Hưng Yên: Kết quả 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đối với một số nội dung thành phần của ngành nội vụ

02/12/2019 16:22
  • Print
  • Lượt xem: 1825

Tỉnh Hưng Yên nằm ở trung tâm đồng bằng châu thổ sông Hồng, trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc. Phía Bắc giáp tỉnh Bắc Ninh, phía Đông giáp tỉnh Hải Dương, phía Tây và Tây Bắc giáp thủ đô Hà Nội. Diện tích tự nhiên 930,22 km2, dân số khoảng 1,2 triệu người. Tỉnh Hưng Yên có 08 huyện, 01 thị xã và 01 thành phố; 161 xã, phường, thị trấn (139 xã, 14 phường và 8 thị trấn), trong đó có 09 cấp xã loại I, 83 cấp xã loại II và 69 cấp xã loại III. Toàn tỉnh có 851 thôn, tổ dân phố (798 thôn, 53 tổ dân phố), trong đó thôn, tổ dân phố loại I là 123; thôn, tổ dân phố loại II là 221 và thôn, tổ dân phố loại III là 507.

Kết quả thực hiện tiêu chí xã nông thôn mới (tiêu chí số 18 nội dung 18.1, 1.2 xã nông thôn mới)

Giai đoạn 1 (2010 - 2015), đến hết năm 2015, số cán bộ, công chức cấp xã có trình độ đại học, cao đẳng tăng 22%, trung cấp tăng 28% so với năm 2010; cán bộ, công chức cấp xã có trình độ trung cấp lý luận chính trị tăng 35,7%. Toàn tỉnh có 112/145 xã có số cán bộ, công chức đạt chuẩn theo quy định, đạt tỷ lệ 77,25%. Tính đến tháng 10/2015, toàn tỉnh đã thu hút được 356 sinh viên đã tốt nghiệp đại học chính quy về làm việc tại các xã, phường, thị trấn. Hàng năm, số đơn vị chính quyền cơ sở được công nhận đạt trong sạch vững mạnh chiếm tỷ lệ trên 80%, còn lại xếp loại khá và trung bình, không có yếu kém.

Từ năm 2010 - 2014, đã có 668 lượt xã, phường, thị trấn được công nhận chính quyền trong sạch vững mạnh (trong đó UBND tỉnh công nhận 169 lượt đơn vị chính quyền cấp xã đạt trong sạch vững mạnh tiêu biểu, UBND cấp huyện công nhận 499 lượt đơn vị chính quyền cấp xã đạt chính quyền trong sạch vững mạnh).

Theo báo cáo của UBND các huyện, thị xã, thành phố tính đến 6/2015 các xã có trụ sở làm việc đạt chuẩn theo quy định là 120/145 xã, đạt tỷ lệ 82,8%, đang xây dựng kiên cố hóa cao tầng là 11, chiếm tỷ lệ 7,6%, chưa đạt chuẩn là 14, chiếm tỷ lệ 9,6%; về các công trình phụ trợ: đạt chuẩn là 37/145 xã, đạt tỷ lệ 25,5%, đang xây dựng chiếm 15/145 xã, đạt tỷ lệ 10,4%, chưa đạt chuẩn là 93/145 xã, chiếm tỷ lệ 64,1%. 100% số xã và thôn đều có đủ hệ thống chính trị theo quy định.

Tổng hợp từ các huyện, thành phố, toàn tỉnh hiện có 134/145 xã đạt tiêu chí về hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh, đạt tỷ lệ 92,4%.

Tính đến tháng 12/2015 toàn tỉnh có 38/145 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 26,2%.

Giai đoạn 2 (từ tháng 01/2016 - 6/2019): Tổng số cán bộ, công chức có trình độ chuyên môn cao đẳng, đại học trở lên so với giai đoạn 1 tăng 40,5%; có trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên tăng 23,4%; tỷ lệ cán bộ, công chức xã đạt chuẩn 100%. Tính đến nay, toàn tỉnh thu hút được 471 sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy về làm công chức cấp xã; 100% số xã và thôn đều có đủ hệ thống chính trị theo quy định;

Tính đến tháng 6/2019 có 145/145 đạt tiêu chí số 18 về hệ thống chính trị. So với giai đoạn 1 tăng 7,6%.

Tính đến tháng 6/2019 có 141/145 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 97,2%, so với giai đoạn 1 tăng 71%.

Kết quả thực hiện tiêu chí huyện nông thôn mới

Ngày 10/8/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1011/QĐ-TTg công nhận huyện Mỹ Hào đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017.

