Kết quả xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa

19/12/2019 16:19
  • Print
  • Lượt xem: 2831

Phát biểu tham luận tại Hội thảo “Mô hình bộ máy triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025”, diễn ra chiều ngày 09/12, đại diện UBND huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa cho biết, Vĩnh Lộc là huyện trung du, cách thành phố Thanh Hóa 45km về phía Tây, là nơi hợp lưu của sông Mã và sông Bưởi, diện tích tự nhiên trên 157km2; toàn huyện có 16 xã, thị trấn (trong đó có 6 xã miền núi, 19 thôn đặc biệt khó khăn), dân số gần 90 nghìn người với hai dân tộc Kinh và Mường sinh sống.

Đại diện UBND huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) trình bày tham luận tại
Hội thảo “Mô hình bộ máy triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025”

Khi bắt đầu xây dựng nông thôn mới, năm 2010 hệ thống cơ sở hạ tầng hầu hết chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất và dân sinh, bình quân tiêu chí nông thôn mới đạt 5,33 tiêu chí/xã, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, chiếm tới 24,43%, thu nhập bình quân đầu người còn thấp 13,3 triệu đồng/người/năm. Với đặc điểm là huyện thuần nông thì chỉ có xây dựng nông thôn mới làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân và đưa huyện Vĩnh Lộc có bước phát triển đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng, ý nghĩa của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc đã chủ động đoàn kết, thống nhất, đồng thuận, quyết tâm chính trị cao trong việc tổ chức triển khai thực hiện Chương trình. Được Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Thanh Hóa ghi nhận, quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ. Vì vậy, đã đạt được kết quả phấn khởi, cụ thể:

Về công tác chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện, trên cơ sở hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh; huyện Vĩnh Lộc đã thành lập bộ máy tổ chức thực hiện từ năm 2010 và được kiện toàn 8 lần để phù hợp với yêu cầu tình hình thực tế. Ban Chỉ đạo huyện đã ban hành quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, thành lập Văn phòng Điều phối nông thôn mới huyện, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới ở các xã và Ban Phát triển thôn ở 128 thôn (sau khi sáp nhập còn 108 thôn).

Huyện Vĩnh Lộc đã xây dựng Đề án, chương trình, kế hoạch cụ thể cho giai đoạn và từng năm; xác định lộ trình xây dựng nông thôn mới một cách khoa học, phù hợp với điều kiện thực thế của huyện, của từng xã. Chỉ ra những nội dung công việc cần phải thực hiện, từ đó xây dựng kế hoạch, phương án huy động nguồn lực một cách hợp lý.

Bên cạnh việc áp dụng và tổ chức thực hiện cơ chế chính sách khuyến khích của tỉnh, Hội đồng nhân dân huyện cũng đã ban hành nhiều cơ chế hỗ trợ, khuyến khích các xã đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, chủ yếu tập trung vào phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ chế huy động nguồn lực để xây dựng nông thôn mới, với nhiều cách làm hay, sáng tạo, hợp lòng dân.

Tại Hội thảo, đại diện UBND huyện Vĩnh Lộc cũng thông tin thêm, đến tháng 6/2012, UBND huyện đã hoàn thành phê duyệt quy hoạch xây dựng nông thôn mới cho 15/15 xã. Các xã đã tổ chức công khai quy hoạch tại trung tâm xã, nhà văn hóa các thôn theo quy định. Công tác quản lý quy hoạch được thực hiện tốt, không để xảy ra vi phạm. Huyện đã xây dựng và hoàn thành quy hoạch vùng huyện Vĩnh Lộc đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2070 theo hướng đưa Vĩnh Lộc trở thành huyện tiên tiến có nền kinh tế phát triển với tỉ trọng du lịch, nông nghiệp sạch - nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp vượt trội.

Trong sản xuất nông nghiệp, huyện đã tập trung chỉ đạo theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng cường ứng dụng cơ giới hóa và chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao thu nhập, giảm hộ nghèo trong khu vực nông thôn.

