Bài học kinh nghiệm và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện các mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bình Dương sau năm 2020

11/12/2019 15:20
  • Print
  • Lượt xem: 5095

Coi trọng công tác chỉ đạo và tổ chức tuyên truyền, tạo thống nhất nhận thức đúng đắn và sâu sắc về xây dựng nông thôn mới.


Đoàn công tác của Bộ Nội vụ làm việc và kiểm tra thực tế xây dựng nông thôn mới
tại xã An Điền, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương (Ảnh: )


Cụ thể: xây dựng nông thôn mới phải là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp. Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp từ tỉnh đến xã phải làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn; về mục tiêu phấn đấu vì cuộc sống của người dân để cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia với tinh thần tự nguyện và trách nhiệm cao.


Tăng cường công tác thông tin tổng hợp, dự báo và cung cấp số liệu kịp thời, chính xác cho công tác tổng hợp báo cáo phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp.

Kiện toàn và nâng cao năng lực, trách nhiệm tổ chức xây dựng nông thôn mới:

Sự thành công trong xây dựng nông thôn mới đòi hỏi quyết tâm và trách nhiệm chính trị rất cao. Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp phải chủ động căn cứ Chương trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân, căn cứ nghị quyết đại hội đảng bộ cấp mình để ra nghị quyết chuyên đề về xây dựng nông thôn mới; lãnh đạo, chỉ đạo UBND cùng cấp xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện vượt chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới theo nghị quyết đại hội đã đề ra.

Ban Chỉ đạo các cấp, các sở, ngành cần được liên tục kiện toàn, thường xuyên bám sát cơ sở, nắm bắt tình hình, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi để địa phương tổ chức thực hiện theo mục tiêu đề ra. Quá trình triển khai, thực hiện cần linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với thực tế của địa phương. Lựa chọn, chỉ đạo thực hiện các công việc có trọng tâm, trọng điểm. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ và tập huấn về kiến thức xây dựng nông thôn mới cho đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ trực tiếp làm công tác xây dựng nông thôn mới ở xã, thôn, chủ động và kiên quyết thay thế cán bộ trách nhiệm không cao, uy tín thấp, thiếu năng lực trong vận dụng, cụ thể hóa, nhất là việc lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết một số vấn đề trọng tâm, lĩnh vực trọng điểm hoạt động xây dựng nông thôn mới.

Tăng cường thông tin và phối hợp nội bộ giữa các sở, ngành và giữa sở, ngành với các địa phương trong một số lĩnh vực. Giải quyết linh hoạt và đúng nguyên tắc các kiến nghị của địa phương; phân công rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị. Tăng cường phân cấp, tạo quyền chủ động cho cơ sở. Cấp ủy, chính quyền các cấp cần tăng cường kiểm tra, đôn đốc thực hiện chương trình, đồng thời chú trọng xây dựng và nhân rộng các điển hình tiên tiến, kinh nghiệm hay trong phát triển sản xuất, huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị, xã hội phối hợp với chính quyền các cấp và các cơ quan truyền thông tích cực tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên và nhân dân hăng hái, tự giác tham gia công tác xây dựng nông thôn mới, nhất là việc thực hiện các tiêu chí không cần nhiều kinh phí đầu tư.

Đồng thời, phát huy dân chủ, công khai, minh bạch trong quy hoạch và quản lý xây dựng nông thôn mới; đa dạng hóa các nguồn lực và đồng bộ hóa các giải pháp, triển khai các nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới có trọng tâm, trọng điểm.

Trong quá trình thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, người dân luôn là chủ thể xây dựng nông thôn mới, đồng thời là người được thụ hưởng thành quả do chương trình nông thôn mới đem lại. Người dân phải được bàn bạc dân chủ, công khai và giám sát, kiểm tra việc thực hiện các dự án dân sinh trên địa bàn. Những công việc trực tiếp liên quan đến lợi ích của cộng đồng và người dân, nhất là xây dựng quy hoạch, đề án nông thôn mới, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, quy hoạch sản xuất,… phải được thực hiện một cách minh bạch.

Thực hiện tốt việc xã hội hóa nguồn lực, động viên, khuyến khích nhân dân tham gia đóng góp công sức, tiền của, đất đai,... cho xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, cần tổ chức tôn vinh các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân ủng hộ đóng góp vốn thực hiện đề án và có cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Công tác quy hoạch, xây dựng đề án nông thôn mới phải gắn với thực tiễn, bảo đảm tính khả thi. Ưu tiên đầu tư các dự án phục vụ sản xuất, như giao thông, thủy lợi nội đồng. Kế thừa tối đa các công trình hiện có kết hợp nâng cấp và xây dựng mới. Lấy thôn, xóm làm đơn vị cơ sở và hộ gia đình là hạt nhân để vận động xây dựng nông thôn mới.

