Học Bác để trở thành “thợ khéo” khi dùng cán bộ

18/05/2020 09:04
  • Print
  • Lượt xem: 2933

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Dùng người cũng như dùng gỗ. Thợ khéo thì gỗ to, nhỏ, thẳng, cong đều tùy chỗ mà dùng được”...

Vấn đề trọng dụng nhân tài, ngay từ những năm đầu đổi mới, Đảng đã nêu rõ quan điểm trọng dụng tài năng là “cốt tử” của xây dựng Nhà nước, xây dựng Đảng và đổi mới nguồn cán bộ. Tại Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Đảng ta đã nhấn mạnh phải có “quy định khung cơ chế, chính sách ưu đãi để phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài”, “có cơ chế phát hiện, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ có bản lĩnh, năng lực nổi trội và triển vọng phát triển vào vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả vượt cấp, nhất là cán bộ trẻ”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một hình mẫu trong tôn trọng và sử dụng nhân tài. (Ảnh tư liệu)

Người thợ khéo thì gỗ to, nhỏ, thẳng, cong đều tùy chỗ mà dùng được

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn kêu gọi tìm người tài đức và trọng dụng nhân tài. Trong những người tài đức ấy có trí thức và nhân sĩ. Người quan niệm: “Chúng ta chỉ là cái men. Nên được rượu là nhờ cơm nếp. Phải có đông đảo quần chúng tham gia mới thành cách mạng. Nhân sĩ, trí thức là thứ men tốt, cần phải kéo về mình”.
Và khi đã “kéo” được người tài về với mình rồi thì việc sử dụng nhân tài cũng đòi hỏi phải có nghệ thuật. Người cho rằng, việc dùng nhân tài không nên căn cứ vào những điều kiện quá khắt khe, miễn là không phản lại quyền lợi dân chúng, có lòng trung thành với Tổ quốc là có thể dùng được. Tài to dùng làm việc to, tài nhỏ cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì thì đặt vào việc ấy. Biết dùng người sẽ không lo thiếu cán bộ. Người còn nói rằng, ai cũng có chỗ hay chỗ dở. “Dụng nhân như dụng mộc”, người thợ khéo thì gỗ to, nhỏ, thẳng, cong đều tùy chỗ mà dùng được. 

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Trọng Phúc.

Từng nghiên cứu rất kỹ về lịch sử Đảng, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh là hình mẫu lý tưởng về đánh giá, bố trí và trọng dụng nhân tài. Ở Bác có sự chân thành, thực sự trọng dụng người tài chứ không hình thức, kêu gọi. Người đánh giá rất cụ thể từng cán bộ và yêu cầu chính quyền các cấp cũng phải làm như thế, ai có tài phải được sử dụng xứng đáng. Cụ Hồ sắp xếp cụ Nguyễn Lương Bằng làm công tác kiểm tra Đảng, bởi đó là con người mẫu mực về liêm khiết, trí công vô tư; cụ chọn ông Trần Tử Bình phụ trách công tác luật pháp quân sự; cụ Hồ Tùng Mậu làm Tổng Thanh tra Nhà nước… đều là những con người hết lòng vì dân vì nước. Năm 1940, lần đầu tiên khi gặp các ông Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp ở Côn Minh, Trung Quốc, Bác đã cử ông Phạm Văn Đồng đi học chính trị, cử ông Võ Nguyên Giáp đi học quân sự…

Có thể nói, cụ Hồ là nhà lãnh đạo, người đứng đầu tuyệt vời trong bố trí cán bộ, sử dụng con người. Cách trọng dụng nhân tài của Người khiến họ thấy mình được đánh giá đúng, được đối xử đúng mức, tài năng của họ được sử dụng có ích cho dân cho nước. Nhân sĩ, trí thức không hẳn cứ lương cao, bổng lộc nhiều thì người ta mới phát huy tài năng, mà phần nhiều họ vì đất nước, vì dân tộc, vì sự nghiệp chung người ta sẵn sàng cống hiến tài năng. 

