Tròn 100 năm Bác Hồ tiếp cận luận cương của Lenin: Đường đi cho dân tộc

05/05/2020 15:56
  • Print
  • Lượt xem: 4285

Cách đây 100 năm, báo Nhân đạo (L’Humanité) - Cơ quan ngôn luận của Đảng Xã hội Pháp - đăng Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I.Lenin. Luận cương ngay lập tức thu hút sự chú ý của chàng thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc. Lúc ấy, Người đã thốt lên: “Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”.


Một số báo L’Humanité xuất bản cách đây 100 năm.

Chọn con đường đi cho dân tộc

Tháng 6.1919, Bác Hồ với tên gọi Nguyễn Ái Quốc đã gửi bản yêu sách gồm 8 điểm đòi lại quyền lợi cho dân tộc. Nhưng bản yêu sách không được đáp ứng, các nước thắng trận chỉ lo phân chia quyền lợi cho mình. Từ đây, Nguyễn Ái Quốc nhận thức một điều sâu sắc: Trong cuộc đấu tranh giành độc lập thì phải dựa vào sức mình để giải phóng mình, đừng bao giờ hy vọng trông chờ vào sự “ban ơn” của chính quyền tư sản. Và muốn được giải phóng, các dân tộc chỉ có thể trông cậy vào mình, trông cậy vào lực lượng bản thân mình. Tuy Bản yêu sách không được đáp ứng, nhưng có tiếng vang lớn, khiến nhân dân Pháp hiểu rõ hơn về An Nam; đồng thời bản yêu sách được truyền bá về Việt Nam làm thức tỉnh tinh thần yêu nước của nhân dân ta, nhất là tầng lớp thanh niên.  

Năm 1919, Nguyễn Ái Quốc gia nhập Đảng xã hội Pháp - một tổ chức duy nhất ở Pháp bênh vực quyền lợi của Việt Nam và theo đuổi lý tưởng tự do, bình đẳng, bác ái của cách mạng Pháp. Gia nhập Đảng xã hội Pháp, Nguyễn Ái Quốc trở thành nhà “cách mạng chuyên chính” đấu tranh cho quyền lợi của dân tộc.  

Những hoạt động tích cực của Nguyễn Ái Quốc trong phong trào công nhân, nhân dân lao động nghèo khổ khắp đường phố Paris, đặc biệt các hoạt động kêu gọi nhân dân Pháp ủng hộ cuộc cách mạng của nước Nga Xô viết chống lại cuộc bao vây của các nước đế quốc như: Rải truyền đơn, tuyên truyền vận động nhân dân Pháp quyên góp tiền ủng hộ nước Nga Xô viết… đã làm cho nhận thức về chính trị xã hội của Người được nâng cao. Những hoạt động thực tiễn và tiếp thu chân lý ban đầu đã làm sáng tỏ hơn con đường cứu nước mà Người hướng tới. Trong quá trình hoạt động, tư tưởng và lý luận của Nguyễn Ái Quốc đã hướng gần với cách mạng tháng Mười Nga và chủ nghĩa Marx – Lenin.  

Ngày 11.2.1920, Nguyễn Ái Quốc thuyết trình đề tài “Chủ nghĩa cộng sản ở Châu Á và vấn đề ruộng công điền ở Trung Quốc và Việt Nam” tại Hội nghị những người thanh niên Cộng sản Quận 2 (Paris). Đến ngày 27.3.1920, Người nói chuyện với thanh niên ở quận này về chủ nghĩa xã hội…

Những hoạt động trên của Nguyễn Ái Quốc chứng tỏ nhận thức chính trị của Người đã có bước phát triển mạnh mẽ. Từ chỗ chưa hiểu bản chất cuộc Cách mạng tháng Mười Nga, giờ đây, Người đã có xu hướng theo cuộc cách mạng tiến bộ nhất trên thế giới này. Người liên tục theo dõi các sự kiện chính trị xã hội trên các báo ra hàng ngày. Chính vì thế, giữa tháng 7.1920, khi tờ Nhân đạo đăng Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I.Lenin. Từ chủ nghĩa yêu nước, Người đến với Chủ nghĩa Marx – Lenin: “Chính chủ nghĩa yêu nước đã đưa Nguyễn Ái Quốc đến cuộc gặp gỡ kỳ thú đó. Nó tạo ra bước chuyển căn bản, quyết định trong nhận thức tư tưởng của nhà cách mạng Việt Nam trẻ tuổi và mở đầu một chuyển biến cách mạng thực sự trong lịch sử tư tưởng nước ta”.

Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy hướng đi của cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa mà Sơ thảo luận cương của Lenin đã vạch ra đó là: Con đường cách mạng vô sản, giải phóng dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng con người. Đây cũng là nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam. Trong “Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lenin”, Người đã nói: “Luận cương của Lenin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên, như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”.

