Theo Báo cáo, việc triển khai tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, trực tiếp của Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương, sự chỉ đạo sát xao của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân; Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của tỉnh; sự đầu tư hỗ trợ về kinh phí theo các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới; sự lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể, sâu sát, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành từ tỉnh đến cơ sở; sự đồng thuận nhất trí cao của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi trong triển khai thực hiện Chương trình.
Đồng thời, công tác tuyên truyền thực hiện Chương trình thường xuyên được triển khai sâu rộng đến cơ sở; hình thức, nội dung tuyên truyền phong phú, đa dạng, giúp Nhân dân nắm được mục tiêu, ý nghĩa và các nội dung cơ bản của Chương trình, được Nhân dân hưởng ứng cao và tích cực tham gia thực hiện.
Hệ thống chính trị ở nông thôn được củng cố và tăng cường. Dân chủ cơ sở được phát huy. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư cơ bản; công tác giáo dục, y tế, văn hóa được chú trọng; bộ máy quản lý chỉ đạo nông thôn mới các cấp đã được thành lập, kiện toàn và đi vào hoạt động; cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới thường xuyên được tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ và nâng cao năng lực quản lý, chỉ đạo thực hiện Chương trình.
Kết quả thực hiện tiêu chí xã nông thôn mới
Căn cứ Quyết định số 1980/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 của Chính phủ, để đánh giá kết quả thực hiện tiêu chí số 18, nội dung 18.1, 18.2 thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, trong đó, với mỗi tiêu chí trong từng nhóm đề nghị nêu kết quả đạt được đến thời điểm báo cáo, có so sánh với điểm bắt đầu thực hiện (tháng 12/2010) và kết quả giai đoạn I (tháng 12/2015). Những thuận lợi, khó khăn và hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện tiêu chí.
Đối với tiêu chí 18, nội dung 18.1, về cán bộ, công chức đạt chuẩn, năm 2010 có 72/195; năm 2015 có 115/195; tháng 6/2019 có 184/195 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Hà Giang đạt nội dung tiêu chí thành phần 18.1 trong tiêu chí số 18 – hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật.
Đối với tiêu chí 18, nội dung 18.2, có đủ các tổ chức trong hệ thống chính trị cơ sở theo quy định: ở tất cả các xã trên địa bàn tỉnh có Đảng bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên; ở tất cả các thôn đều có Chi bộ đảng và các chi hội đoàn thể như Ban Công tác Mặt trận, Chi Hội Nông dân, Chi Hội phụ nữ, Chi Đoàn Thanh niên, Chi Hội Cựu chiến binh.
Để đạt được kết quả trên, hoạt động quản lý, điều hành và tổ chức bộ máy tham mưu chỉ đạo, tham mưu thực hiện Chương trình; công tác điều phối, phối hợp và trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong quá trình quản lý, điều hành tổ chức triển khai Chương trình.
Ban Chỉ đạo các cấp thường xuyên tổ chức quán triệt các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của cấp trên; căn cứ vào nhiệm vụ được phân công, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, Văn phòng nông thôn mới các cấp thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn cơ sở nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới tại các xã.
Chỉ đạo các thành viên Ban Chỉ đạo tham mưu thực hiện tốt việc xây dựng kế hoạch phân bổ kịp thời và bố trí sử dụng các nguồn vốn đảm bảo đúng mục tiêu để triển khai thực hiện Chương trình; thực hiện tốt các nhiệm vụ đã được phân công theo lĩnh vực ngành quản lý. Đồng thời, tăng cường bám nắm cơ sở xã và các tiêu chí được phân công phụ trách, chủ động triển khai đạt hiệu quả chương trình và chịu trách nhiệm trước Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của tỉnh, huyện về kết quả thực hiện nhiệm vụ được phân công.
3 bài học kinh nghiệm được rút ra: 1. Xây dựng nông thôn mới trước hết phải làm tốt công tác tuyên truyền để cả hệ thống chính trị và Nhân dân nhận thức đúng và đầy đủ về xây dựng nông thôn mới. Phải làm cho người dân xác định chính họ là chủ thể của xây dựng nông thôn mới thì Chương trình mới thật sự thành công. 2. Thực tiễn cho thấy người đứng đầu cấp ủy, chính quyền quyết liệt vào cuộc thì xây dựng nông thôn mới ở nơi đó đạt kết quả cao. Đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện tốt nhiệm vụ được giao và tổ chức thực hiện tốt công tác tuyên truyền, đồng thời việc huy động và sử dụng các nguồn lực trong xây dựng nông thôn mới phải đảm bảo thật sự dân chủ, người dân được tham gia bàn bạc, quyết định và có sự giám sát của cộng đồng dân cư để đảm bảo công khai, minh bạch. 3. Xây dựng nông thôn mới là một quá trình lâu dài, không được nóng vội, chạy theo thành tích, nhưng phải hết sức tích cực, quyết liệt, vừa làm vừa rút kinh nghiệm hoàn thiện. Cần kịp thời khen thưởng, biểu dương những cá nhân, tổ chức tích cực tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới và tăng cường kiểm tra, giám sát để có chỉ đạo, uốn nắn kịp thời...
Tuệ Mẫn