Đắk Nông: Xã Nhân Cơ (huyện Đắk R’Lấp) đặt mục tiêu nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới

14/12/2020 14:20
  • Print
  • Lượt xem: 3396

Xã Nhân Cơ xác định đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 65 triệu đồng/người/năm; duy trì tỷ lệ hộ nghèo ở mức dưới 2%, nâng tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế lên 90%.


Trụ sở Ủy ban nhân dân xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’Lấp

Theo Báo cáo của Ủy ban nhân dân xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’Lấp, mục tiêu nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nhằm tiếp tục xây dựng xã Nhân Cơ thành xã có nền kinh tế phát triển bền vững, đời sống của Nhân dân được nâng cao; cơ sở hạ tầng trên địa bàn được hoàn thiện và hiện đại; xã hội văn minh; bản sắc văn hóa của dân tộc được giữ gìn; dân chủ cơ sở được phát huy, đảm bảo công bằng và tiến bộ xã hội; môi trường xanh, sạch, đẹp; quốc phòng - an ninh và trật tự xã hội được giữ vừng; hệ thống chính trị vững mạnh.

Đồng thời, triển khai thực hiện các nội dung trong Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao tỉnh Đắk Nông được ban hành tại Quyết định số 1457/QĐ-UBND ngày 17/9/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông và các nội dung theo quy định mới để phấn đấu đến năm 2025, xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ - thương mại; giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp. Phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 65 triệu đồng/người/năm; duy trì tỷ lệ hộ nghèo ở mức dưới 2%, nâng tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế lên 90%.

Nâng cao chất lượng giáo; phát triển y tế; tiếp tục củng cố và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phong phú, đa dạng; thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia; thực hiện tốt các chính sách đối với người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, người gia neo đơn, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Giảm thiểu các tác động xấu đến môi trường, giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp. Quốc phòng được tăng cường, an ninh chính trị được giữ vững.

Nội dung nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới phải đi đôi với thực hiện đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chương trình giảm nghèo bền vững, chương trình mỗi xã một sản phẩm và chương trình khoa học - công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới.

Về nâng cao chất lượng bộ máy quản lý, thực hiện Chương trình, gồm: Tiếp tục củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý, Ban Phát triển để phù hợp với điều kiện thực tế qua từng giai đoạn; bố trí công chức chuyên trách cấp xã có đủ trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để làm tốt công tác giúp Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý xã triển khai hiệu quả Chương trình.

Ban Quản lý tập trung quản lý quyết liệt hơn, có kế hoạch cụ thể để thực hiện hiệu quả các tiêu chí trong Bộ tiêu chí nông thôn mới; tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời giải quyết khó khăn vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện Chương trình; thường xuyên sửa đổi, bổ sung quy chế hoạt động của Ban Quản lý cho phù hợp và triển khai đầy đủ, có hiệu quả quy chế đã đề ra.

Ban Phát triển các thôn, bon phải thực hiện nghiêm túc và có hiệu qủa đối với các kế hoạch mà Ban Quản lý triển khai. Thường xuyên kiểm tra, khảo sát, kết hợp với tuyên truyền, vận động người dân trong thôn, bon về xây dựng nông thôn mới.

Thường xuyên cử các cán bộ phụ trách chuyên môn và cán bộ phụ trách nông thôn mới tham gia các lớp tập huấn nhằm học hỏi kinh nghiệm, củng cố, nâng cao kiến thức chuyên môn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Về ban hành các cơ chế chính sách và văn bản hướng dẫn thực hiện: thường xuyên thay đổi các cơ chế, chính sách cho phù hợp với từng giai đoạn của địa phương; xây dựng các cơ chế, chính sách mới mang tính đòng bộ, chặt chẽ thuận lợi cho công tác quản lý, thực hiện; xây dựng các cơ chế, chính sách dựa trên lợi ích của Nhân dân, lấy Nhân dân làm chủ thể; đảm bảo các cơ chế, chính sách được thực hiện một cách có hiệu quả, cần loại bỏ những cơ chế, chính sách không phù hợp, đảm bảo quyền lợi cho cả cộng đồng.

