Bắc Ninh: 89/97 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới

15/11/2019 10:37
  • Print
  • Lượt xem: 2340

Tỉnh Bắc Ninh có 89/97 xã (chiếm 91,75% tổng số xã) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 16 xã so với cuối năm 2017.

100% cán bộ, công chức xã tỉnh Bắc Ninh đạt chuẩn theo quy định. 

Theo Báo cáo số 206/BC-SNV ngày 29/7/2019 của Sở Nội vụ tỉnh Bắc Ninh, đối với tiêu chí số 18.1 (cán bộ, công chức xã đạt chuẩn), đến nay, tỉnh Bắc Ninh có 89/97 xã (chiếm 91,75% tổng số xã) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 16 xã so với cuối năm 2017.

100% cán bộ, công chức xã tỉnh Bắc Ninh đạt chuẩn theo quy định. Tỷ lệ cán bộ, công chức cấp xã đạt chuẩn hiện nay so với giai đoạn 2010 và kết thúc giai đoạn 1 là cao hơn.

Đối với tiêu chí 18.2 (có đủ các tổ chức trong hệ thống chính trị cơ sở theo quy định), hiện nay, tỉnh Bắc Ninh có 100% cấp xã có đủ các tổ chức trong hệ thống chính trị cơ sở theo quy định.

Tỉnh có 05 đơn vị cấp huyện hoàn thành xây dựng nông thôn mới, trong đó, huyện Tiên Du và thị xã Từ Sơn được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới và thị xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2016; thành phố Bắc Ninh có 3/3 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại I; 02 huyện Gia Bình và Quế Võ đang trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018. Mục tiêu, năm 2019 của tỉnh là đưa các huyện, các xã còn lại đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019.

Nhìn chung, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 14/4/2011 của Tỉnh ủy Bắc Ninh về xây dựng nông thôn mới đã đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô ngày càng lớn. Trình độ khoa học, công nghệ trong sản xuất nông nghiệp từng bước được nâng cao theo hướng sử dụng giống mới, công nghệ sinh học và nhiều khâu sản xuất nông nghiệp đạt tỷ lệ cơ giới hóa cao đã tạo tiền đề nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả. Tỷ trọng giá trị sản phẩm và lao động của ngành công nghiệp và dịch vụ tăng nhanh. Hệ thống hạ tầng nông thôn phát triển mạnh mẽ, làm thay đổi bộ mặt nhiều vùng nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại. Điều kiện sống, cả vật chất và tinh thần của dân cư nông thôn được nâng cao rõ rệt. Quan hệ sản xuất nông thôn bước đầu được đổi mới; đời sống Nhân dân được cải thiện, góp phần làm ổn định xã hội nông thôn. Mức độ hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở các địa phương đều được nâng lên đáng kể. Từ bình quan 8,84 tiêu chí/xã năm 2010, đến nay đã đạt 16,35 tiêu chí/xã. Toàn tỉnh có 35 xã đạt 19/19 tiêu chí, bằng 36,1% tổng số xã.

Bên cạnh đó, Báo cáo của Sở Nội vụ tỉnh Bắc Ninh cũng chỉ rõ những nguyên nhân khách quan và chủ quan của những tồn tại, hạn chế trong việc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, cụ thể:

Đối với nguyên nhân khách quan, việc xây dựng nông thôn mới cần đòi hỏi nguồn lực lớn, trong khi đó tiềm lực kinh tế có hạn; nội dung xây dựng nông thôn mới liên quan đến lĩnh vực đời sống kinh tế - chính trị - xã hội, phạm vi địa bàn nông thôn rộng lớn, chưa có hình mẫu và tiền lệ. Việc rà soát theo Bộ tiêu chí nông thôn mới của các xã ban đầu chưa chính xác nên đưa ra mục tiêu tại nghị quyết số 05-NQ/TU quá cao.

Ngoài ra, do suy thoái kinh tế thế giới kéo dài từ cuối năm 008 đến nay và những khó khăn về kinh tế trong tỉnh đã ảnh hưởng đến việc huy động và bố trí nguồn lực thực hiện Chương trình. Một số chính sách và văn bản hướng dẫn thực hiện còn chậm được ban hành, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Về nguyên nhân chủ quan, một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, ý nghĩa, nội dung của Chương trình xây dựng nông thôn mới; thiếu chủ động, sáng tạo trong quá trình tổ chức thực hiện, vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại cấp trên, nhất là trong bố trí nguồn lực cho Chương trình. Nhiều địa phương triển khai thực hiện chương trình nông thôn mới còn lúng túng, không tính toán cụ thể nguồn lực đầu tư. Trong điều kiện nguồn vốn nhiều địa phương còn thiếu nhưng việc xây dựng và nâng cấp công trình với quy mô lớn hơn quy định hoặc công trình hạ tầng đã đáp ứng tiêu chí nông thôn mới nhưng vẫn triển khai thực hiện dẫn đến nợ đọng xây dựng cơ bản. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành đôi lúc còn chưa kịp thời, thiếu chặt chẽ, nhất là thời kỳ đầu triển khai Chương trình.

Đồng thời, tỉnh Bắc Ninh cũng rút ra một số bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện Chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới: phải có quyết tâm chính trị cao của các cấp ủy, chính quyền, nhất là có vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp để huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, cùng với sự quan tâm của toàn xã hội; nắm vững mục tiêu và hệ thống tiêu chí nông thôn mới để có cách làm chủ động, sáng tạo. Trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện phải có kế hoạch và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ đề ra để có sự điều chỉnh và có giải pháp phù hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ lâu dài, không thể nóng vội, những tiêu chí dễ làm trước, khó làm sau. Đồng thời, cần đẩy mạnh phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”…

 

Tuệ Mẫn