Bình Dương: Định hướng và các giải pháp thực hiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới

15/11/2019 10:47
  • Print
  • Lượt xem: 2358

Nhằm tiếp tục giữ vững, duy trì và nâng cao tiêu chí số 18 (nội dung tiêu chí 18.1 và 18.2) ở mức cao hơn trong thời gian tới, tỉnh Bình Dương đề ra định hướng trong các giai đoạn sau: 

Giai đoạn 2021 - 2025, đối với cán bộ xã về trình độ chuyên môn có 100% cán bộ xã có trình độ từ trung cấp trở lên, trong đó 70% có trình độ cao đẳng, đại học trở lên. 90% cán bộ xã có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp cở lên. Đối với công chức xã, 100% công chức xã có trình độ chuyên môn từ cao đẳng, đại học trở lên, trong đó 80% có trình độ đại học trở lên. 70% công chức xã có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên và 100% công chức xã có đủ tiêu chuẩn nghiệp vụ ngạch công chức hành chính theo quy định.

Duy trì và củng cố hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã gồm: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Giai đoạn 2025 - 2030, đối với cán bộ xã, 100% cán bộ xã có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên, trong đó có 80% có trình độ cao đẳng, đại học trở lên. 100% cán bộ xã có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên, trong đó 30% có trình độ lý luận chính trị cao cấp trở lên. Đối với công chức xã, 100% công chức xã có trình độ chuyên môn từ cao đẳng, đại học trở lên, trong đó 90% có trình độ đại học trở lên. 80% công chức xã có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên và 100% công chức xã có đủ tiêu chuẩn nghiệp vụ ngạch công chức hành chính theo quy định.

Ngoài ra, tiếp tục duy trì và củng cố hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã gồm: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Về tiêu chí chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, thường xuyên kiện toàn kịp thời Ban Chỉ đạo các cấp khi có sự thay đổi về nhân sự nhằm đảm bảo việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được duy trì thường xuyên và đạt kết quả tích cực. Tiếp tục duy trì hoạt động và thường xuyên kiện toàn nhân sự Bộ máy giúp việc Ban Chỉ đạo các cấp để hoạt động ngày càng hiệu quả, kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tổ chức thực hiện tốt chương trình xây dựng nông thôn mới.

Giải pháp thực hiện xây dựng nông thôn mới

Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, huyện có kế hoạch kiểm tra, chỉ đạo các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới cần tiếp tục giữ vững, duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt. Các thành viên Ban Chỉ đạo các cấp tăng cường chỉ đạo, đôn đốc thực hiện các tiêu chí nông thôn mới thuộc lĩnh vực, địa phương phân công, thường xuyên kiểm tra tiến độ xây dựng nông thôn mới ở cơ sở;

Nâng cao vai trò trách nhiệm cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là vai trò người đứng đầu trong xây dựng nông thôn mới; các sở, ngành đưa vào chương trình công tác năm các nhiệm vụ về xây dựng nông thôn mới. Xác định nội dung xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị của các địa phương, các ngành, cơ quan các cấp liên quan trong tỉnh.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, quy định của tỉnh về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong các tầng lớp Nhân dân để phát huy cao sự tham gia tích cực, chủ động của Nhân dân và sự quan tâm của toàn xã hội thi đua xây dựng nông thôn mới.

Nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, nhất là cấp xã về tính cấp thiết của việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở hiện nay. Trên cơ sở đó xác định rõ phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp xây dựng, từng bước chuẩn hóa, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã.

Thực hiện tốt công tác quy hoạch cũng như kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ. Đây là giải pháp có tính cơ bản, lâu dài, bởi nguồn bổ sung cho đội ngũ cán bộ, công chức xã, phường cơ bản vẫn phải lấy từ cơ sở, nguồn tại chỗ là chính.

Đẩy mạnh việc tuyển dụng, thu hút sinh viên tốt nghiệp chính quy có chuyên môn phù hợp về công tác tại cơ sở, giúp cho cơ sở có một đội ngũ cán bộ được đào tạo bài bản, có kiến thức, từ đó có nhận thức đúng giúp cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện đảm bảo các quy định, chính sách pháp luật và tầm nhìn tổng thể tạo sức mạnh cho cơ sở phát triển.

Tinh giản bộ máy, số lượng cán bộ, công chức cấp xã. Đối với cán bộ chuyên trách không tái cử, hoặc không được bầu vào chức danh mới thì cho nghỉ, đóng bảo hiểm tự nguyện hoặc hưởng trợ cấp một lần để giảm ngân sách chi.

Đề cao vai trò, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giúp đỡ của cấp trên, nhất là cấp huyện. Cấp ủy cấp huyện cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát công tác cán bộ và đội ngũ cán bộ cấp xã, kịp thời phát hiện, uốn nắn những hạn chế, thiếu sót, lệch lạc, bảo đảm việc xây dựng đội ngũ cán bộ cấp xã đúng quan điểm, định hướng của Đảng.

Đồng thời, tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, nghiệp vụ đối với công chức làm nhiệm vụ theo dõi chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Ngoài ra, cũng cần phát động phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”. Kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua nói trên…

 

Tuệ Mẫn