Đồng thời, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, tiếp tục tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện nếp sống mới, gia đình văn hóa, xóm văn hóa, thôn văn hóa; đẩy mạnh cuộc vận động “toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” kết hợp với các ban, ngành, đoàn thể để cuộc vận động có nhiều hình thức phong phú, nội dung thiết thực. Thường xuyên tuyên truyền các chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước nhằm nâng cao ý thức của Nhân dân, từ đó giúp người dân chấp hành tốt các chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước đã đề ra, phát huy tinh thần làm chủ của người dân, xây dựng đời sống văn hóa.

Tiếp tục phát động các phong trào thi đua trong xây dựng nông thôn mới; chú trọng xây dựng, phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng các điển hình tiên tiến, đẩy mạnh và phát động phong trào thi đua lao động sáng tạo, các sáng kiến, kinh nghiệm hay trong xây dựng nông thôn mới; gắn phong trào xây dựng nông thôn mới với việc triển khai thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, cùng các phong trào và các cuộc vận động của các hội, đoàn thể đã và đang triển khai.

Mặt khác, huy động nguồn lực để tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng nông thôn, tạo tiền đề thúc đẩy kinh tế phát triển, đảm bảo cơ bản hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu về hệ thống điện an toàn, đường giao thông, trường học, cơ sở hạ tầng thương mại, hệ thống thông tin và truyền thông, trạm y tế và trạm cấp nước sạch cho người dân.

Về phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến khích người dân phát triển sản xuất, tận dụng tối đa diện tích đất hiện có, xen canh các loại cây trồng ngắn ngày kết hợp với phát triển chăn nuôi, phát triển thương nghiệp nâng cao thu nhập đầu người; duy trì, ổn định nền kinh tế, phát triển bền vững, nâng cao thu nhập, giảm chênh lệch về thu nhập của mọi người dân trong xã.

Đẩy mạnh khuyến nông và hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề, đặc biệt phải đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn cho người nghèo về kiến thức, kỹ năng sản xuất kinh doanh, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; huy động các tổ chức đoàn thể tham gia vào công tác xóa đói giảm nghèo, xây dựng hệ thống các chỉ tiêu để theo dõi và đánh giá kết quả giảm nghèo một cách đồng bộ, phù hợp với thực tế; ngoài việc thực hiện các chính sách của Nhà nước về công tác xóa đói giảm nghèo, phải thường xuyên khuyến khích người dân phát triển sản xuất gắn với các ngành nghề nhằm nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo trên địa bàn xã; tăng cường hoạt động tín dụng ưu đãi cho người nghèo bằng cách cho vay ưu đãi để sản xuất theo quy mô gia đình.

Tăng cường hoạt động của Ban Chỉ đạo đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956, rà soát số lao động tại địa phương có nhu cầu học nghề và nhu cầu việc làm, xây dựng phương án hỗ trợ đào tạo nghề phù hợp với đặc thù lao động địa phương; phối hợp trong công tác tư vấn về dạy nghề, việc làm, liên kết đào tạo nghề với sử dụng lao động nông thôn qua đào tạo tại các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại và cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Về phát triển giáo dục, y tế văn hóa và bảo vệ môi trường, duy trì và phát triển các thành quả đã đạt được về phổ cập trung học cơ sở, duy trì tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở được tiếp tục học (phổ thông, bổ túc, học nghề); thực hiện công tác chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý, đảm bảo 100% giáo viên và cán bộ quản lý được chuẩn hóa; tập trung đổi mới các mục tiêu và chương trình giáo dục, nội dung giáo dục, phát triển đội ngũ giáo viên, nâng cao chất lượng dạy và học; tuyên truyền, vận động Nhân dân nhận thức đúng vị trí của giáo dục trong chiến lược phát triển con người, đẩy mạnh thực hiện chương trình xã hội hóa giáo dục, hình thành các quỹ khuyến học nhằm động viên, khen thưởng các học sinh có thành tích học tập khá, giỏi.