Khi ủng hộ Quốc tế III, tin theo Lenin, Người vẫn chưa thực sự hiểu về cách mạng tháng Mười Nga, càng chưa thể hiểu được những học thuyết của Chủ nghĩa Marx – Lenin là gì. Nhưng sau khi đọc Sơ thảo luận cương của Lenin, Người khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”.

Nhịp cầu thời đại

Trong “Đường Kách mệnh” (xuất bản năm 1927) cũng như các văn kiện do Nguyễn Ái Quốc khởi thảo và thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng năm 1930, những giá trị cốt lõi của Chủ nghĩa Marx - Lenin đã được định vị một cách chắc chắn, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh lịch sử của Việt Nam, làm kim chỉ nam cho sự hoạch định cương lĩnh, đường lối cách mạng đúng đắn suốt 90 năm qua. Những giá trị cốt lõi của Chủ nghĩa Marx – Lenin được Nguyễn Ái Quốc chỉ rõ:

Một là, cách mạng Việt Nam là cuộc cách mạng vô sản, trước hết làm cách mạng dân tộc, dân chủ rồi tiến tới cách mạng xã hội chủ nghĩa. Nhiệm vụ của cách mạng là đánh đổ thực dân Pháp, phong kiến tay sai; mang lại quyền làm chủ nhà máy, xí nghiệp cho giai cấp công nhân, thực hiện người cày có ruộng. Đây là tư tưởng cách mạng triệt để, có lộ trình phù hợp; được Nguyễn Ái Quốc tổng kết thực tiễn các cuộc cách mạng dân chủ tư sản của Anh, Mỹ, Pháp và vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh cách mạng nước ta.

Hai là, nhân tố tiên quyết bảo đảm cách mạng Việt Nam thắng lợi là phải có chính đảng vô sản lãnh đạo; Đảng phải lấy chủ nghĩa Marx - Lenin làm nền tảng tư tưởng; Đảng phải được thử thách trong thực tiễn đấu tranh cách mạng để không ngừng lớn mạnh; Đảng phải lấy lợi ích của giai cấp, dân tộc làm tôn chỉ, mục đích. Nguyễn Ái Quốc đã xác định được sứ mệnh lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam, nên ngay khi Đảng ra đời đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các tầng lớp xã hội.

Ba là, Đảng phải giác ngộ, vận động quần chúng đi theo cách mạng. Trong nước thì kết nối các giai tầng, nòng cốt là liên minh công - nông, từ hạt nhân này mà xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đánh đổ thực dân, phong kiến. Ngoài nước thì đoàn kết với các dân tộc có cùng hoàn cảnh bị áp bức, đồng thời tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của các lực lượng hòa bình trên thế giới. Phương pháp đấu tranh được kết hợp giữa bạo lực cách mạng với đấu tranh chính trị.

Truyền thống dân tộc, tinh hoa văn hóa dân tộc và nhân loại cùng cuộc đời cách mạng đã đưa Nguyễn Ái Quốc đến trực tiếp với chủ nghĩa Marx - Lenin. Sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Marx - Lenin vào thực tiễn cách mạng mà Hồ Chí Minh để lại cho muôn đời sau là kho báu tư tưởng vô giá của Người.

Đảng ta, nhờ biết kiên định nền tảng tư tưởng nêu trên mà xứng đáng là người đại diện duy nhất cho lợi ích dân tộc; mang lại quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân; đóng góp xứng đáng vào sự tiến bộ chung của nhân loại.

Hiện nay, mạng xã hội thường xuyên xuất hiện những luận điệu xuyên tạc, bóp méo lịch sử, núp bóng chiêu bài dân chủ, nhân quyền, sắc tộc, tôn giáo, hòng hạ bệ chủ nghĩa Marx - Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh; như trước đây từng có những trào lưu tư tưởng phi Marxist, xét lại. Kẻ thù của cách mạng nước ta lúc này, ngoài các thế lực phản động, các phần tử cơ hội chính trị, còn có một bộ phận những người đứng trong hàng ngũ của Đảng, song lại suy thoái tư tưởng chính trị, xuống cấp đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Thực chất, đó là sự rời bỏ lý tưởng Cộng sản, từ bỏ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, thiêu rụi thành quả cách mạng mà Đảng lãnh đạo nhân dân ta suốt 90 năm qua. Niềm tin của nhân dân với Đảng vẫn là thành trì bảo đảm sự sống còn của Đảng, nhưng nếu không bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng thì niềm tin cũng sẽ bị xói mòn và sụp đổ.

Việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII là nhằm làm cho Đảng ta ngày càng trở thành hiện thân của giá trị đạo đức, văn minh.

Nghị quyết số 35-NQ/TƯ của Bộ Chính trị ban hành ngày 22.10.2018 về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” cũng chính là sự tiếp tục cụ thể hóa Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tình hình mới, yêu cầu mới của cách mạng Việt Nam. Đưa Nghị quyết này vào cuộc sống là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Vì còn nền tảng tư tưởng của Đảng thì chắc chắn còn Đảng, còn chế độ.

Nguồn: Laodong.vn

VIDEO