Sáng nay (11/2), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có cuộc làm việc với Ban Kinh tế Trung ương về kết quả thực hiện năm 2016 và nhiệm vụ năm 2017. Cùng tham dự cuộc làm việc có đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; đồng chí Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.
Kết quả nổi bật nhất của Ban Kinh tế Trung ương trong năm qua chính là lần đầu tiên Ban đã chủ trì xây dựng 7 đề án quan trọng để trình Trung ương và Bộ Chính trị, có ảnh hưởng đến việc hoạch định những chính sách lớn của Đảng liên quan đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Ban Kinh tế Trung ương cũng đã bám sát những vấn đề nổi cộm của đất nước để đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư những giải pháp ứng phó kịp thời, sát với diễn biến thực tế. Công tác thẩm định cũng có nhiều bước tiến bộ, chất lượng được nâng lên, Ban đã tổ chức 59 đợt công tác nhằm kiểm tra giám sát việc thực hiện các chính sách của Đảng về kinh tế - xã hội ở các bộ ngành địa phương, kịp thời phát hiện những vướng mắc khó khăn để hướng dẫn tháo gỡ hoặc chuyển các cấp có thẩm quyền xử lý. Cũng trong năm qua, Ban Kinh tế Trung ương đã chủ động tổng hợp thông tin xây dựng báo cáo kinh tế vĩ mô định kỳ tháng quý trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư làm tài liệu tham khảo phục vụ công tác lãnh đạo chỉ đạo.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Là cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng về kinh tế - xã hội, các đề xuất, kiến nghị của Ban Kinh tế Trung ương đều được Bộ Chính trị đánh giá là công phu, có trách nhiệm, sâu sắc và sát hợp với tình hình thực tế. Sau 4 năm tái lập, Ban Kinh tế Trung ương ngày càng trưởng thành, nâng cao hiệu quả hoạt động cả về bộ máy tổ chức lẫn nhân sự. Từ chỗ 3 năm trước Ban chỉ đóng vai trò tham gia xây dựng đề án, nay đã trực tiếp chủ trì 7 đề án quan trọng, công tác thẩm định trước kia chưa thể hiện rõ nét chính kiến riêng, nay đã đi thẳng vào vấn đề, thẳng thắn hơn, tăng cường tính phản biện, góp phần tích cực để Bộ Chính trị, Ban Bí thư có thêm dữ liệu thảo luận.
Đề cập những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới đây cũng là để khắc phục những hạn chế, theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ban Kinh tế Trung ương phải ưu tiên tập trung hàng đầu nhiệm vụ đề xuất với Đảng về đường lối, chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, trước mắt là chủ trì xây dựng các đề án, báo cáo trình Hội nghị Trung ương 5 sắp tới. Đặt câu hỏi nhiều tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước làm ăn thua lỗ, nhiều vụ tham nhũng, lãng phí lớn với những công trình hàng nghìn tỷ đồng "bị đắp chiếu", Tổng Bí thư yêu cầu Ban Kinh tế Trung ương đề xuất đồng bộ các chủ trương, chính sách, có tính đột phá để Hội nghị Trung ương 5 xem xét, ban hành một Nghị quyết mới, đúng tầm, góp phần làm cho doanh nghiệp nhà nước thực sự trở thành lực lượng nòng cốt của nền kinh tế. Tổng Bí thư cũng đề nghị Ban Kinh tế Trung ương phải đề xuất các chủ trương, chính sách, biện pháp đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập và đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng cho rằng, là cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng về đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, được tham gia trực tiếp vào quá trình xây dựng, hoàn thiện chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội, Ban Kinh tế Trung ương phải chủ động tuyên truyền rộng rãi các nghị quyết của Đảng để nâng cao, thống nhất nhận thức và hành động trong cán bộ đảng viên, nhân dân. Trước mắt, phải đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt hai nghị quyết rất quan trọng về kinh tế đã được Hội nghị Trung ương 4 khóa XII vừa qua ban hành. Về công tác thẩm định đề án báo cáo một nhiệm vụ quan trọng khác của Ban Kinh tế Trung ương, Tổng Bí thư cũng yêu cầu tiếp tục nâng cao chất lượng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng yêu cầu Ban Kinh tế Trung ương sớm phát hiện những vướng mắc, sai phạm trong việc cụ thể hóa, triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng để kịp thời trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, tìm biện pháp điều chỉnh, tháo gỡ hoặc xử lý, chứ không phải chờ 3 năm, 5 năm mới sơ kết, 10 năm mới tổng kết và có báo cáo. Tổng Bí thư cho rằng Ban Kinh tế Trung ương phải nhanh nhạy, sắc bén và kiên quyết hơn, kịp thời báo cáo Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng về các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực và đề xuất các giải pháp thanh tra, điều tra, ngăn ngừa và khắc phục, bảo đảm an ninh kinh tế.
Tổng Bí thư cũng đề nghị Ban Kinh tế Trung ương xây dựng cơ quan tinh gọn, chất lượng, có trình độ cao, đội ngũ cán bộ phải có quan điểm vững vàng, am hiểu lý luận và thực tiễn sâu sắc, nhất là đội ngũ chuyên gia đầu ngành, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, nghiêm túc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng Đảng.
Tiếp thu ý kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đồng chí Nguyễn Văn Bình - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương khẳng định, Ban sẽ tiếp tục làm tốt hơn nữa các điểm tích cực đã đạt được, đồng thời nghiêm túc nhìn nhận các hạn chế, tồn tại để sớm khắc phục. Việc hoàn thành các đề án trọng điểm về các chủ trương lớn của Đảng về kinh tế - xã hội sẽ là nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt của Ban trong thời gian tới; xác định tinh thần thực sự sắc bén, khách quan, công tâm và bản lĩnh để công tác thẩm định mang tính phản biện cao hơn, đồng thời chủ động tuyên truyền để tạo sự đồng thuận của nhân dân với các chủ trương, đường lối của Đảng về kinh tế - xã hội của đất nước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!
Nguồn: vtv.vn