Kết quả thực hiện tiêu chí số 9 và nội dung tiêu chí số 18.1, 18.2 trong xây dựng nông thôn mới tại Vĩnh Phúc

25/11/2019 11:00
  • Print
  • Lượt xem: 2350

Nhìn chung, trong giai đoạn vừa qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị đã tích cực, chủ động, sáng tạo trong triển khai thực hiện. Bộ máy chỉ đạo, quản lý, thực hiện Chương trình các cấp đã được thành lập, kiện toàn hoạt động có nề nếp, hiệu quả. Các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình kịp thời được ban hành. Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, luôn quan tâm, ưu tiên bố trí nguồn lực để thực hiện Chương trình; kịp thời ban hành những cơ chế, chính sách đầu tư, hỗ trợ cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân, các chính sách sát với thực tiễn có tác dụng thiết thực trở thành động lực thúc đẩy tiến độ triển khai thực hiện; các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh và cấp huyện, cấp xã đã tích cực vào cuộc tổ chức thực hiện hoàn thành những tiêu chí theo kế hoạch.

Nhận thức trong đội ngũ cán bộ công chức các cấp và nhân dân về xây dựng nông thôn mới đã có sự thay đổi rõ rệt; vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới đã từng bước được xác định rõ ràng, qua đó đã khuyến khích, động viên được người dân tham gia đóng góp xây dựng quê hương. Công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn được tổ chức kịp thời, đúng đối tượng; nội dung, thời lượng và phương pháp truyền đạt phù hợp cho từng đối tượng.

Các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất của Trung ương, tỉnh được triển khai kịp thời, sâu rộng qua các đề án, chương trình, kế hoạch cụ thể; các mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả được nhân rộng. Người dân đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đào tạo nghề cho lao động nông thôn  bước đầu đã có hiệu quả. Qua đó đã góp phần từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp đúng hướng, nâng cao chất lượng - hiệu quả sản xuất, nhất là các sản phẩm thế mạnh của tỉnh.

Qua đó, bộ mặt nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc đã có nhiều đổi mới, kinh tế tăng trưởng khá, cơ cấu có sự chuyển dịch tích cực; sản xuất phát triển, đời sống vật chất và tinh thần người dân từng bước được nâng lên; hàng năm tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,71%, hết năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn dưới 2,5%.

Hạ tầng thiết yếu được quan tâm đầu tư xây dựng: 100% số xã đã được quy hoạch và quản lý xây dựng theo quy hoạch nông thôn mới; 100% đường liên xã; 92% đường trục xã; 83,9% đường trục thôn, ngõ xóm và 54,9% đường giao thông nội đồng được cứng hóa.

Hệ thống thủy lợi trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng được yêu cầu sản xuất và dân sinh. Các công trình đầu mối, trạm bơm, hồ đập vùng khó khăn về nguồn nước đã từng bước được đầu tư sửa chữa, nâng cấp, xây dựng.

Hệ thống điện lưới, viễn thông đáp ứng được yêu cầu phục vụ sản xuất và nhu cầu đời sống nhân dân; 100% số xã có điểm phục vụ bưu chính, viễn thông, hạ tầng kỹ thuật viễn thông đạt tiêu chí quốc gia, sóng viễn thông được phủ 100% diện tích toàn tỉnh, đáp ứng nhu cầu sử dụng truy cập mạng Internet của cộng đồng dân cư nông thôn.

Mạng lưới chợ nông thôn, cơ sở vật chất văn hóa, trường học được nâng cấp, xây mới góp phần phục vụ nhu cầu trao đổi, lưu thông hàng hóa phục vụ đời sống nhân dân.

Lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường được quan tâm đầu tư và có nhiều tiến bộ; giáo dục đào tạo được quan tâm đặc biệt. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng xã văn hóa được triển khai tích cực. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho cán bộ và nhân dân được quan tâm (có 71,8% số thôn đạt thôn văn hóa 05 năm liên tục; tỉnh tiếp tục duy trì đạt chuẩn phổ cập Trung học cơ sở, học sinh tốt nghiệp năm 2015 đạt 99,5%, có 94,5% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học phổ thông, bổ túc, học nghề; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 66%, hàng năm giải quyết việc làm cho hơn 20.000 lao động; tỷ lệ người dân nông thôn tham gia các loại hình bảo hiểm y tế tăng qua các năm, năm 2015 ước đạt 72,5%; có 85% người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh trong đó tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch ước đạt 45%). Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững và ổn định, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc đạt kết quả tốt. Hệ thống chính trị vững mạnh, hoạt động hiệu lực hiệu quả.

