Tháng 5 nhớ Bác: Tư tưởng ‘lấy dân làm gốc’ mãi mãi soi sáng

19/05/2021 16:34
  • Print
  • Lượt xem: 2524

Tư tưởng “lấy dân làm gốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi mãi soi sáng công việc của Đảng và Nhà nước. Người luôn căn dặn phải gần dân, hiểu dân, trọng dân, học dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm hỏi nông dân Hợp tác xã Hùng Sơn (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) đang gặt lúa, năm 1954.

Tưởng nhớ công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tháng 5 lịch sử, cả nước ta đang ra sức thi đua lập nhiều thành tích chào mừng kỷ niệm 131 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại - vị Cha già, Người lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam (19/5/1890-19/5/2021).

Năm nay, đúng vào dịp Đảng ta, nhân dân ta, đất nước ta chuẩn bị cho ngày hội lớn của quốc gia, dân tộc - Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Nhớ đến Bác, chúng ta lại nhớ đến những lời dạy của Bác: “Sức mạnh của Đảng là sức mạnh ở nhân dân”. Muốn phát huy sức mạnh của nhân dân, Người căn dặn phải biết dân vận khéo.

Dân vận là làm cho dân hài lòng

GS. TS. Hoàng Chí Bảo - Chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, đã có nhiều chia sẻ về công tác dân vận theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

Theo GS. Hoàng Chí Bảo, dân vận là một tư tưởng lớn, nổi bật, xuyên suốt và nhất quán trong hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh. Những chỉ dẫn quý báu của Bác về dân vận không chỉ là tư tưởng mà còn thấm nhuần đạo đức, trở thành phong cách, điển hình nhất là phong cách dân chủ, gắn liền dân chủ với đoàn kết để đạt tới sự đồng thuận. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người nói ít làm nhiều, nói đi đôi với làm; tôn trọng dân nên giữ đúng lời hứa với dân. Noi gương Người, thực hành dân vận là làm cho dân hài lòng về công việc và thái độ của cán bộ, lãnh đạo trong quan hệ với nhân dân.

Đạo đức là yếu tố “gốc rễ” quyết định sự thành công của người làm công tác dân vận. Đồng thời, phải ứng xử tinh tế, nghiêm nghị nhưng bao dung, gần dân, hiểu dân và giữ uy tín với nhân dân... Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là nhà tư tưởng nêu lên lý luận mà Bác còn là tấm gương mẫu mực trong việc thực hành công tác dân vận.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và đoàn thể đã giao cho. Dân vận không thể chỉ dùng báo chương, sách vở, mít tinh, khẩu hiệu, truyền đơn, chỉ thị mà đủ”.

Ngắn gọn, hàm súc, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận thể hiện rõ quan điểm của Người về mục đích, đối tượng, phương cách thực hành công tác dân vận thế nào sao cho có hiệu quả cao.

Trước nhất là phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ ràng: Việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được. Điểm thứ hai là bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân ra thi hành. Trong lúc thi hành phải theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc, khuyến khích dân. Khi thi hành xong phải cùng với dân kiểm thảo lại công việc, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong". Lực lượng toàn dân là lực lượng vĩ đại hơn hết. Không ai chiến thắng được lực lượng đó. Xuất phát từ quan điểm ấy, Người đã tha thiết kêu gọi tất cả những người thật thà yêu nước, không phân biệt tầng lớp nào, tín ngưỡng nào: “Chúng ta hãy thật thà cộng tác vì dân vì nước”. Người căn dặn: “Chúng ta cần phải xóa bỏ hết thành kiến, cần phải thật thà đoàn kết với nhau, giúp đỡ lẫn nhau để cùng tiến bộ, để cùng phục vụ nhân dân”. Như vậy, lực lượng làm nên thành bại của cách mạng, thành công của công cuộc kiến thiết nước nhà đi tới ấm no, hạnh phúc và bảo vệ vững chắc chủ quyền, độc lập, thống nhất Tổ quốc, toàn vẹn lãnh thổ trong mọi thời đại, mọi hoàn cảnh, chính là nhân dân.

Muốn dân vận có kết quả thực tế, bên cạnh nội dung và phương pháp tuyên truyền, vận động thì đòi hỏi đạo đức, năng lực của mỗi đảng viên, cán bộ phải ngang tầm. Phải làm gương trong sáng, không vun vén cho riêng mình, coi lợi ích cho dân là lợi ích cho mình, sống được dân yêu thương, quý trọng. Phải chăm lo bồi dưỡng để năng lực lãnh đạo không ngừng được nâng cao, phải xứng đáng tiên phong trong mọi công việc, ngang tầm với đòi hỏi của sự nghiệp cách mạng, giải quyết tốt những vấn đề thuộc về trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên, lãnh đạo, quản lý. Nhân dân trọng đức, nể tài đảng viên, cán bộ là nguyên nhân căn bản làm nên thành công của công tác dân vận.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc đầu tiên của công tác dân vận là phải tìm mọi cách tuyên truyền, giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ ràng: Việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được.

