Lồng ghép giới vào Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới

11/06/2020 16:14
  • Print
  • Lượt xem: 1835

Sáng ngày 11/6, Cơ quan Phát triển Phụ nữ Liên hợp quốc (UN WOMEN) phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Văn phòng Điều phối xây dựng Nông thôn mới (NTM), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội thảo tham vấn lồng ghép giới trong chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về xây dựng NTM nhằm chia sẻ kết quả nghiên cứu về các vấn đề giới và trao quyền cho phụ nữ trong Chương trình giai đoạn 2010-2020.

Bà Đỗ Thị Thu Thảo phát biểu về vai trò của phụ nữ trong xây dựng NTM tại hội thảo. Ảnh: Bích Nguyên

“Chiếm hơn 50% dân số, phụ nữ Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong các lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội của đất nước nói chung, trong xây dựng NTM nói riêng. Phụ nữ vừa là chủ thể tham gia xây dựng NTM, vừa là đối tượng thụ hưởng thành quả của chương trình.

Với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức chính trị - xã hội đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, đoàn kết, tập hợp đông đảo các tầng lớp phụ nữ, Hội LHPN Việt Nam đã thực hiện tốt vai trò nòng cốt, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ phụ nữ tham gia xây dựng NTM” - Bà Đỗ Thị Thu Thảo, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam nhấn mạnh vai trò của phụ nữ trong xây dựng NTM.

Chương trình MTQG NTM là sáng kiến quan trọng của Việt Nam trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn cho đến nay. Trong bối cảnh tổng kết 10 năm thực hiện chương trình, năm 2019, UN Women phối hợp cùng Viện Chiến lược Chính sách về Phát triển Nông nghiệp Nông thôn và Trung ương Hội LHPN Việt Nam tham gia và triển khai một đánh giá độc lập về giới trong Chương trình MTQG NTM giai đoạn 2010-2020.

Một trong những kết quả quan trọng được nhóm nghiên cứu chia sẻ tại hội thảo là công tác lồng ghép giới còn chưa đầy đủ, mới chỉ xem giới là một vấn đề có tính “chuyên đề hẹp” chứ chưa phải là vấn đề có tính xuyên suốt chính là hạn chế chính cho việc đạt được mục tiêu bình đẳng giới trong Chương trình MTQG NTM.

Bình đẳng giới chỉ giới hạn trong một chỉ tiêu xây dựng NTM (là chỉ tiêu 18.6) trong khi giới không được đề cập đến trong hệ thống 48 chỉ tiêu còn lại của 19 tiêu chí NTM. Điều này đặt ra giới hạn căn bản đối với chiến lược và cách tiếp cận lồng ghép giới một cách đầy đủ.

Do đã có chỉ tiêu bình đẳng giới trong một nội dung riêng biệt nên có xu hướng cho rằng do giới không phải là vấn đề cần quan tâm và ưu tiên trong các tiêu chí xây dựng NTM khác. Chính vì vậy, thực hiện bình đẳng giới trong Chương trình MTQG NTM còn nhiều hạn chế do giới chỉ được nhắc đến trong hướng dẫn thực hiện chỉ tiêu 18.6 mà không có lồng ghép giới trong thực hiện nội dung khác trong Chương trình MTQG NTM.

Một trong những khuyến nghị quan trọng được đưa ra tại hội thảo là vấn đề giới cần phải được giải quyết như là một biến thể kinh tế - xã hội mang tính xuyên suốt trong giai đoạn tiếp theo của Chương trình MTQG NTM.

Theo đó, bình đẳng giới nên được phản ánh trong các nội dung của Chương trình MTQG NTM cũng như các tiêu chí xây dựng NTM, ở bất kỳ nội dung và lĩnh vực nào phù hợp và có liên quan. Điều này có thể được thực hiện bằng cách lồng ghép giới trong các hoạt động khác nhau của Chương trình MTQG (chứ không chỉ hạn chế trong các hoạt động nhằm thực hiện chỉ tiêu 18.6).

Phụ nữ xã Xín Mần, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang tham gia làm đường nông thôn mới. Ảnh: Văn Tiến

Thông qua hội thảo lần này, đơn vị tổ chức và nhóm nghiên cứu bao gồm UN Women, Hội LHPN Việt Nam, Văn phòng Điều phối NTM và Viện chiến lược và chính sách Phát triển Nông nghiệp Nông thôn cùng chia sẻ và tham vấn về các kết quả nghiên cứu về các vấn đề giới qua 10 năm triển khai chương trình NTM. Quan trọng hơn, hội thảo tạo ra một diễn đàn để các nhà nghiên cứu, hoạch định chính sách và chuyên gia trong lĩnh vực này cùng thảo luận và chia sẻ cách thúc đẩy, lồng ghép giới trong các chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn, cụ thể là chương trình MTQG NTM giai đoạn tiếp theo, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam.


Nguồn: bienphong.com.vn