Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân và Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong
cùng các đại biểu tham quan thành tựu xây dựng nông thôn mới.
Tăng thu nhập cho nông dân, khôi phục làng nghề truyền thốngBáo cáo tại hội nghị, giám đốc Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn TP.HCM Nguyễn Phước Trung, cho hay, sau 10 năm thực hiện chương trình nông thôn mới tại TP.HCM, khoảng cách giữa nông thôn và thành thị đã và đang dần thu hẹp sau mỗi năm.
Thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn TP.HCM hồi năm 2008 là 15,72 triệu đồng/người/năm thì đến năm 2019 đã là 63,096 triệu đồng/người/năm.
Đến nay có 56 xã xây dựng nông thôn mới đã hoàn thành và được phê duyệt đề án quy hoạch xây dựng nông thôn mới.
TP.HCM cũng đã đầu tư 9.188 công trình phục vụ phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội tại các khu vực nông thôn, cũng như sửa chữa, nâng cấp và làm mới 741 công trình giao thông, với chiều dài hơn 1.200 km, tổng vốn đầu tư gần 5.200 tỉ đồng.
Theo ông Trung, mặc dù diện tích đất sản xuất nông nghiệp bình quân giảm khoảng 900 ha/năm, và số hộ nông lâm ngư nghiệp bình quân cũng giảm 6,38%/năm, nhưng tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp của TP.HCM vẫn tăng cao, nhờ ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, giống cây – giống con chất lượng cao, chuyển dịch sang các loại cây trồng vật nuôi có giá trị, và chính sách hỗ trợ lãi vay đầu tư sản xuất. Thật vậy, giá trị sản xuất nông nghiệp trên 1 hecta đất canh tác tăng đều qua các năm, từ 158,5 triệu đồng/ha hồi năm 2010 đã tăng lên 502 triệu đồng/ha vào năm 2018, tức là tăng hơn 3 lần sau 10 năm.
Trong bài báo cáo của Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn, ông Trung đặc biệt nhấn mạnh: ngành nghề truyền thống ở các vùng nông thôn của TP.HCM đã từng bước được khôi phục và phát triển. Sản phẩm tạo ra từ các làng nghề này không chỉ cung cấp cho thị trường trong nước mà còn xuất khẩu, như bánh tráng của làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông (ở huyện Củ Chi) đã xuất khẩu ổn định sang châu Âu, Mỹ, Nhật...; hay sản phẩm làm từ tre của làng nghề đan đát Thái Mỹ (cũng ở Củ Chi) đã xuất khẩu sang Đài Loan… Trong đó, TP.HCM đã đưa ra những chính sách cho chương trình hỗ trợ lãi vay, cũng như hỗ trợ xây dựng thương hiệu - logo, trang web, chứng nhận quản lý chất lượng… để bảo đảm cho việc phát triển bền vững của các làng nghề.
Dự và phát biểu tại hội nghị này, thứ trưởng Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh nhấn mạnh, qua 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, TP.HCM đã được đạt nhiều thành tựu nổi bật; trong đó, TP.HCM đã huy động trên 73.566 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới; tái cơ cấu ngành nông nghiệp được triển khai toàn diện theo hướng hiện đại, từ đó, xuất hiện nhiều mô hình nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có hiệu quả kinh tế cao, như: sản xuất rau cho doanh thu bình quân đạt từ 800 triệu đồng - 1 tỷ đồng/ha/năm; hoa lan có doanh thu bình quân đạt 2 tỷ đồng/ha/năm; bò sữa đạt doanh thu bình quân 800 triệu đồng/năm; cá cảnh đạt doanh thu bình quân từ 10 - 15 tỷ đồng/ha/năm... Giá trị sản xuất nông nghiệp trên 1 hecta đất canh tác tăng đều qua các năm, từ 158,5 triệu đồng/ha năm 2010 lên 375 triệu đồng/ha năm 2015 và đến cuối năm 2018 đạt 502 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 5 lần bình quân cả nước.
Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” được TP.HCM quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ thực hiện. Thu nhập ở khu vực nông thôn đạt trên 63 triệu đồng/người, tăng 2,72 lần so với năm 2010; không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia, và trong 5 huyện chỉ còn 0,41% hộ nghèo theo chuẩn nghèo của thành phố.
