Kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới 7 tháng đầu năm 2020 và kế hoạch năm 2021 của tỉnh Đắk Nông

18/12/2020 17:24
  • Print
  • Lượt xem: 2067

Báo cáo của Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Đắk Nông về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới 7 tháng đầu năm 2020 đạt được trên các mặt: ban hành cơ chế, chính sách và văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình; công tác kiện toàn hệ thống bộ máy chỉ đạo thực Chương trình các cấp (tỉnh, huyện, xã); nâng cao năng lực, đào tạo, tập huấn cho cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới; tuyên truyền, nâng cao nhận thức về xây dựng nông thôn mới; giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình; lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân đối với những địa phương (huyện, xã) được công nhận đạt chuẩn và công tác quản lý, sử dụng vốn ngân sách trung ương và huy động nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Chung tay xây dựng nông thôn mới (Nguồn: infonet.vietnamnet.vn)

Theo đó, tính đến hết tháng 7/2020, số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới là 22/60 xã, đạt 36,7% (không bao gồm xã Quảng Thành của TP. Gia Nghĩa đã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019, nhưng đã được thành lập thành Phường). Đạt vượt chỉ tiêu kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ giao trước 01 năm (chỉ tiêu giao là 18 xã đạt chuẩn).

Đến nay, bình quân mỗi xã đạt gần 15 tiêu chí/xã; dự kiến đến hết năm 2020 đạt vượt kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ giao (giao bình quân đạt 15 tiêu chí/xã). Đạt 19 tiêu chí có 22 xã chiếm 36,7%; đạt từ 15 - 18 tiêu chí có 10 xã chiếm 16,7%; đạt từ 10 - 14 tiêu chí có 21 xã, chiếm 35% và chỉ còn 7 xã dưới 10 tiêu chí, chiếm 11,6%.

Thu nhập bình quân đầu người là 48,11 triệu đồng/người/năm; dự kiến năm 2020 đạt 51,26 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo là 10,52%; dự kiến hết năm 2020 giảm còn 7,52%. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế là 88%, dự kiến hết năm 2020 đạt 90%. Tỷ lệ người nông thông được sử dụng nước hợp vệ sinh là 89%, dự kiến hết năm 2020 đạt 90%.

Trong năm 2018 – 2019, do Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Đắk Nông mới bắt đầu được triển khai thực hiện, nên địa phương chưa tổ chức đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP. Trong 7 tháng đầu năm 2020, địa phương đã tổ chức đánh giá, xếp hạng cho 24 sản phẩm của 17 chủ thể gồm: 6 doanh nghiệp, 4 hợp tác xã, 3 trang trại, 3 cơ sở sản xuất và 01 hộ gia đình đến từ 4 huyện (Cư Jút, Krông Nô, Đắk Mil, Tuy Đức) và thành phố Gia Nghĩa. Kết quả đánh giá, xếp hạng: có 02 sản phẩm đạt 4 sao, 19 sản phẩm đạt 3 sao, 2 sản phẩm không đạt và 1 sản phẩm sẽ được Hội đồng đánh giá, chấm điểm lại khi chủ thể bổ sung Phiếu kết quả thử nghiệm đầu ra. Dự kiến trong cuối năm 2020 sẽ tổ chức thêm 1 đợt đánh giá, xếp hạng cho 10 sản phẩm của địa phương.

Nhìn chung, trong 7 tháng đầu năm 2020, các cấp ủy đảng, cả hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh đã vào cuộc một cách quyết liệt, tích cực; nhận thức của Nhân dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng về xây dựng nông thôn mới ngày được nâng cao hơn. Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết và Chỉ thị về xây dựng nông thôn mới; Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành các cơ chế, chính sách để thực hiện Chương trình và đưa mục tiêu về xây dựng nông thôn mới vào Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội; Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành kịp thời, đầy đủ khung văn bản pháp lý để tổ chức thực hiện Chương trình.

Hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được chú trọng đầu tư xây dựng, ngày càng đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và điều kiện sống của người dân nông thôn, đồng thời đã làm thay đổi bộ mặt, diện mạo ở vùng nông thôn.

Công tác phát triển sản xuất đã được các cấp, các ngành và địa phương quan tâm triển khai thực hiện; đã xuất hiện ngày càng nhiều các mô hình phát triển sản xuất đem lại thu nhập cao; các hợp tác xã, tổ hợp tác được thành lập mới và hoạt động ngày càng có hiệu quả hơn, từng bước giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập, giảm nghèo cho người dân nông thôn.

