Cảm nhận về bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội

17/09/2021 12:50
  • Print
  • Lượt xem: 10337

Trong bài viết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phân tích và so sánh những điểm mạnh và điểm yếu của một số nước tư bản tiên tiến để vận dụng những cái mạnh và tránh cái yếu, từ đó định hướng con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong bối cảnh thực tiễn dưới sự tác động của đại dịch Covid-19 và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Cách mạng công nghiệp 4.0 là trí tuệ nhân tạo, vạn vật kết nối và dữ liệu lớn. (Ảnh minh họa: KT/quanlynhanuoc.vn)

Trải qua một thời gian được lưu học và rèn luyện tư tưởng chủ nghĩa xã hội trên nền tảng học thuyết Mác - Lê-nin trong bối cảnh thực tiễn của Việt Nam cũng như ở Lào, tôi đã thấm nhuần sâu sắc về quan điểm và tư tưởng chủ nghĩa xã hội.

Với tư cách một người ham học và nghiên cứu tất cả các lĩnh vực khoa học, văn hóa, kinh tế và xã hội, trong thời gian làm đại biểu Quốc hội khóa VII và khóa VIII, tôi thường xuyên theo dõi và ghi chép những bài phát biểu và lập luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đặc biệt là bài viết Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Qua bài viết này, tôi có cảm nhận về Tổng Bí thư là một nhà lý luận - lập luận, nhà triết lý, nhà lãnh đạo thiên tài của sự đổi mới rất thực tiễn của Việt Nam... Từ góc nhìn thực tiễn về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam bài viết đã tập trung trả lời mấy câu hỏi: “Chủ nghĩa xã hội là gì? Vì sao Việt Nam lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa? Làm thế nào và bằng cách nào để từng bước xây dựng được chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam? Thực tiễn công cuộc đổi mới, đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong thời gian qua có ý nghĩa gì và đặt ra vấn đề gì?”.

Tổng Bí thư đã nhìn nhận thực tiễn các giai đoạn lịch sử cách mạng chủ nghĩa xã hội từ xưa đến nay “... chủ nghĩa xã hội thường được hiểu với ba tư cách: chủ nghĩa xã hội là một học thuyết; chủ nghĩa xã hội là một phong trào; chủ nghĩa xã hội là một chế độ. Mỗi tư cách ấy lại có nhiều biểu hiện khác nhau, tùy theo thế giới quan và trình độ phát triển ở mỗi giai đoạn lịch sử cụ thể. Chủ nghĩa xã hội đề cập ở đây là chủ nghĩa xã hội khoa học dựa trên học thuyết Mác - Lê-nin trong thời đại ngày nay”.

Chính sự nhìn nhận và phân tích sâu sắc đó, Tổng Bí thư đặt ra câu hỏi để định hướng cho Việt Nam như: “Vậy thì chúng ta phải định hình chủ nghĩa xã hội thế nào, và định hướng đi lên chủ nghĩa xã hội thế nào cho phù hợp với hoàn cảnh, đặc điểm cụ thể ở Việt Nam?”. Điều này xuất phát từ thực tiễn lịch sử sau sự sụp đổ của Liên Xô và hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, làm cho hàng ngũ cách mạng chủ nghĩa xã hội bi quan, dao động, nghi ngờ, đôi khi một số nước còn đi lạc hướng do sự xuyên tạc và chống phá của lực lượng thù địch.

Trong bài viết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phân tích và so sánh những điểm mạnh và điểm yếu của một số nước tư bản tiên tiến để vận dụng những cái mạnh và tránh cái yếu, từ đó định hướng con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong bối cảnh thực tiễn dưới sự tác động của đại dịch Covid-19 và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Cuộc khủng hoảng nhiều mặt cả về y tế, xã hội lẫn chính trị, kinh tế đang diễn ra trên toàn cầu, và ảnh hưởng, tác động tới tình hình phát triển kinh tế, tài chính và xã hội của Việt Nam và Lào. Thể chế chính trị tư bản chủ nghĩa thực tế là các thiết chế dân chủ theo công thức “dân chủ tự do” mà phương Tây ra sức quảng bá, áp đặt lên toàn thế giới, không bảo đảm quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân - yếu tố bản chất nhất của dân chủ nhưng đã làm cho một số hàng ngũ lãnh đạo nghi ngờ, dao động và lung lay “Việt Nam sẽ tiến lên con đường chủ nghĩa xã hội theo con đường nào?”.

Tổng Bí thư đã chỉ rõ: “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, “cá lớn nuốt cá bé” vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm”. Đây chính là chân lý mà mọi người dân đã và đang mong ước như Tổng Bí thư đã trích dẫn “... những mong ước tốt đẹp đó chính là những giá trị đích thực của chủ nghĩa xã hội và cũng chính là mục tiêu, là con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và nhân dân ta đã lựa chọn và đang kiên định, kiên trì theo đuổi”.

Tổng Bí thư đã giải thích rất chính xác và thực tiễn về con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam: “Nói bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa là bỏ qua chế độ áp bức, bất công, bóc lột tư bản chủ nghĩa; bỏ qua những thói hư tật xấu, những thiết chế, thể chế chính trị không phù hợp với chế độ xã hội chủ nghĩa, chứ không phải bỏ qua cả những thành tựu, giá trị văn minh mà nhân loại đã đạt được trong thời kỳ phát triển chủ nghĩa tư bản. Đương nhiên, việc kế thừa những thành tựu này phải có chọn lọc trên quan điểm khoa học, phát triển”. Đây chính là một tư duy có lập luận và lý luận rất độc đáo, sáng tạo, một quan điểm và cách nhìn nhận mới, sự suy luận rất logic của một nhà lãnh đạo thiên tài.

Tổng Bí thư đã kiên định con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam, coi đó là điều thiết yếu, là lý tưởng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam trong tình hình hiện tại và tương lai.

Tổng Bí thư đã có quan điểm và cách nhìn nhận rất thực tiễn về kinh tế thị trường “... một kiểu kinh tế thị trường mới trong lịch sử phát triển của kinh tế thị trường; một kiểu tổ chức kinh tế vừa tuân theo những quy luật của kinh tế thị trường vừa dựa trên cơ sở và được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và bản chất của chủ nghĩa xã hội, thể hiện trên cả ba mặt: Sở hữu, tổ chức quản lý và phân phối. Đây không phải là nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa và cũng chưa phải là nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa đầy đủ (vì nước ta còn đang trong thời kỳ quá độ). Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh. Trong đó, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố và phát triển; kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội”.

Kết luận rất có ý nghĩa của Tổng Bí thư cho các thế hệ lãnh đạo kế thừa ở đây là “Chúng ta cần tiếp thu, bổ sung một cách có chọn lọc trên tinh thần phê phán và sáng tạo những thành tựu mới nhất về tư tưởng và khoa học để chủ nghĩa, học thuyết của chúng ta luôn luôn tươi mới, luôn luôn được tiếp thêm sinh lực mới, mang hơi thở của thời đại, không rơi vào xơ cứng, trì trệ, lạc hậu so với cuộc sống”.

Bài viết Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có giá trị đặc biệt quan trọng về quan điểm, cách nhìn nhận và phân tích về chủ nghĩa xã hội cho các nhà nghiên cứu về chính trị trên toàn thế giới. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tôi tin chắc rằng: Đảng, Chính phủ và Nhân dân Việt Nam sẽ thành công trong công cuộc cách mạng theo con đường xã hội chủ nghĩa.

Phó Giáo sư VILAYSOUK PHIMMASONE - Đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào khóa VII, VII

Nguồn: nhandan.vn

VIDEO