Vì vậy, Người yêu cầu người làm dân vận phải giải thích cho quần chúng nhân dân hiểu được việc đảng, đoàn thể, vận động họ làm là có lợi cho họ và là nhiệm vụ của họ, họ phải hăng say thực hiện. Mục đích của những người cộng sản chân chính vận động nhân dân làm cách mạng nhằm mang lại lợi ích cho nhân dân. Song, để nhân dân một lòng đi theo Đảng, khi mà những lợi ích đối với họ chưa có ngay trước mắt mà phải đương đầu với gian khổ, tù tội, hy sinh, mất mát thì cần phải dân vận để nhân dân hiểu, thấy được lợi ích lâu dài của sự hy sinh, gian khổ khi làm cách mạng mà dấn thân theo Đảng. Hiểu và thấy được lợi ích chính đáng mà họ được thụ hưởng khi cách mạng thành công thì chắc chắn họ sẽ nhất tề theo Đảng, xả thân vì sự nghiệp của họ, do họ và vì họ.

Mọi thành công đều do “dân vận khéo”

Thực tế cách mạng nước ta hơn 90 năm dưới ngọn cờ của Đảng đã minh chứng, một khi đường lối đúng, dân vận khéo, cán bộ tận tụy, trong sáng vì dân vì nước thì nhân dân theo Đảng, bảo vệ Đảng, cách mạng thành công.

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh tổng kết trong tác phẩm “Dân vận” của Người, những thành công của các mạng Việt Nam là do Đảng và Nhà nước thực hiện dân vận khéo mà đạt được.

Đảng và Nhà nước ta đã biết vận động tất cả lực lượng, mỗi người dân, không thể sót một người dân nào, gộp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, tạo nên sức mạnh đoàn kết của toàn dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, muốn công tác dân vận thành công thì Đảng và Nhà nước phải thật sự yêu dân, kính dân, thương dân và hiểu dân, phải biết vận động nhân dân làm tốt những việc có lợi cho cách mạng, cho đất nước, để đem tài dân, sức dân, của dân mà làm lợi cho dân.

Bác cho rằng, Đảng phải chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị thấm nhuần lý tưởng chính trị vì dân thì công tác dân vận mới thật sự có hiệu quả.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn phân tích, tư tưởng lớn bao trùm và xuyên suốt tư tưởng Hồ Chí Minh về dân vận là “bao nhiêu lợi ích đều vì dân… mọi quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”. Theo nghĩa đó, quyền của nhân dân là cao nhất, theo đúng nguyên tắc hiến định “tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân”.

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nói chung, tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận và dân vận chính quyền nói riêng, trong những năm qua, Chính phủ đã có nhiều chủ trương, chính sách quan trọng để yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải tập trung xây dựng và triển khai thật tốt các nội dung của công tác dân vận chính quyền.

Chính phủ đã thể chế hóa kịp thời các chủ trương của Đảng về công tác dân vận thành chính sách, pháp luật phù hợp với thực tiễn và đáp ứng quyền, lợi ích, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách, nhất là các chính sách đối với từng đối tượng cụ thể (công nhân, nông dân, đội ngũ trí thức, doanh nhân, thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh, người cao tuổi, dân tộc, tôn giáo và người Việt Nam ở nước ngoài).

Nói về công tác dân vận chính quyền, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Nội vụ Trần Hữu Thắng cho rằng cần xây dựng văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức gắn với quy chế dân chủ cơ sở trong giao tiếp, phục vụ nhân dân. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết công việc với nhân dân. Phải biết “dân vận khéo” trong hoạt động công vụ ở nước ta.

Trong mọi trường hợp, tư tưởng, sự khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào vai trò, sức mạnh của nhân dân và tư tưởng “lấy dân làm gốc” đều đúng. Nhân dân là yếu tố quyết định sự thành bại của cách mạng trong mọi thời kỳ. Vì vậy phải gần dân, hiểu dân, trọng dân, học dân.

Trong những ngày tháng 5 nhớ Bác, chúng ta cùng ôn lại, quán triệt và thực hiện tốt hơn nữa tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận nhằm phát huy sức mạnh của nhân dân, làm nên những thành công to lớn hơn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.


Nguồn: baochinhphu.vn

VIDEO