Đoàn Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng làm việc tại tỉnh Thanh Hóa

10/05/2019 10:19

Để chuẩn bị xây dựng các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, ngày 23/3, Đoàn Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng do đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Thường trực Tiểu ban Văn kiện, làm trưởng đoàn đã làm việc tại Thanh Hóa để khảo sát về thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước năm 2011; tình hình thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 và một số chủ trương, chính sách đổi mới của Đảng, Nhà nước.

Toàn cảnh buổi làm việc

Tham gia đoàn công tác có các đồng chí nguyên Ủy viên Trung ương Đảng: Phùng Hữu Phú, nguyên Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng lý luận Trung ương; Tạ Ngọc Tấn, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương; Vũ Văn Hiền, nguyên Tổng giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương; cùng các đồng chí thành viên Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

Làm việc với đoàn, về phía tỉnh Thanh Hóa có các đồng chí:Trịnh Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đỗ Trọng Hưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Đình Xứng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các đồng chí Phó Chủ tịch HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành cấp tỉnh.

Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đã trình bày báo cáo tóm tắt về thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước năm 2011; tình hình thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 và một số chủ trương, chính sách đổi mới của Đảng, Nhà nước. Theo đó, ngay sau khi Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước (bổ sung, phát triển năm 2011), Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức học tập, quán triệt, triển khai thực hiện sâu rộng trong toàn Đảng bộ, đến tất cả các cấp, các ngành và tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Thông qua việc tổ chức học tập các nghị quyết của Đảng, các cấp ủy tiếp tục tuyên truyền về những định hướng lớn trong Cương lĩnh, để các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên nhận thức sâu sắc về định hướng xây dựng đất nước, có những chủ trương, giải pháp, hành động cụ thể để tổ chức thực hiện Cương lĩnh ở từng địa phương, đơn vị. Đại đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh đã nhận thức đúng đắn và sâu sắc hơn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; về xây dựng nền văn hóa, con người Việt Nam; về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; về vị trí, vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong tình hình hiện nay…

Về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trên cơ sở định hướng nêu trong Cương lĩnh và các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nuớc về phát triển nền kinh tế thị trường, Thanh Hóađã tập trung thể chế hóa thành các chủ trương, cơ chế, chính sách để tổ chức thực hiện. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra 5 chuơng trình trọng tâm và 4 khâu đột phá để tập trung thực hiện trong nhiệm kỳ 2015-2020. Từ việc vận dụng, thực hiện nghiêm túc, sáng tạo, hiệu quả các định hướng lớn trong Cương lĩnh xây dựng đất nước năm 2011 đã tạo sự chuyến biến mạnh mẽ và đạt kết quả toàn diện về kinh tế -xã hội trên địa bàn tỉnh. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2011- 2020 ước tăng 10,8% (giai đoạn 2011-2015 tăng 8,1%, giai đoạn 2016-2020 tăng 13,6%). Cơ cấu các ngành kinh tế trong GRDP chuyển dịch theo hướng tích cực. Quy mô kinh tế của tỉnh năm 2020 ước đạt 140.432 tỷ đồng, gấp 2,8 lần năm 2010. GRDP bình quân đầu người năm 2018 đạt 1.990 USD; năm 2020 ước đạt 3.000 USD/người, gấp 3,7 lần năm 2010… Hết năm 2018, toàn tỉnh có 2 huyện, 284 xã và 730 thôn, bản dạt chuẩn nông thôn mới (bình quân đạt 16 tiêu chí/xã), tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 49,9%. Đã rà soát, đánh giá và xây dụng kế hoạch phát triển sản phẩm OCOP gồm: 19 sản phẩm chủ lực và 58 sản phẩm lợi thế. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều chuyến biến tiến bộ, an sinh xã hội đuợc chăm lo, đời sống nhân dân được cải thiện. Quốc phòng - an ninh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đã triển khai thực hiện kịp thời, nghiêm túc sáng tạo các Nghị quyết của Trung ương Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 ( khóa XI, khóa XII) về tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng gắn với Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị; Nghị quyết 18, Nghị quyết 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị (khóa XII) đạt kết quả bước đầu; năng lực lãnh đạo chỉ đạo, quản lý điều hành của cấp ủy đảng, chính quyền được nâng lên, hoạt động của MTTQ và các đoàn thể hiệu quả hơn; khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố, nhân dân đồng thuận, tin tưởng vào sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, điều hành của chính quyền các cấp.

