Hà Nội: Huyện Thạch Thất đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu

27/07/2020 12:59
  • Print
  • Lượt xem: 2137

Phó Bí thư Thường trực huyện ủy Thạch Thất (Hà Nội) Nguyễn Hồng Nhật cho biết, mục tiêu giai đoạn 2020 - 2025 huyện sẽ có trên 35% số xã đạt tiêu chí nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu, gắn với các tiêu chí phát triển đô thị nội đô.

Từ năm 2016 đến hết quý I/2020, huyện Thạch Thất đã huy động được trên 3.138 tỷ đồng để thực hiện xây dựng NTM trong đó: Ngân sách trung ương 4 tỷ đồng, ngân sách TP 734,42 tỷ đồng, ngân sách huyện 2.008,96 tỷ đồng, ngân sách xã 30,52 tỷ đồng, vốn hợp tác xã 6,07 tỷ đồng, vốn khác 13,03 tỷ đồng và nguồn vốn nhân dân đóng góp 242,28 tỷ đồng.

Chương trình phát triển kinh tế nông thôn tại huyện Thạch Thất đạt hiệu quả cao. Ảnh minh họa

Đặc biệt, Nhân dân đã đóng góp 193.150 ngày công lao động, hiến tặng 5.429m2 đất thổ cư, 28.230m2 đất nông nghiệp để đầu tư xây dựng các công trình giao thông, trường học, nhà văn hóa; bộ mặt nông thôn tiếp tục được đổi mới, khang trang, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân nâng lên rõ rệt.

Đến năm 2017 trên địa bàn huyện có 21/21 xã đạt tiêu chí NTM (riêng xã Thạch Hòa, thị trấn Liên Quan phát triển theo hướng đô thị); năm 2020 xã Đại Đồng đạt tiêu chí NTM nâng cao, huyện đạt chuẩn NTM.

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM; khai thác có hiệu quả các nguồn lực, đầu tư, xây dựng, nâng cao các tiêu chí đã đạt, phấn đấu đến năm 2025 có trên 35% số xã đạt tiêu chí NTM kiểu mẫu, gắn với tiêu chí phát triển đô thị nội đô.

”Chỉ đạo phát triển nông nghiệp bền vững gắn với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, gắn với phát huy lợi thế, nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp, làng nghề truyền thống là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của huyện trong giai đoạn 2020 - 2025” - ông Nhật cho hay.

Theo đó, trong thời gian tới huyện sẽ tăng cường đầu tư hệ thống đường giao thông nông thôn, hệ thống tưới tiêu, thủy lợi nội đồng, thoát nước thải, cấp nước sạch sinh hoạt cho nhân dân; cải tạo, nâng cấp chợ truyền thống, như: Chợ Săn, chợ Nủa, chợ Hạ Bằng, chợ Cò và chợ dân sinh ở các xã.

Đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện hình thành những khu chăn nuôi, khu giết mổ tập trung, chuyển sản xuất tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm khỏi khu dân cư. Quan tâm đầu tư đồng bộ các công trình trường học, y tế, văn hóa, đầu tư kè hệ thống ao, hồ mặt nước; tăng cường trồng cây bóng mát, chỉnh trang hành lang giao thông… nhằm xây dựng môi trường văn hóa nông thôn lành mạnh, phát triển theo hướng đô thị xanh. 

Nguồn: kinhtedothi.vn