Thực hiện tuyên truyền chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế để người dân hiểu về quyền lợi khi tham gia bảo hiểm y tế, mức đóng và trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế, chính sách hỗ trợ của nhà nước khi tham gia bảo hiểm y tế; trách nhiệm của các ban, ngành, đoàn thể, Ban tự quản các thôn, bon trong tổ chức, hướng dẫn vận động tham gia bảo hiểm y tế; mở rộng phạm vi bao phủ của bảo hiểm y tế về tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế và phạm vi dịch vụ y tế được thụ hưởng, đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân, góp phần tạo nguồn tài chính ổn định cho công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân theo hướng công bằng, hiệu quả, chất lượng và phát triển bền vững; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật; huy động các nguồn vốn nhà nước và các thành phần kinh tế đầu tư cho sự nghiệp phát triển y tế.

Tạo lập và phát triển các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, làm cho văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội; giữ gìn, phát huy tốt các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số; nâng cao chất lượng cuộc vận động “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, đánh giá chặt chẽ, đúng thực chất danh hiệu gia đình văn hóa; tăng dần khả năng tiếp cận, thụ hưởng từ các thiết chế văn hóa, thể thao đã được hình thành, tạo môi trường sống văn hóa, văn minh ở nông thôn.

Chú trọng và nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là việc xử lý rác thải, bao bì thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp, hướng đến nền sản xuất nông nghiệp sạch, xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp; vận động các cơ sở sản xuất, kinh doanh có quy mô lớn đầu tư công trình xử lý phân gia súc, gia cầm (hoặc xử lý bằng hầm biogas), những hộ gia đình chăn nuói có quy mô nhỏ chủ yếu xử lý theo phương pháp ủ hoại; vận động Nhân dân xây dựng nhà vệ sinh có bể tự hoại 3 ngăn và có đường ống dẫn nước bẩn riêng trước khi thoát vào hệ thống thoát nước thải chung.

Về xây dựng hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh và gìn giữ an ninh, trật tự xã hội, phát huy vai trò, nhiệm vụ của Hội đồng nhân dân đối với việc đề ra nghị quyết, giám sát việc thực hiện nghị quyết và nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân, đảm bảo tốt việc tiếp xúc cử tri và trả lời chất vấn của cử tri; thực hiện công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nghị quyết, tăng cường công tác quản lý đối với mọi hoạt động của địa phương; xây dựng bộ máy điều hành quản lý Nhà nước thật sự của dân, do dân và vì dân, xuất phát từ lợi ích của Nhân dân; một hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tăng cường sự giám sát của Nhân dân trong hoạt động quản lý nhà nước, nâng cao vai trò của ban tự quản thôn, thường xuyên gần gũi Nhân dân để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, làm cầu nối để cơ quan và Nhân dân thực sự gắn bó, đoàn kết, tạo sự đồng thuận cao trong Nhân dân.

Giữ vững ổn định chính trị, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, đề cao cảnh giác, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch; thường xuyên phối hợp với các đơn vị liên quan, các đơn vị kinh tế đóng trên địa bàn trong việc kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn kịp thời mọi tình huống xấu có thể xảy ra, đặc biệt trong các ngày lễ, tết; không ngừng nâng cao năng lực và hiệu quả công tác của lực lượng công an xã, đảm bảo về trang thiết bị và cơ động nghiệp vụ; tuyên truyền vận động Nhân dân thực hiện các quy định về an toàn giao thông; tuyên truyền bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đẩy lùi tệ nạn cờ bạc, trộm cắp, mại dâm, gây rối, đánh nhau…; nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho Nhân dân, làm tốt công tác tiếp dân, giải quyết nhanh, dứt điểm các đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân, hạn chế đến mức thấp nhất khiếu nại, khiếu kiện vượt cấp, tập trung đông người làm mất trật tự xã hội./.
 

Anh Cao