Tại buổi làm việc, tỉnh Thanh Hóa có 6 đề xuất, kiến nghị gồm: Đề nghị Trung ương xem xét, ban hành chính sách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu ứng dụng các công nghệ hiện đại từ Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; Nghiên cứu, ban hành chính sách phát triển một số ngành công nghiệp, như: công nghệ thông tin và viễn thông, công nghiệp điện tử ở trình độ tiên tiến của thế giới, nhằm tạo nền tảng công nghệ số cho các ngành công nghiệp khác, như công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, năng lượng thông minh, công nghiệp chế biến, chế tạo, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế; Sớm ban hành chính sách đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng logistics; Tăng nguồn hỗ trợ đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng trong Khu kinh tế Nghi Sơn, nhất là hệ thống cảng biển, tạo thuận lợi cho việc thu hút đầu tư; đồng thời có chính sách đặc thù đối với Khu kinh tế; Tăng nguồn hỗ trợ đầu tư, nâng cấp hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh, nhất là đầu tư nâng cấp Cảng hàng không Thọ Xuân, tạo điều kiện cho tỉnh phát triển; Xem xét tăng số lượng Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cho Thanh Hóa, để thuận lợi cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chung của tỉnh; Xem xét quy định số lượng cấp phó các sở, cơ quan ngang sở trực thuộc UBND tỉnh, trong đó có tính đến các yếu tố về diện tích, dân số, số lượng đơn vị hành chính cấp huyện, số lượng đơn vị hành chính cấp xã.

Các thành viên Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã tập trung phân tích những lợi thế, cách làm hay của tỉnh Thanh Hóa trong quá trình thực hiện. Những giải pháp trong cụ thể hóa thực hiện các Nghị quyết của Trung ương. Đồng thời chỉ ra một số hạn chế trong việc thực hiện Cương lĩnh năm 2011.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trịnh Văn Chiến trân trọng cám ơn đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Thường trực Tiểu ban Văn kiện và các thành viên Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã có đánh giá tốt về Thanh Hóa, nhất là những bứt phá của tỉnh từ 2010 đến nay. Điều này thể hiện sự thay đổi của Thanh Hóa trong phát triển kinh tế - xã hội, trong đó tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn liên tục tăng, năm sau cao hơn năm trước. Thông qua những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Thanh Hóa đã rút ra 5 vấn đề để tiếp tục tập trung chỉ đạo gồm: Thứ nhất là vận dụng sáng tạo đường hướng Cương lĩnh, Nghị quyết của Trung ương Đảng vào thực tế của địa phương, xây dựng các chương trình, tìm khâu đột phá trong từng lĩnh vực. Thứ hai là giải quyết các vấn đề về thể chế và tiếp tục hoàn chỉnh thể chế theo hướng đầy đủ, thống nhất xuyên suốt đến tận cơ sở. Thứ ba là tiếp tục quan tâm đến nguồn nhân lực, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ năng lực, quyết liệt dám chịu trách nhiệm, dám làm và đặt biệt là sâu sát đối với công việc. Thứ tư là tập trung cao để huy động mọi nguồn lực cho phát triển, phát huy nội lực, ngoại lực; xây dựng ý thức cho nhân dân tôn trọng pháp luật. Thứ năm là tăng cường kiểm tra giám sát và xử lý kỷ luật nghiêm các trường hợp vi phạm. Trong thời gian tới tỉnh sẽ tổ chức tổng kết các mô hình tạo sự tăng trưởng lớn để thúc đẩy cho Thanh Hóa phát triển theo tinh thần “Đường hướng rõ, cán bộ quyết tâm dám làm, dám chịu trách nhiệm và dự án thúc đẩy tạo động lực phát triển”.

