Chương trình hành động nhằm tổ chức thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 21-NQ/TW và Kế hoạch số 07-KH/TW, trong đó xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để Chính phủ và các bộ, ngành và địa phương tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện.
Tiếp tục thể chế hóa nội dung của Nghị quyết số 21-NQ/TW về rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, bảo đảm sự ổn định, thống nhất, tạo thuận lợi cho hoạt động của các tổ chức cơ sở đảng; nhất là các văn bản quy phạm pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức và quy định về chế độ, chính sách ở cấp cơ sở có liên quan đến nội dung Nghị quyết.
Bảo đảm đồng bộ, gắn kết chặt chẽ việc thực hiện Chương trình hành động này với thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Trung ương về xây dựng đội ngũ cán bộ và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đồng thời gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Kết luận số 01-KL/TW ngày 18 tháng 5 năm 2021 của Bộ Chính trị.
5 nhiệm vụ, giải phápCác Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ, giải pháp sau đây:
Thứ nhất, tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW và Kế hoạch số 07-KH/TW.
Thứ hai, củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cơ quan, tổ chức, đơn vị cơ sở. Trong đó, tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị để làm cơ sở kiện toàn đồng bộ với tổ chức cơ sở đảng.
Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị để làm cơ sở kiện toàn đồng bộ với tổ chức cơ sở đảng. Nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện và thực hiện các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm và mối quan hệ công tác của tổ chức chính quyền cơ sở đồng bộ với tổ chức cơ sở đảng, bảo đảm phù hợp với thực tế và yêu cầu nhiệm vụ mới.
Đổi mới nội dung, phương thức, phong cách lãnh đạo, lề lối làm việc, nâng cao tinh thần trách nhiệm, năng lực của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị ở cơ sở; thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, giữ vững kỷ luật, kỷ cương, đoàn kết. Kịp thời cụ thể hoá chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước phù hợp với tình hình thực tiễn và nhiệm vụ chính trị của cơ quan, tổ chức, đơn vị, giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh.
Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị, khắc phục tình trạng hình thức trong đánh giá, xếp loại. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải chịu trách nhiệm về kết quả đánh giá, xếp loại hằng năm và thông báo công khai theo Quy chế dân chủ ở cơ sở.
Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây dựng hệ thống chính trị; quán triệt, tập trung làm tốt, đầy đủ nội dung học tập, làm theo và nêu gương của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu và cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu phải gương mẫu, nêu cao trách nhiệm đối với công tác xây dựng Đảng ở đảng bộ, chi bộ nơi mình sinh hoạt; chịu trách nhiệm khi tổ chức đảng nơi mình đang sinh hoạt yếu kém, xảy ra tham nhũng, tiêu cực.
Thực hiện chủ trương bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch hội đồng nhân dân; bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch Ủy ban nhân dân ở những nơi có điều kiện; bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khóm, ấp, tổ dân phố hoặc trưởng ban công tác mặt trận; bí thư cấp ủy đồng thời là thủ trưởng cơ quan, đơn vị phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và thực tiễn ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị.
Thứ ba, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị và chuyên môn cho cán bộ, công chức, viên chức. Tạo môi trường thuận lợi, giáo dục, bồi dưỡng để cán bộ, công chức, viên chức là quần chúng giác ngộ lý tưởng, có động cơ trong sáng, rèn luyện, phấn đấu vào Đảng.
Đổi mới công tác đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức để làm cơ sở đánh giá, xếp loại chất lượng đảng viên; khắc phục triệt để tình trạng nể nang, né tránh trong kiểm điểm tự phê bình và phê bình, đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; phát hiện, khen thưởng, nhân rộng những tấm gương cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức xuất sắc, tiêu biểu trên các lĩnh vực; kịp thời nhắc nhở, giáo dục đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ hoặc khi có khuyết điểm, vi phạm…
Quan tâm công tác quy hoạch, tạo nguồn, xây dựng cán bộ cơ sở, đưa cán bộ cấp trên, cán bộ trẻ về làm việc tại xã, phường, thị trấn. Chú trọng quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là cán bộ trẻ để tạo nguồn tham gia cấp ủy; gắn kết chặt chẽ giữa quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý cơ quan, đơn vị với quy hoạch cấp ủy, bí thư cấp ủy.
Thứ tư, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức vi phạm.
Thứ năm, phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Thực hiện thường xuyên, nghiêm túc công tác thanh tra, kiểm tra việc thực thi nhiệm vụ, công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là những lĩnh vực liên quan đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của nhân dân và lĩnh vực nhạy cảm dễ xảy ra sai phạm để chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những hành vi tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp.
Anh Cao