Ngoài nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương, tỉnh đã ưu tiên, tập trung bố trí kinh phí và phân bổ kịp thời cho các xã triển khai thực hiện. Các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng đã triển khai các cơ chế chính sách tín dụng và có giải pháp thực hiện do đó đã huy động tốt nguồn vốn tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, tham gia tích cực các hoạt động an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền vận động nên bước đầu đã huy động được sự tham gia đóng góp của cộng đồng dân cư.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Báo cáo của Sở Nội vụ tỉnh Vĩnh Phúc cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới. Cụ thể:

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng ở một số địa phương, đơn vị chưa tốt, nhất là cấp xã. Một số nơi, Ban Chỉ đạo xã, Ban phát triển thôn chưa thực sự quan tâm, vào cuộc; trách nhiệm chưa cao; hoạt động lúng túng, kém hiệu quả. Năng lực đội ngũ cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu, còn tâm lý ngại khó, sợ khổ và trông chờ, ỷ lại vào cấp trên. Ngoài ra, hoạt động của Ban Chỉ đạo các cấp có nơi chưa thường xuyên, sâu sát, việc phát hiện, tháo gỡ khó khăn cho cơ sở còn chưa kịp thời; hiệu quả hoạt động của một số cơ quan, bộ phận giúp việc cho Ban Chỉ đạo các cấp chưa cao.

Công tác tuyên truyền, vận động mặc dù được triển khai tích cực với nhiều hình thức nhưng nội dung tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh ở một số nơi còn chưa thường xuyên, liên tục; thông tin chưa đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Chưa có nhiều bài viết sâu sắc, chất lượng, đi sâu phân tích, tổng hợp, đánh giá những mặt được và những khó khăn, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình. Ngoài ra, một số huyện, kinh phí dành cho công tác tuyên truyền chưa đảm bảo, chưa thống nhất, chưa xác định rõ cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm tham mưu, tổng hợp, kiểm tra, đôn đốc công tác tuyên truyền nên hiệu quả và chất lượng tuyên truyền chưa cao. Do đó, một bộ phận nhân dân còn chưa nhận thức đầy đủ mục tiêu, ý nghĩa của Chương trình; vai trò chủ thể của người dân chưa thực sự được thể hiện, phát huy nhất là ở các xã chưa đạt chuẩn. Vì vậy, chưa tập hợp, phát huy được hết các nguồn lực và sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội tham gia xây dựng nông thôn mới.

Thực trạng nông nghiệp, nông thôn, nông dân đã có những phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, một số xã trên địa bàn tỉnh đời sống của người dân còn khó khăn; thu nhập bình quân đầu người tăng hàng năm nhưng so với nhu cầu thiết yếu còn nhiều hạn chế; các giải pháp cho giải quyết các vấn đề về việc làm, phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho người lao động chưa đủ mạnh, thiếu bền vững; môi trường nông thôn còn bức xúc, cảnh quan nông thôn chưa thực sự được cải thiện; tệ nạn xã hội có xu hướng gia tăng; việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, mừng thọ... ở một số nơi chuyển biến chưa đáng kể.

Sự phối kết hợp giữa các sở, ban, ngành và các địa phương; giữa các phòng, ban cấp huyện với xã còn chưa thường xuyên, nhất là thời kỳ đầu triển khai Chương trình. Việc chấp hành chế độ thông tin, báo cáo chưa tốt đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác tổng hợp, tham mưu, chỉ đạo điều hành của Ban chỉ đạo các cấp.

Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, các thủ tục đầu tư xây dựng và tổ chức thực hiện trong 05 năm qua ở một số nơi còn chậm, nhất là xây dựng công trình Chợ, các thiết chế văn hóa xã, thôn, đôi khi lúng túng trong thực hiện.

Công tác huy động các nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới ở các xã còn gặp nhiều khó khăn và chủ yếu dựa vào hỗ trợ của ngân sách Nhà nước. Vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước chưa đáp ứng được nhu cầu; việc huy động nguồn vốn ngoài ngân sách còn hạn chế; doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp còn ít; cơ chế giải ngân vốn nhà nước hỗ trợ cho các công trình xây dựng nông thôn mới có lúc, có khâu còn vướng mắc.

Nguồn lực chủ yếu dành cho phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, các vấn đề về văn hóa, xã hội, môi trường và đặc biệt phát triển sản xuất mặc dù được quan tâm đầu tư nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu. Xây dựng nông thôn mới ở các xã chủ yếu tập trung vào xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn mới để đạt tiêu chí về hạ tầng, còn các tiêu chí về kinh tế và tổ chức sản xuất, văn hoá - xã hội - môi trường ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức.

Trong xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn mới, một số xã lập dự án với quy mô, dự toán công trình quá lớn, vượt khả năng cân đối vốn dẫn đến nợ đọng trong xây dựng cơ bản, nhất là một số công trình Trung tâm văn hoá xã.

