Hồ Chí Minh - một mẫu mực của tinh thần khoan dung văn hóa

19/05/2021 16:34
  • Print
  • Lượt xem: 2367

Chủ tịch Hồ Chí Minh - một nhà văn hóa kiệt xuất bởi Người là mẫu mực của tinh thần khoan dung văn hóa, là hiện thân rực rỡ của nền văn hóa hòa bình, của đường lối ngoại giao hòa bình, đối thoại giữa các dân tộc trong giải quyết mâu thuẫn để hợp tác trong một cộng đồng thống nhất với tinh thần chủ nghĩa nhân đạo cao cả.

Ảnh: Nhà Xuất bản Thông tấn

Chủ tịch Hồ Chí Minh - người chiến sĩ cộng sản lỗi lạc của phong trào cách mạng thế giới thế kỷ XX, vị lãnh tụ thiên tài của cách mạng Việt Nam, một vĩ nhân suốt đời hoạt động và cống hiến sáng tạo cho cuộc đấu tranh vì con người, giải phóng con người khỏi sự bần cùng, áp bức, sự tha hóa. Đó cũng chính là những giá trị nhân văn cao quý trong sự nghiệp hoạt động và sáng tạo văn hóa của Người.

Chủ tịch Hồ Chí Minh được nhân loại ngợi ca là biểu tượng về sự tự khẳng định dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân chủ và tiến bộ xã hội. 

Năm 1990, UNESCO vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Anh hùng Giải phóng dân tộc - Nhà văn hóa kiệt xuất Việt Nam” vì cuộc đời và sự nghiệp của Người là tấm gương về nhân sinh quan và thế giới quan cao đẹp, ngời sáng chủ nghĩa nhân văn của dân tộc Việt Nam và các dân tộc trên toàn thế giới, kết tinh những tư tưởng và tình cảm lớn của nhân loại. 

Nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới đã khẳng định từ khi xuất hiện Hồ Chí Minh là bắt đầu một thời kỳ đấu tranh giải phóng đòi độc lập tự do của các dân tộc thuộc địa, mở ra một thời kỳ “phi thực dân hóa” trên phạm vi toàn cầu.

Trong những năm giữa thế kỷ XX,  Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt nền móng cho sự xuất hiện một loại hình văn hóa mới, đó là văn hóa sinh thái nhân văn (trước nhân loại khoảng 20 năm) bằng phong trào “Tết trồng cây” gây rừng, phủ xanh đồi trọc đất trống, thân thiện với môi trường, tạo dựng môi trường thiên nhiên tràn đầy sự sống, tạo dựng tình yêu thiên nhiên, đất nước, yêu cuộc sống cho con người.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà văn hóa kiệt xuất bởi lẽ Người là mẫu mực của tinh thần khoan dung văn hóa, là hiện thân rực rỡ của nền văn hóa hòa bình, của đường lối ngoại giao hòa bình, đối thoại giữa các dân tộc trong giải quyết mâu thuẫn để hợp tác trong một cộng đồng thống nhất với tinh thần của chủ nghĩa nhân đạo cao cả.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức đề cao công tác giáo dục con người, coi đây là chìa khóa vạn năng để đẩy lùi nghèo nàn, lạc hậu. Người từng nói: Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu và vì vậy cần phải kiên quyết đánh “giặc dốt” bên cạnh việc đánh “giặc đói” và “giặc ngoại xâm”. Bác nêu rõ: “Mọi người phải hiểu biết quyền lợi của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà, và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ. Nâng cao dân trí là nhằm phục vụ cho mục tiêu chung là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Nâng cao dân trí là để nhân dân có thể tham gia sáng tạo và hưởng thụ văn hoá, góp phần cùng Đảng biến một nước dốt nát, cực khổ thành một nước văn hoá cao và đời sống tươi vui hạnh phúc”. Từ đó mới có thể tăng cường sức mạnh văn hóa, sức mạnh nội sinh của dân tộc trong mọi tiến trình lịch sử:  “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” (Hồ Chí Minh).

Theo Bác, văn hoá không thể đứng ngoài mà phải ở trong kinh tế và chính trị, phải phục vụ nhiệm vụ chính trị và thúc đẩy sự phát triển của kinh tế. “Văn hoá ở trong chính trị” tức là văn hoá phải tham gia nhiệm vụ chính trị, tham gia cách mạng, kháng chiến và xây dựng CNXH. “Văn hoá ở trong kinh tế” tức là văn hoá phải phục vụ, thúc đẩy xây dựng và phát triển kinh tế. “Văn hoá ở trong kinh tế và chính trị” cũng có nghĩa là chính trị và kinh tế phải có tính văn hoá.

Vận dụng sáng tạo quan điểm lý luận của chủ nghĩa Marx-Lenin vào thực tiễn nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu 5 nội dung tổng quát của nền văn hoá Việt Nam mới  cần phải xây dựng gồm: Xây dựng tâm lý - tinh thần độc lập tự cường; xây dựng luân lý - biết hy sinh mình, làm lợi cho quần chúng; xây dựng xã hội - mọi sự nghiệp liên quan đến phúc lợi của nhân dân trong xã hội; xây dựng chính trị - dân quyền; xây dựng kinh tế.       

Nền văn hóa mới ở đây thực chất là “đời sống mới”. Cho nên xây dựng “đời sống mới” là một quan điểm độc đáo của Hồ Chí Minh về văn hoá. Năm 1947, với bút danh “Tân Sinh”, Bác Hồ đã viết tác phẩm “Đời sống mới” nêu rõ đời sống mới bao gồm cả đạo đức mới, lối sống mới, nếp sống mới. Các lĩnh vực này có mối quan hệ gắn bó với nhau, trong đó đạo đức đóng vai trò nòng cốt chủ yếu.

Trong thời kỳ đổi mới, giao lưu hội nhập quốc tế hiện nay, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa, Đảng và Nhà nước ta đã đưa ra đường lối xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; coi văn hóa, con người là sức mạnh nội sinh, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Đảng ta cũng đã xác định xây dựng văn hóa là một sự nghiệp cách mạng lâu dài, đòi hỏi phải có ý chí, sự kiên trì, thận trọng và quyết tâm cao độ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Song trước hết, sự nghiệp đó phải được bắt đầu từ mỗi con người, mỗi gia đình với tư cách là “tế bào của xã hội”, từ đó xuất hiện hàng triệu tế bào sạch trong sinh thể văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Giữa những ngày tháng Năm lịch sử năm 2021, kỷ niệm lần thứ 131 Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, thấm nhuần sâu sắc tư tưởng của Người về sức mạnh đặc biệt của văn hóa, con người trong sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, mỗi chúng ta cần tiếp tục trau dồi, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng và năng lực công tác, không ngừng nâng cao nhận thức về sự nghiệp đổi mới đất nước, xây dựng và củng cố vững chắc khối đại đoàn kết dân tộc, quyết tâm vượt qua những thách thức mới của lịch sử.

Mỗi người dân Việt Nam hãy quyết tâm xứng đáng là một chiến sĩ dũng cảm, tích cực tham gia “chống dịch” như “chống giặc”. Mỗi làng xã, quận, huyện, thị, cơ quan, đơn vị, ban ngành, mỗi địa phương phải là một pháo đài thép, quyết tâm đánh lui giặc COVID-19, giữ gìn môi trường sinh thái nhân văn của đất nước, bảo vệ sự bình yên của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân, góp phần bảo vệ hòa bình thế giới, vì sự phát triển của nhân loại.

PGS. TS. Nguyễn Toàn Thắng, Giảng viên cao cấp, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh


Nguồn: baochinhphu.vn

VIDEO