Vấn đề thu gom, xử lý rác thải đã được các địa phương quan tâm thực hiện; cảnh quan môi trường nông thôn ngày càng được người dân xây dựng xanh - sạch - đẹp; các tuyến đường trồng hoa, cây xanh xuất hiện ngày càng nhiều và đã trở thành phong trào thi đua mạnh mẽ ở các thôn, bon, buôn; từ đó từng bước góp phần xây dựng được các Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu.

Phong trào thi đau “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Đắk Nông chung sức xây dựng nông thôn mới” đã có tác động rất mạnh mẽ tới cán bộ, đảng viên, nhất là quần chúng nhân dân trong việc tham gia đóng góp thực hiện Chương trình. Trong những năm qua, người dân trên địa bàn tỉnh đã tích cực, chủ động tham gia đóng góp tiền bạc, ngày công, hiến đất đai, hoa màu… quy đổi thành tiền được hàng trăm tỷ đồng để thực hiện Chương trình. Ngoài ra, người dân tự bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để chỉnh trang, xây dựng nhà cửa, giúp dỡ nhau về phát triển kinh tế, nâng cao công tác phát triển sản xuất,… góp phần giúp cho các địa phương thực hiện đạt chuẩn các tiêu chí theo quy định.

Trong năm 2021, phấn đấu có 01 đơn vị cấp huyện (Đắk R’lấp) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và có thêm 05 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân mỗi xã đạt từ 16,3 tiêu chí/xã; có 03 ã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; ít nhất 8 Khu dân cư đạt chuẩn Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu và ít nhất có 25 vườn, rẫy đạt chuẩn vườn mẫu - rẫy mẫu…

Về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện

Để triển khai thực hiện và đạt được các chỉ tiêu, tiêu chí đã đề ra trong năm 2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông đã đề ra một sô giải pháp sau:

Nghiên cứu ban hành các cơ chế, chính sách, khung văn bản pháp lý phù hợp với tình hình mới và điều kiện thực tế tại địa phương để tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình trong giai đoạn mới.

Tiếp tục tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền để làm chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa nhận thức của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục phát động phong trào thi đua “Đắk Nông chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021 - 2025 và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Đẩy mạnh, nâng cao chất lượng đào tạo, tập huấn về xây dựng nông thôn mới; trong đó, chú trọng tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu theo các nội dung cụ thể, chuyên đề phù hợp với tình hình thực tế và nhu cầu của địa phương.

Đồng thời, rà soát quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn để điều chỉnh phù hợp với giai đoạn mới; chú ý xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tiếp tục huy động, lồng ghép các nguồn vốn từ các Chương trình, các dự án đang thực hiện trên địa bàn tỉnh để thực hiện các nội dung, mục tiêu chung của Chương trình. Ban hành các chính sách, quy chế phù hợp để huy động được sự vào cuộc, đóng góp tích cực hơn nữa từ các doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức kinh tế,… nhất là từ cộng đồng dân cư trong việc triển khai các nội dung của Chương trình.

Tiếp tục đầu tư xây dựng, nâng cao chất lượng hệ thống các công trình cơ sở hạ tầng ở nông thôn, đảm bảo đồng bộ, từng bước hiện đại, liên kết giữa các vùng, khu vực và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị để đảm bảo duy trì ổn định đầu ra cho các sản phẩm, nâng cao hơn nữa thu nhập và chất lượng sống của người dân nông thôn. Tập trung xây dựng các mô hình về phát triển du lịch theo hướng du lịch trải nghiệm nông thôn gắn với tham quan các danh lam, thắng cảnh, các lễ hội văn hóa của địa phương.

Kiện toàn hệ thống Ban Chỉ đạo và bộ phận tham mưu giúp việc các cấp theo chỉ đạo của Trung ương. Trong đó, sắp xếp, bố trí đủ nhân lực, vật lực cho hệ thống Văn phòng Điều phối nông thôn mới các cấp để nâng cao vai trò, trách nhiệm và tổ chức hoạt động theo hướng chuyên trách, chuyên nghiệp.

Bên cạnh đó, tổ chức triển khai thực hiện mạnh mẽ, đồng bộ, hiệu quả các Bộ tiêu chí: Bộ tiêu chí xã nông thôn mới, Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, Bộ tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu, Bộ tiêu chí Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, Bộ tiêu chí vườn mẫu - rẫy mẫu và Bộ tiêu chí huyện nông thôn mới, Bộ tiêu chí huyện nông thôn nâng cao.

Anh Cao