Mục tiêu xây dựng NTM của huyện Kim Bảng là thiết thực, hiệu quả, phấn đấu là huyện có kinh tế phát triển toàn diện, bền vững; nông thôn phát triển; kết cấu hạ tầng từng bước hiện đại; dân chủ được phát huy, bản sắc văn hóa được giữ vững, môi trường bảo đảm, an ninh được tăng cường, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, hệ thống chính trị vững mạnh. Trên cơ sở đó, cấp ủy, chính quyền huyện Kim Bảng xác định rõ bước đi và lộ trình thực hiện. Quá trình thực hiện, huyện chú trọng nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện của các tổ chức, cá nhân trong xây dựng NTM. Đội ngũ cán bộ phụ trách lĩnh vực NTM từ huyện đến xã đều là những cán bộ có năng lực, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm; có khả năng nắm bắt, tham mưu giải quyết kịp thời những vấn đề mới phát sinh, nhất là từ cơ sở. Nhờ có sự đồng thuận cao từ cán bộ, đảng viên và nhân dân, đến nay, huyện Kim Bảng đã được công nhận là một trong hai huyện đầu tiên của tỉnh Hà Nam đạt chuẩn NTM.
Diện mạo huyện Kim Bảng hôm nay. Được coi là huyện có thế mạnh phát triển toàn diện, từ những năm đầu triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Kim Bảng được giao lựa chọn một xã làm điểm xây dựng NTM của tỉnh Hà Nam. Huyện chọn xã Thi Sơn làm điểm xây dựng NTM của tỉnh và được công nhận đạt chuẩn NTM vào năm 2013. Rút kinh nghiệm từ công tác chỉ đạo và thực hiện tại xã điểm Thi Sơn, từ năm 2014 đến 2017, mỗi năm huyện Kim Bảng hoàn thành chỉ tiêu phấn đấu hai đến sáu xã hoàn thành xây dựng NTM. Tuy bước đầu bắt tay vào xây dựng NTM ở Kim Bảng, nhiều xã mới đạt 5 trong số 19 tiêu chí, song từ sự đồng thuận và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong huyện, đến cuối năm 2017 cùng với việc phấn đấu hoàn thành xây dựng NTM ở bốn xã còn lại, Kim Bảng cũng đặt mục tiêu đạt chuẩn huyện NTM. Bảy năm triển khai thực hiện xây dựng NTM, Kim Bảng đã có những bước đi vững chắc để hoàn thành mục tiêu kép - cả xã và huyện cùng đạt chuẩn NTM. Để hoàn thành mục tiêu đó, Kim Bảng đã huy động đầu tư tới gần 2.000 tỷ đồng cho xây dựng các tiêu chí từ xã đến huyện, song không để phát sinh nợ xây dựng cơ bản. Đây chính là một trong những thành công lớn của huyện Kim Bảng trong thực hiện xây dựng NTM. Việc sử dụng nguồn vốn trong xây dựng NTM được huyện triển khai bảo đảm công khai, dân chủ và minh bạch, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân. Nguồn vốn do ngân sách Nhà nước đầu tư Chương trình xây dựng NTM được phân bổ, quản lý, sử dụng bảo đảm đúng nguyên tắc, đúng mục đích, đúng đối tượng là nguồn lực chủ yếu trong đầu tư, hỗ trợ các xã thực hiện Chương trình. Ngân sách cấp huyện tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng, hoàn thiện các tiêu chí về trường học, giao thông, thủy lợi, sân vận động, nhà văn hóa xã, thôn, xóm, trạm y tế và đầu tư phát triển sản xuất. Nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình, được tiếp nhận và thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, trong đó ưu tiên công trình phục vụ phát triển sản xuất, dân sinh thiết yếu như: Nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn, trường học, giao thông nông thôn và đường trục chính nội đồng xã, các tuyến đường của huyện, trạm y tế... Nguồn vốn của nhân dân đóng góp được thực hiện đúng quy định, bảo đảm công khai, dân chủ, do người dân tự bàn bạc, quyết định theo đúng Pháp lệnh 34. Nhân dân trực tiếp quản lý, quyết định đầu tư theo các hạng mục đề án xây dựng NTM đã được phê duyệt, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn do mình đóng góp thông qua các Ban phát triển thôn, Ban giám sát cộng đồng đã tạo sự đồng thuận trong nhân dân, đáp ứng được yêu cầu tiến độ và chất lượng xây dựng công trình phúc lợi ở các thôn, xóm trên toàn huyện. Hằng năm, đều tổ chức tổng kết công tác xây dựng cơ bản, từ xã, đến huyện và công khai đến từng thôn, xóm, qua đó việc huy động, sử dụng nguồn kinh phí được người dân đồng tình ủng hộ cao. Về Kim Bảng hôm nay, chúng ta cảm nhận sự đổi thay từ các tuyến đường trục liên xã, liên thôn đến ngõ xóm được quan tâm đầu tư xây dựng đồng bộ, các xã đã xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo. Từ năm 2011 đến 2017, huyện Kim Bảng đã đầu tư làm mới được 131,58 km đường thôn, xóm bằng bê-tông với kinh phí 100,8 tỷ đồng; cứng hóa 142,793 km đường trục chính nội đồng, kinh phí 67,8 tỷ đồng. Đến nay toàn bộ các tuyến đường có chiều rộng nền đường đạt tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Giao thông vận tải. Từ năm 2011 đến nay, toàn huyện đã xây mới 358 phòng học, phòng chức năng; nâng cấp, sửa chữa 267 phòng học, phòng chức năng của các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở; đóng mới bàn ghế được 4.960 chỗ ngồi, sửa chữa được 2.821 bộ bàn ghế; xây mới 50 công trình vệ sinh với tổng kinh phí hơn 493,78 tỷ đồng; mua sắm bổ sung trang thiết bị, đồ dùng dạy học với tổng kinh phí thực hiện hơn 236 tỷ đồng. Hệ thống các trường học được quan tâm đầu tư khang trang với toàn bộ 58 trường học các cấp từ mầm non đến trung học phổ thông được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ khám, chữa bệnh từ huyện đến cơ sở được xây dựng mới và nâng cấp từng bước đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; bệnh viện huyện đạt tiêu chuẩn hạng ba; 17 trong số 18 xã, thị trấn được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã; nếp sống văn minh, ý thức vệ sinh môi trường trong thu gom rác thải, môi trường nông thôn được chú trọng. Phong trào trồng hoa, cây xanh tạo cảnh quan môi trường ngày càng được nhân rộng. |