh kịp thời. Một số nơi có tỷ lệ hài lòng của người dân thấp, Mặt trận các cấp đã có văn bản đề nghị dừng công nhận kết quả xây dựng nông thôn mới của địa phương, đồng thời đề xuất các nội dung cần được tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng nội dung của tiêu chí đáp ứng nhu cầu của người dân. Việc tổ chức lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng nông thôn mới cơ bản bước đầu đã phát huy vai trò chủ thể của người dân, nhất là việc giám sát của người dân trong xây dựng nông thôn mới; thông qua việc lấy ý kiến, Nhân dân được trao đổi, thảo luận, góp ý về những kết quả đã đạt được, những tồn tại, hạn chế đối với kết quả xây dựng nông thôn mới ở địa phương và đưa ra kiến nghị, đề xuất cụ thể...

Việc đánh giá sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng nông thôn mới là một trong những kênh thông tin quan trọng để giúp cho cấp ủy, chính quyền và các ngành chức năng đánh giá, kiểm chứng đối với kết quả xây dựng nông thôn mới ở từng địa phương, cơ sở. Việc tổ chức lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng nông thôn mới cơ bản bước đầu đã thể hiện được ý chí, nguyện vọng và sự tham gia, giám sát của người dân trong xây dựng nông thôn mới. 

Phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên tiếp tục tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng nông thôn mới thông qua các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động đang diễn ra ở địa bàn dân cư, trọng tâm là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Tuyên truyền, vận động Nhân dân giữ vững và nâng cao chất lượng nông thôn mới đối với các địa phương đã đạt chuẩn; tiếp tục đóng góp nguồn lực để xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu. Tiếp tục vận động các nguồn lực để xây dựng nông thôn mới ở các địa phương khó khăn trong đó tập trung tiêu chí nhà ở cho hộ gia đình khó khăn về nhà ở. Đẩy mạnh các hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên về xây dựng nông thôn mới: phát huy vai trò giám sát của Nhân dân trực tiếp của người dân trong xây dựng nông thôn mới; tham gia góp ý hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu, nâng cao chất lượng đánh giá, công nhận kết quả xây dựng nông thôn mới.

 

Anh Cao (Tài liệu của Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020)