Để đánh giá đúng, trọng dụng đúng nhân tài, từ cách làm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Phúc cho rằng, vai trò của người đứng đầu là một yếu tố quyết định để đánh giá một cách trung thực khách quan, thấy được hết mặt mạnh, mặt yếu của từng cán bộ chứ không đánh giá chung chung, không để cho mình bị chi phối bởi những quan hệ khác mà đánh giá người xấu thành tốt, người tốt thành kém. Có đánh giá đúng mới quy hoạch đúng để sau đó đào tạo, bồi dưỡng, rồi sắp xếp vị trí, luân chuyển để cán bộ bộc lộ được hết khả năng, sở trường của họ. Trước đây, Bác đã làm và Đảng ta giờ cũng đang làm quy trình công tác như thế để lựa chọn được người xứng đáng vào vị trí lãnh đạo.

“Tôi thấy rằng, những cán bộ mà Bác bố trí, đào tạo, bồi dưỡng sau này đều trở thành nòng cốt của Đảng, những nhà lãnh đạo nổi tiếng. Sau này Bác mới đi tới kết luận, cán bộ là cái gốc của mọi công việc, muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém; huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng, tài năng không phải tự nhiên đến, tất nhiên không ngoại trừ yếu tố năng khiếu bẩm sinh, mà phần lớn đều phải qua đào tạo”, ông Phúc nhìn nhận.

Tránh “dùng thợ mộc làm nghề thợ rèn”

Tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp đổi mới, phát triển và bảo vệ Tổ quốc”, ông Thái Thanh Quý, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, khẳng định, công tác trọng dụng nhân tài ở nước ta thời gian qua đạt được những kết quả khả quan. Ở nhiều địa phương, trong thời gian qua, cấp ủy, chính quyền đã ban hành nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài. Trên cơ sở nghị quyết của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân đã xây dựng và ban hành quyết định, quy định về chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài. 

Hội thảo khoa học quốc gia “Hồ Chí Minh với sự nghiệp đổi mới, phát triển và bảo vệ Tổ quốc” tại điểm cầu Nghệ An
(Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh Nghệ An)


Để tiếp tục phát hiện, trọng dụng nhân tài vào sự nghiệp đổi mới, phát triển kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế, ông Quý cho rằng, cần đổi mới cách đánh giá đội ngũ trí thức, coi trọng và thường xuyên xem xét, đánh giá nhân tài để có chủ trương, giải pháp đào tạo, bồi dưỡng, phát triển và sử dụng nhân tài hợp lý. Coi trọng và thường xuyên đánh giá đúng về năng lực, phẩm chất của nhân tài để bồi dưỡng, phát triển, dùng người tài để thu hút người tài. Trong đó, người lãnh đạo và tham mưu công tác tổ chức cán bộ, công tác nhân lực phải là người tài năng, tâm huyết, không ích kỷ, hẹp hòi. Cần đánh giá đúng nhân tài để sử dụng, phát huy tốt được sở trường của mỗi nhân tài, tránh “dùng thợ mộc làm nghề thợ rèn”.

Nhằm đổi mới, sáng tạo trong thu hút và trọng dụng nhân tài, cấp ủy, nhất là người đứng đầu cấp ủy cũng cần có phương thức uyển chuyển, linh hoạt trong thu hút và trọng dụng nhân tài. Tạo môi trường và điều kiện làm việc thuận lợi để nhân tài phát huy tài năng, cống hiến cho đất nước. Trong chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài cần quan tâm đến quyền lợi vật chất, tinh thần, tạo lập môi trường minh bạch, dân chủ, trí tuệ, khách quan, thuận lợi nhất cho nhân tài làm việc.

Đặc biệt, phải có cơ chế để bảo vệ người tài, bảo vệ những người dám đổi mới, sáng tạo, tâm huyết, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Kiên quyết đấu tranh với bệnh công thần, ích kỷ, hẹp hòi, cục bộ địa phương. Bởi như lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những “căn bệnh” như kéo bè kéo cánh, dùng người thân quen, hẹp hòi là những cản trở lớn trong việc thu hút, trọng dụng nhân tài./.


Nguồn: vov.vn

VIDEO