Giải pháp thực hiện xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn tiếp theo của tỉnh Quảng Bình

11/12/2019 14:53
  • Print
  • Lượt xem: 3720

Công tác triển khai thực hiện giữa các cấp trong hệ thống chính trị có nơi còn thiếu đồng bộ, trách nhiệm của người đứng đầu nhất là cấp xã trong thực hiện nhiệm vụ có nơi chưa cao. Đây là hạn chế được Sở Nội vụ đề ra trong Báo cáo số 977/BC-SNV ngày 30/7/2019.

Trung ương Hội Cựu Chiến binh Việt Nam làm việc với UBND tỉnh Quảng Bình
về tình hình thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới

Theo đó, từ thực tiễn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Quảng Bình rút ra một số bài học kinh nghiệm như:

Một là, trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình phải kiên trì, nhưng cũng phải quyết liệt, đồng bộ, cụ thể; các đồng chí trong Ban chỉ đạo các cấp được phân công phụ trách cơ sở phải thường xuyên bám sát địa bàn để chỉ đạo. Đề cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy và chính quyền các cấp để huy động cả hệ thống chính trị và nhân dân cùng vào cuộc. Thường xuyên kiểm điểm việc thực hiện nhiệm vụ đối với từng thành viên và các tổ chức đoàn thể. Điều này có ý nghĩa quan trọng dẫn dắt và thúc đẩy thực hiện Chương trình.

Hai là, phải làm tốt công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức trong cộng đồng dân cư về nội dung, phương pháp, cách làm, cơ chế chính sách của Nhà nước về xây dựng nông thôn mới để cả hệ thống chính trị và người dân hiểu rõ: Chương trình xây dựng nông thôn mới không phải là một dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng mà là chương trình phát triển kinh tế - xã hội tổng thể, toàn diện, lâu dài trong nông thôn. Xây dựng nông thôn mới phải do cộng đồng dân cư làm chủ; huy động nội lực là chính với sự hỗ trợ một phần của nhà nước thì công cuộc xây dựng nông thôn mới mới thành công và bền vững.

Ba là, chủ động, sáng tạo, phù hợp với điều kiện và đặc điểm của địa phương tránh rập khuôn, máy móc, mỗi địa phương phải căn cứ vào đặc điểm, lợi thế và nhu cầu thiết thực của người dân để lựa chọn nội dung nào làm trước, nội dung nào làm sau, mức độ đến đâu cho phù hợp, đồng thời tuân thủ các hướng dẫn của cấp trên.

Bốn là, chú trọng xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ nòng cốt ở các cấp nhất là đội ngũ cán bộ cơ sở để họ triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đầy đủ đến với người dân từ đó giúp cho người dân tự nguyện tham gia. Đồng thời cần có cơ chế chính sách sát đúng kịp thời tạo ra sự kích thích mạnh mẽ để các xã, các huyện nỗ lực phấn đấu. Phát huy cao nguồn lực tại chỗ, lồng ghép các chương trình dự án; lực chọn thực hiện các nhiệm vụ ưu tiên tạo ra sự chuyển biến thực tế trên diện rộng. Chú trọng làm tốt công tác vận động đỡ đầu, tài trợ xây dựng nông thôn mới.

Năm là, phát huy tốt quy chế dân chủ công khai; minh bạch. Định kỳ sơ kết, tổng kết để đánh giá rút kinh nghiệm và biểu dương, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong xây dựng nông thôn mới.

Ngoài ra, Báo cáo của Sở Nội vụ cũng đề ra một số giải pháp cụ thể để tiếp tục triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Quảng Bình trong thời gian tới là: Sở Nội vụ tiếp tục chỉ đạo, theo dõi các huyện, thị xã, thành phố thực hiện các nội dung của tiêu chí “hệ thống tổ chức chính trị và tiếp cận pháp luật” theo kế hoạch đã xây dựng, đặc biệt là nội dung về xây dựng chính quyền cơ sở vững mạnh; phối hợp với các Sở, ban, ngành và Trường trung cấp luật Đồng Hới để mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ cấp cơ sở.

Tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hàng năm  phù hợp với nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã theo quy định.

Đồng thời, tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức xã.

 

Anh Cao