Đến tháng 6/2019: Có 3 đơn vị: huyện Văn Giang, huyện Văn Lâm và thành phố Hưng Yên đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018.

Có 04 đơn vị: huyện Tiên Lữ, huyện Phù Cừ, huyện Kim Động và huyện Ân Thi có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019.

Có 02 đơn vị: huyện Yên Mỹ và huyện Khoái Châu, mỗi huyện còn 02 xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới. Hai đơn vị trên phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019.

Để đạt được kết quả thực hiện Chương trình giai đoạn 2010 - 2020 nêu trên, phải nhấn mạnh đến công tác quản lý điều hành. Cụ thể:

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo các cấp sâu sát, quyết liệt; các sở, ngành phối hợp thường xuyên, chặt chẽ hơn trong việc thực hiện Chương trình; đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào cuộc và sự hưởng ứng tích cực của đông đảo người dân.

Công tác tuyên truyền, vận động luôn được chú trọng, triển khai sâu rộng tới quần chúng Nhân dân bằng nhiều hình thức, nội dung truyền tải phong phú, đa dạng nên đã tạo được những chuyển biến lớn, đạt được những kết quả đáng khích lệ cả về tư tưởng, nhận thức và hành động trong phong trào xây dựng nông thôn mới, người dân tích cực đóng góp ngày công, hiến đất, kinh phí để xây dựng các công trình phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh.

Bên cạnh đó, đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn ngày càng được các cấp, các ngành quan tâm; Văn hóa, giáo dục, y tế, môi trường và vấn đề an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm đầu tư, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập, làm việc, vui chơi giải trí, hoạt động thể dục thể thao, chăm sóc sức khỏe của nhân dân.

Đồng thời, Chương trình xây dựng nông thôn mới đã trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt đối với cả hệ thống chính trị; các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến huyện, xã đã chủ động hơn trong việc tổ chức thực hiện, đã xây dựng kế hoạch thực hiện theo sự phân công của Ban Chỉ đạo.

Hệ thống chính trị cơ sở không ngừng được củng cố và phát huy sức mạnh tổng hợp. Đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã ngày càng hoàn thiện cả về chính trị, năng lực chuyên môn, tinh thần trách nhiệm và kỹ năng vận động quần chúng. An ninh, trật tự xã hội ở nông thôn tiếp tục được giữ vững và ổn định.

Phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới được Nhân dân và xã hội đồng tình hưởng ứng mạnh mẽ, tạo ra sức lan tỏa lớn và thật sự mang lại hiệu quả thiết thực đối với chương trình xây dựng nông thôn mới.

Qua đó, giai đoạn 2010 - 2020, tỉnh Hưng Yên đã thu được kết quả nổi bật trên các mặt, cụ thể như: Trong triển khai Chương trình, tỉnh Hưng Yên đã bám sát các quy định, văn bản hướng dẫn của Trung ương và có cách tiếp cận sáng tạo, phù hợp trong tổ chức thực hiện. Các cơ chế, chính sách hỗ trợ sớm được ban hành tương đối đồng bộ, đầy đủ, phù hợp với thực tế; Công tác tuyên truyền được quan tâm, triển khai thường xuyên tạo chuyển biến mạnh về nhận thức trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân trên địa bàn. Tính đến tháng 6/2019, toàn tỉnh đã có 141/145 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Bộ mặt nông thôn của tỉnh Hưng Yên tiếp tục có nhiều đổi mới theo hướng khang trang, hiện đại, nhiều công trình hạ tầng nông thôn đã được xây mới, nâng cấp đảm bảo đạt chuẩn; đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân không ngừng được nâng lên, môi trường có nhiều chuyển biến tích cực, an ninh trật tự xã hội được giữ vững. Phong trào xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao tiếp tục có chuyển biến tích cực, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Về cơ chế chính sách, thực hiện xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn, cả hệ thống chính trị vào cuộc để xây dựng nông thôn mới, huy động được sự đóng góp sức người, sức của của toàn dân. Xây dựng nông thôn mới trở thành nhiệm vụ chính trị của các cấp ủy đảng, chính quyền, thành nghị quyết đại hội của các cấp.

Về chỉ đạo, điều hành, xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, được triển khai dưới sự lãnh đạo của Đảng mà trực tiếp là sự lãnh đạo của cấp ủy địa phương. Các cấp, các ngành chỉ đạo sát sao, quyết liệt từng bước thực hiện tiêu chí để sớm về đích nông thôn mới.

Huy động nguồn lực, đã huy động nhiều nguồn lực từ trung ương đến địa phương và sự đống góp to lớn của Nhân dân.

