Phong trào Thi đua yêu nước (1) Việt Nam là phong trào thi đua mạnh mẽ, sôi nổi, phấn khởi, xuất phát từ chính ý thức, lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam, cống hiến sức lực của mình vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, vì sự tiến bộ chung của xã hội và vì lợi ích của bản thân.
Từ khi được khởi xướng, phát động từ năm 1948 đến nay đã 70 năm phát triển với 8 kỳ Đại hội gắn với lịch sử cách mạng, lịch sử dân tộc Việt Nam. Phong trào thi đua yêu nước trong mỗi giai đoạn, thời kỳ có những nét nổi bật, đặc trưng, song đều xuất phát từ lòng yêu nước chân chính được khơi dậy và phát huy với nhiều tấm gương điển hình thi đua tiêu biểu, từ những tầng lớp khác nhau, phần đông từ nhân dân lao động, là những công nhân, nông dân, lao động chân tay và trí óc, một lòng một dạ trung thành với nhân dân, với Đảng và Chính phủ, sẵn sàng hy sinh cả tính mệnh của mình để giành lấy độc lập tự do cho dân tộc. Họ không chỉ tiêu biểu trong kháng chiến mà gương thi đua của họ ảnh hưởng sâu rộng cả trong thời bình, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, ngày nay cũng rất cần những tấm gương điển hình thi đua xây dựng và bảo vệ tổ quốc, đặc biệt trong công cuộc lao động sản xuất, xây dựng, phát triển đất nước thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập và phát triển.
Việc tìm hiểu, nghiên cứu về phong trào thi đua có ý nghĩa quan trọng, không chỉ có tác dụng tìm hiểu về phong trào thi đua trong những năm kháng chiến mà trong giai đoạn hiện nay, việc tuyên truyền, kêu gọi, cổ động thi đua, thực hiện thi đua, đẩy mạnh thi đua là rất cần thiết, thiết thực, ý nghĩa nhằm phát huy tinh thần sáng tạo của các tầng lớp nhân dân trong mọi ngành, mọi lĩnh vực, đóng góp sức lực cho sự phát triển của đất nước, nâng cao đời sống của nhân dân.
1. Nguồn tài liệu về phong trào thi đua yêu nước bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III
Nguồn tài liệu về phong trào thi đua yêu nước bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III thực sự là nguồn sử liệu quan trọng, có tác dụng ý nghĩa to lớn trong việc nghiên cứu về lịch sử ra đời, phát triển của phong trào thi đua yêu nước.
Hiện nay Trung tâm đang bảo quản một khối lượng lớn văn bản, tài liệu, hình ảnh về phong trào thi yêu nước từ khi phong trào được phát động, có thể chia thành các nội dung:
Tài liệu về sự ra đời, tổ chức phong trào thi đua: thể hiện qua các Sắc lệnh, thư, bài nói, bài viết kêu gọi, phát động và tổ chức thi đua của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ, các ngành, các cấp, tập trung chủ yếu tại Phông Phủ Thủ tướng, như Lời Kêu gọi thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 01/5/1948 và ngày 11/6/1948; Sắc lệnh số 195-SL và số 196-SL ngày 01/6/1948 của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thành lập Ban Vận động Thi đua ái quốc và cử các thành viên vào Ban vận động Thi đua ái quốc Trung ương, Bản Hiệu triệu quốc dân thi đua ái quốc ngày 19/6/1948 của Ban Vận động thi đua ái quốc Trung ương, Lời phát động cuộc thi đua ái quốc trong toàn thể nông dân và các cán bộ của Bộ Canh nông ngày 19/5/1948, Biên bản cuộc họp ngày 28/5/1948 của Ban Vận động Thi đua ái quốc Trung ương về một số vấn đề tổ chức và hoạt động của Ủy ban, điện số 26/5-TK5/mn của Bộ Nội vụ ngày 05/6/1948 gửi UBKCHC Nam Trung Bộ, Nam Bộ và Khu IV về tổ chức thi đua ái quốc, Công văn số 318 - TĐ ngày 19/11/1948 của Ban Vận động Thi đua ái quốc Trung ương kiến nghị số về cải tiến tổ chức thi đua ái quốc....
Lời Kêu gọi thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, năm 1948 Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Phông Phủ Thủ tướng, hồ sơ 130, tờ 01
Trong Lời Kêu gọi thi đua yêu nước ngày 01/5/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết:
“Cùng toàn thể đồng bào yêu quý,
Nước ta kinh tế lạc hậu, nhưng lòng yêu nước và chí quật cường chẳng kém ai.
Nay muốn tự cấp, tự túc đi kịp người ta, thì chúng ta phải đi mau.