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Thường trực Tiểu ban Văn kiện nhấn mạnh: Thanh Hóa đã vận dụng nghiêm túc, sáng tạo những định hướng lớn nêu trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và đã đạt được kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ và tổ chức bộ máy đã có chuyển biến tích cực. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đoàn kết, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển toàn diện trên các lĩnh vực. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng có những tiến bộ, đã xử lý được nhiều điểm nóng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Công tác xây dựng kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa đã có những kết quả đáng ghi nhận. Việc thực hiện các Nghị quyết của Trung ương với quyết tâm cao, từng bước sát với tình hình thực tế địa phương; tăng trưởng kinh tế năm sau cao hơn năm trước, thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng…Quốc phòng, an ninh được tăng cường. Giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Có được kết quả trên phải khẳng định: Tỉnh Thanh Hóa đã bám sát Nghị quyết, chỉ đạo của Trung ương, của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ để thực hiện; sự nỗ lực rất lớn của các đồng chí lãnh đạo tỉnh và cấp ủy chính quyền, nhân dân các cấp; có sự đóng góp giúp đỡ, phối hợp của các bộ, ban, ngành Trung ương.

Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Thường trực Tiểu ban Văn kiện cũng chỉ rõ hạn chế trong triển khai thực hiện Cương lĩnh và Nghị quyết Đại hội XII của Đảng là: Năng lực lãnh đạo của một số tổ chức cơ sở đảng còn hạn chế. Hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền chưa cao…

Đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính cũng gợi mở những tư duy mới, những cách làm mới để Thanh Hóa phát triển nhanh và bền vững trong những năm tới. Trong đó, Thanh Hóa cần tự tực, tự cường, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, khát vọng vươn lên hơn nữa, không trông chờ ỷ lại. Quan tâm phát huy tiềm năng thế mạnh, dựa vào ba trụ cột chính là: con người, thiên nhiên và truyền thống văn hóa lịch sử. Làm tốt công tác quy hoạch, công tác chiến lược, xác định lại vị thế của tỉnh trong hội nhập quốc tế để tìm ra cơ hội, lợi thế cạnh tranh và tiềm năng khác biệt để phát triển. Quan tâm hơn nữa đến công tác xây dựng Đảng, tư tưởng đạo đức chính trị; coi công tác cán bộ thực sự là then chốt của then chốt, chăm lo đội ngũ cán bộ đủ ba độ tuổi, chú ý cơ cấu trẻ, cơ cấu nữ và cơ cấu người dân tộc; chú ý cơ cấu người đứng đầu. Coi trọng công tác hệ thống chính trị cơ sở, tổ chức cán bộ về cơ sở. Tăng cường giữ vững quốc phòng – an ninh, trật tự an toàn xã hội; xây dựng thế trận lòng dân vững chắc; xây dựng hệ thóng phòng thủ cấp huyện, cấp tỉnh vững mạnh.

Về những đề xuất kiến nghị của tỉnh Thanh Hóa, đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính ghi nhận và sẽ báo cáo Tiểu ban Văn kiện. Đồng thời đề nghị tỉnh Thanh Hóa cần tiếp thu các ý kiến của các thành viên Tiểu ban Văn kiện hoàn chỉnh báo cáo; nghiên cứu tổ chức tổng kết những cách làm hay, đổi mới sáng tạo như: Chương trình xây dựng nông thôn mới; xây dựng hệ thống chính trị; phát triển khu kinh tế Nghi Sơn… để đánh giá, rút kinh nghiệm và nhân rộng.

Trong chương trình công tác, đồng chí Trịnh Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cùng Đoàn Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đi khảo sát tại Cảng hàng không Thọ Xuân; Cảng quốc tế Nghi Sơn; Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn; Ban quản lý Nghi Sơn và các khu công nghiệp.

Nguồn: baothanhhoa.vn

VIDEO