Một số tiêu chí trong quá trình thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, số xã đạt tiêu chí còn thấp như: Giao thông (75/112 xã), Cơ sở vật chất văn hóa (70/112 xã), Chợ nông thôn 51/97 chợ theo quy hoạch đạt chuẩn, Y tế (77/112 xã), Môi trường (72/112 xã đạt chuẩn).

Báo cáo cũng chỉ ra những nguyên nhân khách quan: Chương trình mới được triển khai, phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm, do đó không ít cán bộ các cấp còn lúng túng trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện; Khủng hoảng kinh tế thế giới kéo dài từ cuối năm 2008 đến nay và những khó khăn về kinh tế trong nước, kinh tế của tỉnh đã ảnh hưởng đến việc huy động và bố trí nguồn lực thực hiện Chương trình; Sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thường xuyên có thiên tai, hiệu quả thấp. Thị trường bất động sản trầm lắng, các địa phương gặp khó khăn trong việc đấu giá quyền sử dụng đất để tạo nguồn đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn; Xây dựng nông thôn mới là Chương trình phát triển tổng thể, toàn diện ở nông thôn nên nhu cầu vốn đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất là rất lớn trong khi nguồn lực của địa phương có hạn; Các chế độ, chính sách của nhà nước có nhiều thay đổi dẫn đến các thủ tục về đền bù giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ bản kéo dài làm chậm tiến độ thực hiện.

Ngoài ra, một số tiêu chí như Giao thông, Cơ sở vật chất văn hóa, Chợ nông thôn, Môi trường khó thực hiện, cần nhiều kinh phí, các xã mất nhiều thời gian để huy động các nguồn lực cũng như thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng, tiến hành giải phóng mặt bằng (giải quyết các vướng mắc), tổ chức để thi công. Đặc biệt tiêu chí Môi trường không chỉ đòi hỏi chú trọng đầu tư về kinh phí mà còn cần sự vào cuộc của các cấp, ngành, đặc biệt của cả cộng đồng dân cư (ý thức của người dân về giữ gìn vệ sinh môi trường trong xây dựng nông thôn mới chưa cao); công tác quy hoạch, lựa chọn địa điểm và giải phóng mặt bằng cho các công trình hạ tầng bảo vệ môi trường như bãi chôn lấp, khu lò đốt rác thải, công trình xử lý nước thải tập trung... gặp rất nhiều khó khăn do không nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân; quy trình, thủ tục liên quan đến triển khai các dự án hỗ trợ hạ tầng bảo vệ môi trường nông thôn còn phức tạp, chưa thực sự được đơn giản hóa nên tiến độ triển khai còn chậm; công nghệ xử lý rác thải phù hợp với điều kiện thực tế ở khu vực nông thôn hiện còn thiếu, trong khi trên địa bàn tỉnh vẫn chưa xây dựng được nhà máy xử lý rác thải tập trung để giải quyết nhu cầu bức xúc hiện nay.

Về những nguyên nhân chủ quan, điều kiện, môi trường làm việc của cơ quan giúp việc Ban Chỉ đạo các cấp chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao; kinh phí hoạt động chưa được quan tâm đúng mức; đội ngũ công chức, viên chức kiêm nhiệm làm công tác xây dựng nông thôn mới các cấp, các ngành chưa được hỗ trợ phụ cấp. Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo cấp huyện và cán bộ công chức cấp xã làm công tác xây dựng nông thôn mới hiện nay đều hoạt động kiêm nhiệm, thiếu tính chuyên nghiệp. Thành viên tổ giúp việc chủ yếu là cán bộ trưng tập từ các phòng, ban của huyện, nhân sự thiếu ổn định, hạn chế trong công tác tham mưu, đề xuất...

Công tác tuyên truyền về Chương trình xây dựng nông thôn mới có lúc, có nơi chưa sâu rộng, chưa trọng tâm, trọng điểm. Đặc biệt là việc vận động, thuyết phục cộng đồng dân cư. Kinh phí thực hiện công tác tuyên truyền mặc dù được bố trí nhưng còn ít so với yêu cầu thực hiện nhiệm vụ. Đội ngũ phóng viên, biên tập viên còn thiếu, trang thiết bị phục vụ cho công tác tuyên truyền, vận động còn hạn chế như một số địa phương chất lượng hệ thống truyền thanh kém, thậm trí không có. Đối tượng của công tác tuyên truyền, vận động đa phần là người dân và cộng đồng nên rất đa dạng; trình độ không đồng đều, nhận thức còn hạn chế và cần có thời gian để thay đổi.

Việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới của một bộ phận cán bộ ở một số địa phương trách nhiệm chưa cao, còn ỷ lại vào sự chỉ đạo của cấp trên. Một bộ phận nhân dân còn chưa thực sự nêu cao tinh thần tự chủ trong xây dựng nông thôn mới, còn tư tưởng trông chờ vào nhà nước…

 

Tuệ Mẫn