Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh Nguyễn Văn Mấy báo cáo tại buổi làm việc Báo cáo công tác chỉ đạo, điều hành và tình hình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2019 của tỉnh Tây Ninh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Mấy cho biết, UBND tỉnh Tây Ninh đã ban hành các văn bản nhằm kiện toàn tổ chức bộ máy các Ban chỉ đạo cấp tỉnh; trên cơ sở đó, các huyện, thành phố cũng kiện toàn các Ban chỉ đạo nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ theo kế hoạch đề ra. Đồng thời, Ban chỉ đạo các cấp cũng ban hành nhiều cơ chế, chính sách và các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình một cách thuận lợi nhất.
Tính đến tháng 10/2019, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có 36/80 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 45% số xã toàn tỉnh. Trong đó, có 36 xã đạt 19/19 tiêu chí; 10 xã đạt từ 15 đến 18 tiêu chí; 29 xã đạt từ 10 đến 14 tiêu chí; 07 xã đạt từ 05 đến 09 tiêu chí. Bình quân tiêu chí nông thôn mới đạt được trên địa bàn toàn tỉnh là 15,6/19 tiêu chí.
Về phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, ông Nguyễn Văn Mấy cho biết, từ nguồn vốn của Chương trình, lồng ghép các nguồn vốn khác, vận động Nhân dân, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của các xã tiếp tục được quan tâm đầu tư, toàn tỉnh đã xây dựng, nâng cấp 206 km đường giao thông nông thôn, kiên cố hóa 14.3 km kênh mương nội đồng; xây dựng 64 trường học đạt chuẩn (trong đó có 23 công trình khởi công mới); nâng cấp 13 Trung tâm Văn hóa – Thể thao và Học tập cộng đồng xã, 49 Nhà văn hóa ấp…
Về liên kết sản xuất – tiêu thụ, tỉnh đã triển khai trên cây lúa, rau màu, cây ăn quả…. Tạo cầu nối giữa nông dân sản xuất với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm nông sản. Đặc biệt, tỉnh Tây Ninh đã ký thỏa thuận hợp tác với Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đưa sản phẩm dưa lưới ruột cam, dưa lưới vỏ vàng ruột xanh, dưa lê vỏ trắng ruột trắng (đạt tiêu chuẩn VietGap); đường hữu cơ, hạt điều rang (đạt chuẩn HACCP); sản phẩn nước trái cây các loại (đạt tiêu chuẩn quốc tế: Kosher, Halal, ISO-HACCP-BRC) lên phục vụ các chuyến bay của Vietnam Airlines và các gian trong phòng chờ các sân bay thuộc hệ thống của Vietnam Airlines.
Về phát triển giáo dục, y tế, văn hóa, bảo vệ môi trường ở nông thôn, tỉnh Tây Ninh tiếp tục đầu tư hoàn thiện về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và nhân lực; thường xuyên giám sát, hỗ trợ, chấn chỉnh nâng cao chất lượng các hoạt động chuyê môn ở các trạm y tế xã và triển khai khai kế hoạch phấn đấu thực hiện mục tiêu đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011-2020. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 81,9% so với dân số toàn tỉnh. Có 49 xã đạt tiêu chí văn hóa (chiếm 61%)…
Quang cảnh buổi làm việc
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Mấy cũng cho biết, việc triển khai xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao còn lung túng do ngân sách năm 2019 chỉ cân đối hỗ trợ cho các huyện, thành phố thực hiện nội dung duy tu, bảo dưỡng công trình sau đầu tư. Nhìn chung, nguồn vốn ngân sách hỗ trợ xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trong thời gian tới hạn chế do phải ưu tiên bố trí cho các xã xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch giai đoạn 2016-2020.
Bên cạnh đó, công tác vận động nguồn lực trong Nhân dân triển khai còn chậm, chưa đạt hiệu quả; về đầu tư cơ sở hạ tầng còn ở mức cao do chưa chủ động được nguồn vật liệu tại chỗ. Trong xây dựng nông thôn mới, công tác tuyên truyền, vận động tuy có triển khai quyết liệt nhưng chưa tạo được sự hưởng ứng mạnh mẽ trong Nhân dân, chất lượng còn hạn chế…
Tỉnh Tây Ninh cũng đặt mục tiêu đến cuối năm 2019, sẽ tăng thêm 06 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đến năm 2020, tăng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 53/80 xã, chiếm 66,3% số xã toàn tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Trần Văn Chiến phát biểu tại buổi làm việc Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Trần Văn Chiến cho biết thêm, tỉnh Tây Ninh nằm trong vùng kinh tế Đông Nam bộ, thu ngân sách đạt trên 09 ngàn tỷ/ năm, dự kiến đến năm 2020 sẽ đạt trên 10 ngàn tỷ.
Về kết quả xây dựng nông thôn mới, tỉnh Tây Ninh không còn xã nào đạt dưới 10 tiêu chí. Về xây dựng Chương trình mỗi xã một sản phẩm, tỉnh đã có kế hoạch và sẽ giao chỉ tiêu cho từng xã trong thời gian tới.
Về số hộ nghèo còn tỷ lệ nhất định, tỉnh sẽ có giải pháp huy động nguồn lực ngân sách và kêu gọi xã hội hóa để đảm bảo đến năm 2021 không còn hộ nghèo.
Về xây dựng chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm cho hộ gia đình, tỉnh Tây Ninh đã kêu gọi các nhà đầu tư nhằm phát triển nông nghiệp, tong đó đã có nhà đầu tư xây dựng một nhà máy thu gom và chế biến nông sản; quy hoạch các vùng sản xuất nông sản phục vụ nhà máy này và từ đó có thể hình thành các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Vụ trưởng Vụ Tổng hợp – Bộ Nội vụ Hà Thị Dung phát biểu tại buổi làm việc
Kết luận buổi làm việc, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp – Bộ Nội vụ Hà Thị Dung cho rằng, các báo cáo của tỉnh Tây Ninh đã đánh giá toàn diện, nghiêm túc, chỉ ra những hạn chế và nguyên nhân của những hạn chế; đồng thời đưa ra những chỉ tiêu, giải pháp thực hiện thời gian tới.
Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Hà Thị Dung đề nghị, tỉnh Tây Ninh cần tập trung hơn nữa trong việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn; xây dựng các chuỗi liên kết sản phẩm, chú trọng sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ mà xã hội cần.
Về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, khi xây dựng kế hoạch cần xác định đào tạo theo nhu cầu xã hội, xác định đầu ra và gắn với tình hình kinh tế - xã hội từng địa phương; sau đào tao, phải đánh giá kết quả để rút kinh nghiệm cho những năm tiếp theo nhằm thực hiện tốt hơn./.
Thanh Tuấn