Vì vậy, sỹ, nông, công, thương, binh, gái, trai, già, trẻ, toàn thể quốc dân ta vô luận ở địa vị nào, làm công việc gì, phải ra sức tham gia cuộc thi đua yêu nước tức là tăng gia, sản xuất.
Như thế thì kháng chiến nhất định thắng lợi, kiến quốc nhất định thành công” (2).
Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tài liệu lưu trữ có ý nghĩa to lớn không chỉ đối với phong trào thi đua yêu nước, phát động, kêu gọi toàn dân thi đua, khởi xướng một phong trào quần chúng sâu rộng mà còn đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đoàn kết một lòng, phát huy truyền thống anh hùng, tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, vượt qua mọi hi sinh, gian khổ thi đua diệt giặc ngoại xâm, diệt giặc đói, giặc dốt, tăng gia sản xuất, cung cấp, đáp ứng nhu cầu về mọi mặt của cuộc kháng chiến.
Tài liệu phản ánh quá trình phát triển, kết quả của phong trào thi đua, chiếm một số lượng lớn, thể hiện về sự phát triển của phong trào thi đua qua các giai đoạn trong kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ, trong công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc sau năm 1954... của các ngành khác nhau từ các cơ quan, đơn vị đến toàn quốc.
Tài liệu về sự phát triển phong trào thi đua ái quốc được bảo quản ở nhiều phông tài liêu như Phông Phủ Thủ tướng, Phông Quốc hội, Phông Bộ Lao động, Phông Ủy ban Kháng chiến hành chính Liên khu III, Phông UBHC Khu Tự trị Việt Bắc, Phông UBHC Khu Tự trị Tây Bắc,Văn phòng Chính phủ, phông tài liệu của các Bộ... như Chương trình Thi đua của Bộ Lao động, năm 1948; Biên bản Hội nghị Giám khảo gây cơ sở phá kỷ lục lần thứ nhất của Bộ Quốc phòng, ngày 01/8/1948; báo cáo về thành tích thi đua kỳ 6 tháng năm 1948 và kỳ 3 tháng năm 1949 của Ban vận động Thi đua Ái quốc Trung ương; biên bản Đại hội toàn quốc các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu năm 1952; báo cáo tự thuật thành tích thi đua của các chiến sĩ thi đua các ngành năm 1952... Báo cáo của Ủy ban hành chính thành phố Hà Nội về tổng kết thành tích thi đua ái quốc của lao động thủ đô sau 10 tháng đấu tranh và xây dựng trong hòa bình năm 1955; Báo cáo của Bộ Lao động về tình hình thi đua ái quốc kiến thiết xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc Việt Nam và tình hình tổ chức quản lý bồi dưỡng chiến sĩ năm 1957; Báo cáo tổng kết thi đua năm 1958 của quân đội nhân dân Việt Nam đọc trước Đại hội liên hoan chiến sỹ thi đua toàn quân khu Tây Bắc lần thứ Nhất tháng 5/1959,…
Tài liệu ảnh về phong trào thi đua ái quốc là một trong những nguồn tư liệu hết sức quan trọng, quý giá, minh chứng về thực tế phong trào như: ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh với các chiến sĩ thi đua qua các thời kỳ; Ảnh Ông Nguyễn Tạo gắn Huân chương lao động hạng 2 cho chiến sĩ Nguyễn Văn Vọng (nhà máy Dệt Nam Định) tại Đại hội chiến sĩ thi đua năm 1959 của Bộ Công nghiệp, Báo cáo của Tổng cục Địa chất về phong trào thi đua yêu nước ngành địa chất năm 1962, Ảnh Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói chuyện thân mật với hai nữ anh hùng Vũ Thị Ty và Nguyễn Thị Mậu của ngành Thủy lợi được tuyên dương tại Đại hội liên hoan anh hùng chiến sỹ toàn miền Bắc, Hà Nội, năm 1966...
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng tiếp và chụp ảnh lưu niệm với các anh hùng lao động và quân đội miền Nam tập kết tại Đại hội liên hoan anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ II năm 1958
Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Tài liệu ảnh giai đoạn 1954 - 1985 (LIV), SLT 1448
2. Giá trị nguồn tài liệu về thi đua yêu nước
Nguồn tài liệu về phong trào thi đua yêu nước bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III đa dạng, phong phú về loại hình. Thành phần và nội dung tài liệu phản ánh giá trị to lớn nguồn tài liệu về phong trào thi đua yêu nước.
