Hiệu quả của cơ chế đặc thù trong xây dựng NTM ở Bù Gia Mập

31/10/2018 08:50
  • Print
  • Lượt xem: 1200

Là huyện nằm trong vùng chuyển tiếp giữa miền núi, cao nguyên và vùng đồng bằng, có 23 dân tộc anh em cùng sinh sống trên địa bàn, đa dạng nét văn hóa trong cộng đồng nên Bù Gia Mập (Bình Phước) gặp vô vàn khó khăn trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới. Thế nhưng sau gần 10 năm thành lập với nhiều cơ chế chính sách phát triển của tỉnh Bình Phước, Bù Gia Mập từng bước vươn lên.

Đường giao thông nông thôn qua xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập. Ảnh: http://bugiamap.binhphuoc.gov.vn

Bù Gia Mập là một trong những địa phương thực hiện hiệu quả cơ chế đặc thù trong xây dựng NTM của tỉnh Bình Phước. Năm 2016, 2017 chương trình xây dựng NTM ở huyện Bù Gia Mập đã huy động 94% người dân tham gia bằng nhiều việc làm cụ thể thiết thực. Cụ thể như xã Đa Kia, từ năm 2016 đến nay nhân dân đóng góp 11 tỷ đồng cùng với Nhà nước xây dựng 40 km đường giao thông. Bên cạnh đó người dân các khu dân cư tự nguyện đóng góp gần 600 triệu đồng xây dựng hệ thống chiếu sáng đường thôn, trục đường tỉnh 759 với chiều dài hơn 10 km. Đóng góp hơn 263 triệu đồng tu sửa đường giao thông, cầu, khơi thông cống rãnh, mương thoát nước đến nay Đa Kia đạt 14/19 tiêu chí NTM.

Xã Bù Gia Mập người dân không chỉ đóng góp 02 tỷ đồng cùng Nhà nước xây dựng cơ sở hạ tầng NTM mà còn tự nguyện đóng góp 768 ngày công lao động xây dựng 1 km đường bê tông, 230 ngày công phát quang thu gom rác thải, khơi thông cống rãnh tại các tuyến đường liên thôn; hiến 2,3 ha đất, 552 cây trồng các loại để mở đường liên thôn Bù Rên -  Đắk Côn đến nay xã Bù Gia Mập đạt 13/19 tiêu chí NTM.

Từ năm 2016 đến hết quý I năm 2018, toàn huyện đã huy động 297 tỷ đồng trong đó nhân dân đóng góp hơn 46 tỷ đồng. Từ các nguồn vận động, hỗ trợ, đóng góp, đến nay huyện Bù Gia Mập có 02 xã về đích NTM là Phú Nghĩa, Đức Thạnh và đang tập trung đầu tư cho xã Đa Kia về đích NTM năm 2018.

Ông Nguyễn Xuân Hoan, Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước cho biết, cơ chế đặc thù trong xây dựng đường giao thông nông thôn là tỉnh hỗ trợ xi măng, huyện hỗ trợ cát đá, chi phí vận chuyển, người dân sẽ thực hiện đóng góp ngày công. Thực hiện Quyết định 679/QĐ-UBND sau này là Quyết định 1754/QĐ-UBND, huyện cụ thể hóa bằng các kế hoạch, các nghị quyết của huyện ủy về phát triển đường giao thông nông thôn, xây dựng NTM và nhận được sự đồng thuận rất cao của người dân.

Chính do có cơ chế đặc thù, Bù Gia Mập đã thu hút phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, sức sáng tạo của nhân dân, tạo sự chuyển biến rõ nét trong đẩy mạnh xây dựng NTM. Nhờ đó kinh tế phát triển bền vững, cơ sở hạ tầng đồng bộ, đời sống vật chất tinh thần của người dân được nâng cao.

Với thời gian rất ngắn mới thực hiện trong vòng khoảng 3 năm, huyện đã đầu tư được 97 tuyến đường với chiều dài khoảng 48,4 km và trên 50 tỷ đồng. Hiện nay cơ cấu vốn tỉnh hỗ trợ xi măng khoảng 25%, nhân dân đóng góp 25%, cát đá xi măng vận chuyển khoảng 50%. Với kinh phí này nguồn đầu tư của huyện là lớn nhất nhưng người dân tham gia đồng thuận cao trong việc thực hiện cơ chế này.

Mục tiêu huyện Bù Gia Mập phấn đấu đến năm 2020 là chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm đạt 30%, sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa đạt 80%, huy động nguồn lực trong nhân dân tham gia xây dựng NTM đạt 10% đến 30%. Có 50% số xã đạt chuẩn NTM và số xã còn lại đạt 70% tiêu chí NTM. Phong trào toàn dân xây dựng NTM đạt 70% trở lên.

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra, các cấp ủy chính quyền từ huyện đến cơ sở đang tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của xây dựng NTM. Quan tâm đầu tư phát triển kinh tế nâng cao thu nhập trong đó nhân dân đóng vai trò chủ thể vừa thực hiện vừa thụ hưởng, Nhà nước hỗ trợ hướng dẫn.

Đức Điệp/tcnn.vn