Về sự hài lòng của người dân, xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi hẳn bộ mặt của nông thôn, kết cấu hạ tầng được hoàn thiện, phục vụ tốt hơn cho người dân. Về y tế, văn hóa, giáo dục ngày càng được nâng cao về chất lượng, môi trường được quan tâm sâu sắc, an ninh trật tự được bảo đảm; Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn phát triển nhanh, nổi bật nhất là hệ thống đường giao thông, trường học, các thiết chế văn hóa - thể thao cơ sở..., tạo ra diện mạo mới cho khu vực nông thôn của tỉnh; Cơ cấu kinh tế nông thôn tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ, nâng cao chất lượng - hiệu quả sản xuất, nhất là các sản phẩm thế mạnh của tỉnh (lúa gạo, chăn nuôi gia cầm, rau thực phẩm…). Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định, tái cơ cấu ngành nông nghiệp đang đi đúng hướng, một số cây trồng, vật nuôi chuyển đổi có hiệu quả cao như: Cây có múi, rau an toàn, gia cầm,...; Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao quần chúng được đẩy mạnh. Chất lượng giáo dục ngày càng tăng, phổ cập giáo dục trung học cơ sở tiếp tục được duy trì ở tất cả các xã, số xã đạt phổ cập giáo dục trung học cơ sở tăng. Công tác phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân đạt kết quả tốt, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế ngày một tăng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh Hưng Yên cũng thẳng thắn chỉ ra những điểm còn hạn chế, tồn tại chủ yếu và nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế. Cụ thể:

Về hạn chế, tồn tại: Công tác chỉ đạo thực hiện Chương trình có lúc, có nơi chưa được quan tâm đúng mức; nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân còn chưa thật đầy đủ; sự lãnh đạo, chỉ đạo ở một số xã còn chưa sâu sát, thiếu quyết liệt; nguồn lực đầu tư còn hạn chế; vì vậy hết năm 2013 chưa có xã nào đạt nông thôn mới theo kế hoạch.

Một số sở, ngành chưa thật sự chủ động tham mưu, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện của Chương trình; sự phối hợp giữa một số sở, ngành với các địa phương chưa chặt chẽ; việc lồng ghép các Chương trình, đề án, dự án trên địa bàn còn hạn chế.

Việc huy động nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới còn gặp nhiều khó khăn. Vốn ngân sách nhà nước (kể cả vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác) còn quá thấp so với yêu cầu; vốn huy động trong dân rất hạn chế do thu nhập của người nông dân còn thấp; vốn huy động từ các doanh nghiệp không nhiều.

Chất lượng quy hoạch và đề án xây dựng nông thôn mới của một số xã còn thấp; kết quả thực hiện tiêu chí nông thôn mới không đồng đều giữa các địa phương, chất lượng đạt chuẩn ở một số địa phương còn thiếu tính bền vững.

Chất lượng một số tiêu chí nông thôn mới tại một số xã đạt chuẩn nông thôn mới còn hạn chế. Cảnh quan môi trường nông thôn chưa thật sự xanh - sạch - đẹp. Tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn có xu hướng gia tăng ở nhiều nơi.

Chuyển biến trên các lĩnh vực y tế - văn hóa - giáo dục, đào tạo nghề nông thôn chưa theo kịp với sự phát triển kinh tế xã hội và xây dựng nông thôn mới. Môi trường nông thôn đang là vấn đề nan giải, còn nhiều bức xúc ở các địa phương.

Ngoài ra, Công tác thực hiện thông tin, báo cáo của một số cơ quan, đơn vị không đầy đủ, chưa kịp thời; chất lượng báo cáo của một số đơn vị chưa đạt yêu cầu, số liệu không đầy đủ hoặc thiếu chính xác, dẫn đến công tác tổng hợp báo cáo và tham mưu chỉ đạo gặp nhiều khó khăn. Đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới ở nhiều địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu.

Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế: Nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và người dân còn hạn chế, nhất là tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư từ ngân sách nhà nước, tính tự lực, tự cường chưa phát huy đúng mức; Một số nơi chưa làm hết trách nhiệm trong việc tuyên truyền, vận động xây dựng nông thôn mới, cũng như huy động các nguồn lực xã hội cho xây dựng nông thôn mới. Việc thu hút vốn đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế. Cơ chế hỗ trợ vốn xây dựng nông thôn mới còn dàn đều giữa các vùng có điều kiện địa lý, kinh tế - xã hội khác nhau./.

 

 

Tuệ Mẫn