Đến nay, toàn TP.HCM đã có 54/56 xã đạt chuẩn nông thôn mới theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và có 31 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao theo Bộ tiêu chí của thành phố; bình quân đạt 18,9 tiêu chí/xã và có 3/5 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Ngoài ra, ông Doanh cho rằng, kết cấu hạ tầng vùng nông thôn chưa bắt kịp tốc độ phát triển kinh tế - xã hội; chất lượng một số công trình nhanh bị xuống cấp; chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp có nhiều tiến bộ nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thành phố. Việc thu hút đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế. Chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm còn hạn chế, chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm chưa nhiều, chưa có nông sản hàng hóa có thương hiệu mạnh phục vụ mục tiêu xuất khẩu… Tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa, dân nhập cư tăng nhanh ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội, ô nhiễm môi trường…
TP.HCM không thể nông thôn mới mãi đượcPhát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, sau 10 năm xây dựng nông thôn mới, TP.HCM đã đạt nhiều thành quả; trong đó, đáng chú ý là giá trị sản xuất nông nghiệp tăng gấp 5 lần cả nước, số xã đạt chuẩn nông thôn mới theo bộ tiêu chí quốc gia và tiêu chí của TP.HCM đều cao, dẫu rằng số hộ tham gia hợp tác xã còn ít, chỉ chiếm 7,7% hộ sản xuất nông nghiệp và số hộ làm nông nghiệp của toàn TP.HCM đang giảm dần.
Ông Nhân đưa ra dự báo rằng, đến năm 2035 thì chỉ còn 38.000 lao động. Trong đó, dự báo đến năm 2030, số hộ làm nông nghiệp tại huyện Củ Chi chỉ còn 4%, huyện Hóc Môn còn 0,1%, huyện Bình Chánh còn 0,4%, huyện Nhà Bè còn 0,5%. Riêng huyện Cần Giờ giữ được thế mạnh nông nghiệp vì có khu dự trữ sinh quyển, đất lâm nghiệp và diện tích thủy sản lớn; tuy nhiên, số hộ sản xuất nông nghiệp cũng giảm dần, dự báo giảm từ 34% của năm 2019 xuống còn 12% năm 2030.
Trước thách thức trên, ông Nhân nhấn mạnh, xây dựng nông thôn mới của TP.HCM cần có bước chuyển đổi từ nông thôn mới sang đô thị văn minh. Theo đó, từ năm 2021 - 2025 chính là giai đoạn làm đầy đủ tiêu chí nông thôn mới, chuyển từ nông thôn sang đô thị, tiến tới đô thị có kinh tế nông nghiệp, hướng đến sản xuất nông nghiệp năng suất, chất lượng cao, tập trung sản xuất giống cây - con đặc thù. Do vậy, TP.HCM phải có sự chuẩn bị, trong đó phải đưa vào quy hoạch để phát triển thành phố đô thị văn minh.
Với chương trình xây dựng nông thôn mới, phải nâng số hộ sản xuất nông nghiệp tham gia HTX lên 50%, các huyện phát triển lên thành quận vẫn giữ nông nghiệp nhưng là nông nghiệp đô thị, các huyện làm nông nghiệp theo hướng đô thị; riêng Cần Giờ cần giữ truyền thống phát triển nông nghiệp, trồng rừng nhiều hơn để giữ lá phổi xanh cho TP.HCM.
Ông Nhân cho rằng, với cả nước, chương trình nông thôn mới có thể còn kéo dài chứ với TP.HCM thì cần phải chuyển từ nông thôn mới sang đô thị văn minh. Đây là con đường mà TP.HCM phải đi chứ không thể nông thôn mới mãi được.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân trao cờ thi đua của Chính phủ cho xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh, TP.HCM.
Dịp này, 3 tập thể và 1 cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Nhân dân và cán bộ xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh vinh dự được trao tặng Cờ thi đua Chính phủ, 31 xã đạt chuẩn “Nông thôn mới nâng cao” cùng 55 tập thể và 16 cá nhân nhận Bằng khen của UBND TP.HCM.
Nguồn: http://www.khoahocphothong.com.vn/