Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Bài 1: Tập trung chuyển đổi nhận thức của người dân
Ngay từ những ngày đầu triển khai thực hiện, Đảng bộ và nhân dân Nam Định xác định: Xây dựng NTM là chương trình bao trùm trên mọi lĩnh vực của đời sống KT-XH, quốc phòng, an ninh, góp phần rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, trở thành một trong hai tỉnh dẫn đầu cả nước thực hiện xây dựng NTM.
10 năm trước, khi mới bắt tay vào xây dựng, Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đều rất lạ lẫm với khái niệm xây dựng NTM. Thế nhưng, với sự nỗ lực không ngừng, trong đó chú trọng đến tuyên truyền làm thay đổi nhận thức của người dân, giờ đây bộ mặt nông thôn của tỉnh Nam Định có những đổi thay tích cực. Không chỉ nhà cửa, điện, đường, trường, trạm đổi thay, mà cả nếp nghĩ, cách làm của những người dân cũng thay đổi. Còn nhớ năm 2009, UBND huyện Hải Hậu được lựa chọn làm điểm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, trung bình các xã trong toàn huyện mới đạt 7/19 tiêu chí và thu nhập bình quân đầu người hơn 10 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn cũ còn cao... Để tạo đột phá trong phong trào xây dựng NTM, Huyện ủy, UBND huyện Hải Hậu đã huy động tất cả nguồn lực hỗ trợ xây dựng NTM, nhất là nguồn lực xã hội hóa, sự đóng góp của người dân và nguồn lực hỗ trợ của con em địa phương xa quê. Qua đó, trong giai đoạn 2010-2015, tổng kinh phí huy động nguồn lực xây dựng NTM của huyện đạt hơn 3.200 tỷ đồng. Nhân dân đóng góp hơn 345ha đất nông nghiệp, 25ha đất ở để làm đường giao thông, hơn 150.000 ngày công lao động. Chính từ sự đồng thuận, đóng góp của người dân nên chỉ sau 6 năm, huyện Hải Hậu đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận huyện đạt chuẩn NTM.
Cuối tháng 10, về xã Hải Thanh (Hải Hậu), chúng tôi rất ấn tượng với vùng quê này bởi nhà cửa khang trang, những con đường thảm nhựa đi lại rộng rãi, đâu đâu cũng ngập tràn tiếng cười của người dân khi hưởng thành quả của quá trình xây dựng NTM. Cùng chúng tôi đi thăm khu trang trại của gia đình, ông Phạm Văn Ứng ở thôn Trần Cường cho biết: “Trước đây, chúng tôi không nghĩ có thể xây dựng trang trại để phát triển kinh tế bởi đường giao thông nhỏ hẹp, đi lại khó khăn. Tuy nhiên, từ khi phát động chương trình xây dựng NTM, người dân tích cực tham gia hiến đất làm đường, chung tay góp sức, khiến bộ mặt ở các thôn, xóm đổi thay. Giao thông đi lại thuận tiện giúp chúng tôi thuận lợi đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Gia đình tôi đã mạnh dạn đầu tư nuôi hơn 5.000 con vịt đẻ, xây ao thả cá, mở rộng diện tích trồng cây đinh lăng... Nhờ đó, kinh tế phát triển, gia đình tôi không chỉ có bát ăn, bát để mà từng bước làm giàu”.
Còn ở huyện Nam Trực, khi triển khai xây dựng NTM, hạ tầng KT-XH và cơ sở vật chất kỹ thuật còn nhiều khó khăn, thiếu đồng bộ, nhất là hệ thống đường giao thông nông thôn, trường học, môi trường, các thiết chế văn hóa… Đã thế, tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là môi trường các làng nghề phức tạp; việc làm và thu nhập của lao động nông thôn gặp nhiều khó khăn… Xác định rõ những khó khăn, căn cứ vào tình hình thực tế, Huyện ủy, UBND huyện Nam Trực ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp hỗ trợ các địa phương trong xây dựng NTM. UBND các xã, thị trấn căn cứ vào nguồn lực của địa phương và cấp trên hỗ trợ để có những cơ chế khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp và hỗ trợ kinh phí cho thôn, xóm, tổ dân phố đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, đường thôn, xóm, hệ thống giao thông nội đồng... theo phương châm “nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ”. Nhờ có hướng đi đúng và sự đồng tình của nhân dân, các xã trong huyện đều hoàn thành tiêu chí và 19/19 xã đạt chuẩn NTM. Tháng 7-2019, Nam Trực được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận huyện đạt chuẩn NTM.
Ông Nguyễn Đức Tiến, Chủ tịch UBND huyện Nam Trực cho biết: “Quá trình xây dựng NTM, 100% chi bộ đều tổ chức họp thống nhất quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo từ các đảng viên đến chi bộ rồi mới triển khai trong toàn xóm. 100% gia đình đảng viên gương mẫu làm trước, sau đó vận động người dân làm theo. Thời gian đầu, do tâm lý e ngại nên việc triển khai còn lẻ tẻ, lác đác, nhưng khi phát triển thành phong trào thì mọi người đều muốn đóng góp sức người, sức của để xây dựng NTM. Đây là yếu tố quan trọng giúp Nam Trực thành công”.
Với phương châm chủ động, sáng tạo trong xây dựng NTM, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, 100% xã trong toàn tỉnh đều tập trung tổng lực vào thực hiện. Vừa làm, vừa học hỏi, đúc rút kinh nghiệm, tổng kết thực tiễn, Nam Định đã sớm hoàn thành mục tiêu đề ra.
Nguồn: https://www.qdnd.vn/