Điểm nhấn quan trọng dễ nhận thấy là những thành quả của công cuộc xây dựng nông thôn mới được toàn thể Nhân dân trong huyện hưởng ứng tích cực và chủ động trong thực hiện. Với các chương trình, dự án hỗ trợ của tỉnh, các cơ chế chính sách của huyện, đã có nhiều mô hình phát triển sản xuất mang lại hiệu quả cao. Từ năm 2011 - 2019, toàn huyện đã liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm được 2.600ha cây trồng các loại; xây dựng và duy trì được vùng lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao có hợp đồng bao tiêu sản phẩm với diện tích đạt 2.500ha; 120ha vùng sản xuất rau an toàn tập trung chuyên canh; 8 mô hình nhà màng, nhà lưới nông nghiệp công nghệ cao sản xuất rau, củ, quả, hoa hữu cơ kết hợp tưới nước tiết kiệm; đưa cây chuối tiêu hồng vào sản xuất áp dụng theo hướng công gnhệ cao với quy mô lớn, hàng trăm ha; xây dựng và duy trì được 30 chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực của huyện trong sản xuất nông nghiệp. Huyện Vĩnh Lộc đã tích cực triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), xác định 20 sản phẩm thế mạnh thuộc 5 nhóm để tập trung chỉ đạo thực hiện. Chăn nuôi phát triển theo hướng tập trung.

Nét đáng mừng là một số xã trong điều kiện khó khăn đã đổi mới và có những mô hình kinh tế hiệu quả cao; nhất là việc Nhân dân trong huyện đã tích cực hưởng ứng, hiến đất và chủ động tham gia đóng góp công sức, tiền của để xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng nông thôn như: đường giao thông, kênh mương, nhà văn hóa, cổng làng… Khắp mọi làng quê, đâu đâu cũng mang dấu ấn xây dựng nông thôn mới, nhà cửa, vườn được sửa chữa, cải tạo khang trang, sạch đẹp.

Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng cơ bản có bước phát triển khá, đóng góp lớn cho ngân sách, chiếm tỷ trọng giá trị lớn nhất trong cơ cấu kinh tế của huyện năm 2019, đạt 39,51% tương ứng với tổng giá trị sản xuất là 2.909 tỷ đồng, tăng 5,77 lần so với năm 2010. Huyện đã thực hiện tốt chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư, từ 100 doanh nghiệp năm 2010 lên 345 doanh nghiệp năm 2019, trong đó có 3 doanh nghiệp FDI của Hàn Quốc. Sản phẩm chủ yếu của các doanh nghiệp là hàng may mặc, đá mỹ nghệ, vật liệu xây dựng,.. Các doanh nghiệp giải quyết việc làm cho trên 12 nghìn lao động với mức thu nhập ổn định bình quân từ 7 - 9 triệu đồng/người/tháng.

Dịch vụ, thương mại cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của Nhân dân. Huyện đã quan tâm đầu tư, xây dựng phát triển du lịch, tuy dịch vụ du lịch là một hoạt động mới đưa vào khai thác nhưng đã đạt được kết quả nhất định. Số lượng du khách đến thăm quan tại các khu di tích ngày càng tăng,… năm 2018 đón trên 150 nghìn lượt khách đến năm 2019 dự kiến đón trên 180 nghìn lượt khách; doanh thu từ các hoạt động du lịch đạt 15 - 20 tỷ đồng/năm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2019 của huyện đạt gần 1.700 tỷ đồng, tăng 5 lần so với năm 2010.

Trong những năm qua, huyện đã sử dụng các nguồn vốn hỗ trợ và huy động tối đa các nguồn vốn hợp pháp khác, nhất là từ đấu giá quyền sử dụng đất để xây dựng cơ sở hạ tầng nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Nhiều công trình trọng điểm về giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, trung tâm văn hóa - thể thao, các công trình phúc lợi đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Đến nay, hệ thống cơ sở hạ tầng của huyện cơ bản hoàn chỉnh, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, phát triển kinh tế - xã hội và đạt yêu cầu tiêu chí nông thôn mới.