Đặc biệt, cần chủ động rà soát lại các quy hoạch để tối ưu hóa về kỹ thuật, giảm thiểu lượng vốn đầu tư lý thuyết cần thiết và tăng cơ hội thực tế huy động vốn đầu tư xã hội hóa và lan tỏa của từng gói đầu tư theo tiến độ quy hoạch các hạng mục liên quan (như gắn kết quy hoạch phát triển chợ và các đô thị với quy hoạch phát triển giao thông). Trong quá trình rà soát, điều chỉnh quy hoạch, đề án xây dựng nông thôn mới cần tổ chức xin ý kiến tham gia của người dân với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, công khai quy hoạch và các nguồn huy động đầu tư, phát huy quyền làm chủ, sức sáng tạo của nhân dân để người dân thấy được quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Cơ chế, chính sách về hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn phải cụ thể, phù hợp với thực tế, thực hiện đơn giản, nội dung thiết thực đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân và huy động nhân dân đóng góp trí tuệ, công sức, tiền bạc để xây dựng nông thôn mới.

Phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể trong huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới. Quan tâm thu hút sự hỗ trợ nguồn lực từ bên ngoài thông qua việc xây dựng công khai, kế hoạch về các dự án cụ thể theo từng năm để huy động nguồn lực cho xây dựng Chương trình nông thôn mới.

Đẩy mạnh phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”. Định kỳ sơ, tổng kết, rút kinh nghiệm. Kịp thời biểu dương, khen thưởng cho tập thể, cá nhân có thành tích nổi bật, có cách làm sáng tạo, hiệu quả. Cán bộ làm tốt cần được quan tâm phát triển,…

Các tập thể, cá nhân, hộ gia đình nhận Bằng khen của UBND tỉnh Bình Dương (Ảnh: binhduong.gov.vn)


4 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện sau năm 2020

Một là, nâng cao năng lực các thành viên Ban Chỉ đạo và bộ máy giúp việc các cấp

Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, huyện có kế hoạch kiểm tra, chỉ đạo các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới cần tiếp tục giữ vững, duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt. Các thành viên Ban Chỉ đạo các cấp tăng cường chỉ đạo, đôn đốc thực hiện các tiêu chí nông thôn mới thuộc lĩnh vực, địa phương được phân công, thường xuyên kiểm tra tiến độ xây dựng nông thôn mới ở cơ sở.

Nâng cao vai trò trách nhiệm cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là vai trò người đứng đầu trong xây dựng nông thôn mới. Các sở, ngành đưa vào chương trình công tác năm các nhiệm vụ về xây dựng nông thôn mới. Xác định nội dung xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị của các địa phương, các ngành, cơ quan các cấp liên quan trong tỉnh.

Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, quy định của tỉnh về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong các tầng lớp nhân dân để phát huy cao sự tham gia tích cực, chủ động của nhân dân và sự quan tâm của toàn xã hội thi đua xây dựng nông thôn mới.

Ba là, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã đạt chuẩn

Nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, nhất là cấp xã về tính cấp thiết của việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở hiện nay. Trên cơ sở đó xác định rõ phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp xây dựng, từng bước chuẩn hóa, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã.

Thực hiện tốt công tác quy hoạch cũng như kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ. Đây là giải pháp có tính cơ bản, lâu dài, bởi nguồn bổ sung cho đội ngũ cán bộ, công chức xã, phường cơ bản vẫn phải lấy từ cơ sở, nguồn tại chỗ là chính.

Đẩy mạnh việc tuyển dụng, thu hút sinh viên tốt nghiệp chính quy có chuyên môn phù hợp về công tác tại cơ sở; giúp cho cơ sở có một đội ngũ cán bộ được đào tạo bài bản, có kiến thức, từ đó có nhận thức đúng giúp cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện đảm bảo các quy định, chính sách pháp luật và tầm nhìn tổng thể tạo sức mạnh cho cơ sở phát triển.

Tinh giản bộ máy, số lượng cán bộ, công chức cấp xã. Đối với cán bộ chuyên trách không tái cử, hoặc không được bầu vào chức danh mới thì cho nghỉ, đóng bảo hiểm tự nguyện hoặc hưởng trợ cấp một lần để giảm ngân sách chi.

Đề cao vai trò, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giúp đỡ của cấp trên, nhất là cấp huyện. Cấp ủy cấp huyện cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát công tác cán bộ và đội ngũ cán bộ cấp xã, kịp thời phát hiện, uốn nắn những hạn chế, thiếu sót, lệch lạc, bảo đảm việc xây dựng đội ngũ cán bộ cấp xã đúng quan điểm, định hướng của Đảng.

Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, nghiệp vụ đối với công chức làm nhiệm vụ theo dõi chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Bốn là, phát động phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”. Kịp thời biểu dương khen thưởng các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua nói trên.

Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam (giữa)
trao Huân chương Lao động hạng Ba cho tỉnh Bình Dương (Ảnh: binhduong.gov.vn)


 

Tuệ Mẫn