Trước hết, đây là một nguồn sử liệu gốc hết sức quan trọng, giá trị về thực tiễn của phong trào thi đua yêu nước, phục vụ hiệu quả việc nghiên cứu tổng quát lịch sử hình thành, phát triển của phong trào thi đua yêu nước qua các giai đoạn, thời kỳ. Trên hết, là sự phản ánh sinh động tinh thần yêu nước của nhân dân ta, biến thành sức mạnh to lớn góp phần làm nên những thắng lợi vĩ đại trong công cuộc bảo vệ độc lập dân tộc và xây dựng Chủ nghĩa xã hội.
Tài liệu về phong trào thi đua yêu nước là sự phản ánh về đường lối, chính sách, sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ và vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc nói chung, phong trào thi đua yêu nước nói riêng về các mặt như mục đích, nội dung, tổ chức, tính chất...của phong trào thi đua. Cùng với đó, nguồn tài liệu về phong trào thi đua yêu nước chính là sự phản ánh chân thực công tác thi đua khen thưởng của Đảng, Chính phủ, Nhà nước qua chính sách động viên, khuyến khích tinh thần lao động sáng tạo trong nhân dân.
Mặt khác, những kinh nghiệm thực tiễn phong trào thi đua của các giai đoạn trước được tổng kết, hun đúc có tác dụng phục vụ đắc lực trong việc tổ chức, triển khai và định hướng, dẫn dắt phong trào thi đua trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
3. Việc tổ chức tiếp cận và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III.
Cùng với nhiệm vụ bảo quản an toàn tài liệu lưu trữ nói chung, tài liệu về thi đua yêu nước nói riêng, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III luôn coi trọng việc phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ.
Trung tâm đã chủ động tổ chức, thực hiện đa dạng các hình thức tiếp cận và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ phục vụ nhu cầu của độc giả. Để phát huy khối tài liệu về phong trào thi đua yêu nước, Trung tâm đã:
- Phục vụ nhu cầu khai thác tài liệu của độc giả tại phòng Đọc Trung tâm, đây là công tác được thực hiện thường niên, thường xuyên tại Trung tâm;
- Tổ chức, phối hợp với các đơn vị bạn thực hiện các cuộc trưng bày, triển lãm giới thiệu về phong trào thi đua yêu nước nhân kỷ niệm 60 năm, 65 năm ra đời phong trào thi đua như: năm 2008, Trung tâm đã phối hợp với Bảo tàng Cách mạng Việt Nam tổ chức Triển lãm “60 năm vang mãi lời Người” giới thiệu gần 300 tài liệu, hình ảnh, hiện vật về phong trào thi đua yêu nước. Triển lãm được đông đảo nhân dân quan tâm và đánh giá cao...;
- Tổ chức biên soạn, xuất bản các ấn phẩm, các công trình nghiên cứu khoa học giới thiệu tài liệu về phong trào thi đua yêu nước. Một trong những công trình khoa học phải kể đến là việc biên soạn sách “Đại hội toàn quốc các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu lần thứ nhất năm 1952”. Đây là cuốn sách được biên soạn từ nguồn tài liệu gốc bảo quản tại Trung tâm, giới thiệu một số tài liệu về phong trào thi đua yêu nước trong những năm kháng chiến chống Pháp. Đặc biệt là giới thiệu Biên bản của Đại hội tổng kết phong trào thi đua yêu nước trong giai đoạn đầu tiên (1948 - 1952), từ quá trình Chuẩn bị đại hội trong điều kiện hết sức khó khăn của thời kỳ kháng chiến; quá trình diễn ra Đại hội từ 30/4 đến 6/5/1952 cũng như những tài liệu về kết quả của Đại hội.
Bìa cuốn sách “Đại hội toàn quốc các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu lần thứ nhất năm 1952”, NXB. Văn học, H. 2013
Ngoài ra, Trung tâm còn thực hiện nhiều hình thức khác nhau để giới thiệu đến độc giả, các nhà nghiên cứu về phong trào thi đua yêu nước trên các phương tiện báo chí, mạng xã hội hay thực hiện các phóng sự tài liệu lưu trữ về thi đua yêu nước.
Trong thời gian tới, từ việc xác định những nguồn tài liệu lưu trữ về phong trào và giá trị, ý nghĩa lý luận, thực tiễn của nguồn tài liệu này, Trung tâm tiếp tục đẩy mạnh công tác phát huy, giới thiệu tài liệu với nhiều hình thức khác nhau nhằm tuyên truyền giới thiệu về phong trào nói chung cũng như góp phần tuyên truyền về lòng yêu nước đến các tầng lớp nhân dân, khơi thêm nguồn sáng tạo trong cán bộ, viên chức và nhân dân phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay./.
(1) Còn gọi là phong trào thi đua ái quốc;
(2) Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, P. Phủ Thủ tướng ML2, hồ sơ 130, tờ 01.
Ths. Trần Việt Hoa - Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia III
Nguồn: http://