Ngoài ra, các hoạt động văn hóa - thông tin tiếp tục được đẩy mạnh, hình thức ngày càng đa dạng, chất lượng không ngừng được nâng cao. Các chỉ tiêu văn hóa - xã hội đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác bảo tồn di sản và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc được quan tâm, chú trọng.

Công tác giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực được tập trung chỉ đạo và tạo điều kiện tốt nhất. Đã hoàn thành kế hoạch trường đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở đạt 100%. Tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo đạt 68,82% tăng 34,15% so với năm 2010.

Công tác y tế, dân số, gia đình và trẻ em luôn được quan tâm. Đến nay 100% các xã có trạm y tế đạt chuẩn giai đoạn 2, tỷ lệ người dân nông thôn tham gia các loại hình bảo hiểm y tế đạt gần 88% tăng hơn 32% so với năm 2010.

Chương trình giảm nghèo được quan tâm chú trọng, năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn 4,12%, giảm 20,31% so với năm 2010.

Công tác bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm được tập trung chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên, đến nay, chất thải rắn, chất thải y tế trên địa bàn được thu gom và xử lý theo quy định, các cơ sở sản xuất kinh doanh đều đạt tiêu chuẩn nông thôn mới. 15/15 xã của huyện được công nhận đạt chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm - là một trong 10 huyện đứng đầu toàn tỉnh.

Huyện Vĩnh Lộc xác định, tiếp tục thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng tổ chức chính trị - xã hội các cấp. Xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên môn giỏi với ý thức trách nhiệm cao, đáp ứng yêu cầu được quan tâm. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đòan thể tích cực phát huy vai trò của mình, đặc biệt là trong công tác xây dựng nông thôn mới ở các lĩnh vực được phân công.

Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện luôn ổn định. 100% các xã đã xây dựng được lực lượng dân quân “Vững mạnh, rộng khắp” và hòan thành các chỉ tiêu về quốc phòng.

Nhìn chung, sau 9 năm thực hiện Chương trình, diện mạo nông thôn huyện Vĩnh Lộc đã có sự thay đổi mạnh mẽ, kinh tế phát triển theo hướng bền vững, chuyển dịch tích cực; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao, thu nhập bình quân đạt 42,15 triệu đồng/năm, gấp 3,2 lần so với năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện đến nay giảm còn 4,12%; kết cấu hạ tầng xã hội được đầu tư đồng bộ và ngày càng hoàn thiện, trật tự an toàn xã hội trong huyện luôn được ổn định và giữ vững, hệ thống chính trị không ngừng được củng cố, vững mạnh. Kết quả này đã tạo thế và lực mới để huyện Vĩnh Lộc bứt phá đi lên trong tương lai.

Huyện Vĩnh Lộc cũng ý thức việc được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới là vinh dự, là niềm tự hào nhưng cũng là trách nhiệm to lớn của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong huyện. Trong sự phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thồn cùng với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương, đất nước trong giai đoạn hiện nay và giai đoạn tới, việc xây dựng nông thôn mới luôn là nhiệm vụ trọng tâm, toàn diện, lâu dài; là quá trình thường xuyên và liên tục để hướng tới mục tiêu phát triển nông thôn bền vững.

Với ý nghĩa đó, huyện Vĩnh Lộc đã xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng tiêu chí nông thôn mới với quan điểm tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng tiêu chí huyện nông thôn mới, xã nông thôn mới sau đạt chuẩn, từng bước xây dựng Vĩnh Lộc trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu gắn với phát triển du lịch. Mục tiêu cụ thể, phấn đấu đến năm 2020 huyện Vĩnh Lộc có 3 xã hoàn thành bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

 

Tuệ Mẫn