Bộ Nội vụ tuyên truyền Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2023 và Lễ kỷ niệm 20 năm thực hiện Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể

27/04/2023 09:54

Ngày 21/4, Ban Cán sự đảng Bộ Nội vụ ban hành Công văn số 588-CV/BCSĐ về việc thực hiện Hướng dẫn số 100-HD/BTGTW ngày 17/4/2023 tuyên truyền Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2023 và Lễ kỷ niệm 20 năm thực hiện Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể.

Theo đó, Ban Cán sự đảng Bộ Nội vụ đề nghị Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ phổ biến, tuyên truyền Hướng dẫn số 100-HD/BTGTW nêu trên đối với các tổ chức đảng thuộc, trực thuộc Đảng bộ Bộ.

Thủ trưởng các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ phối hợp chặt chẽ với cấp ủy cùng cấp, tuyên truyền, quán triệt Hướng dẫn số 100-HD/BTGTW đến công chức, viên chức và người lao động thuộc phạm vi quản lý; các hoạt động tuyên truyền, kỷ niệm bảo đảm ý nghĩa, thiết thực, phù hợp với điều kiện của từng đơn vị.

Trung tâm Thông tin, Tạp chí Tổ chức nhà nước bám sát Hướng dẫn số 100-HD/BTGTW để triển khai các hoạt động tuyên truyền Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2023 và Lễ kỷ niệm 20 năm thực hiện Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể; chú trọng khai thác các tuyến tin, bài, xã luận… với nội dung phong phú, sinh động, có chất lượng tuyên truyền về Lễ hội Đền Hùng năm 2023.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Đền Thượng trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh. Ảnh: Vietnamnet.

* Hướng dẫn số 100-HD/BTGTW, mục đích nhằm tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về ý nghĩa đặc biệt và nhân văn của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, công lao của các Vua Hùng và các bậc tiền nhân trong lịch sử dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm của dân tộc; qua đó nâng cao nhận thức của toàn xã hội về truyền thống văn hiến, yêu nước, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, lòng tự hào về cội nguồn của dân tộc Việt Nam.

Đồng thời, thông qua các hoạt động tuyên truyền, kỷ niệm nhằm khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc; tạo sự thống nhất cao trong Đảng, sự đồng thuận xã hội đối với công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; cổ vũ các tầng lớp Nhân dân chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc; đồng thời, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đại diện của nhân loại được UNESCO ghi danh, tạo sự hấp dẫn, thu hút khách du lịch, quảng bá hình ảnh quốc gia.

Bên cạnh đó, các hoạt động tuyên truyền, kỷ niệm phải đảm bảo trang trọng, thiết thực, hiệu quả, đúng các quy định hiện hành; mang ý nghĩa tuyên truyền, giáo dục sâu sắc với nhiều nội dung và hình thức mới, có sức lan tỏa sâu rộng, thu hút đông đảo sự quan tâm của các tầng lớp Nhân dân trong nước, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè, khách du lịch quốc tế; gắn với tuyên truyền kỷ niệm 48 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Ngày Quốc tế Lao động 1/5, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, thi đua yêu nước trong các tầng lớp Nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong năm 2023.

“Văn hóa là bản sắc của một dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất”

Hướng dẫn số 100-HD/BTGTW của Ban Tuyên giáo Trung ương cũng đề ra 5 nội dung tuyên truyền. Cụ thể:

Thứ nhất, mục đích, ý nghĩa, quy mô của Giỗ Tổ Hùng Vương, Lễ hội Đền Hùng năm 2023 và Lễ kỷ niệm 20 năm thực hiện Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể; khẳng định truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam; tưởng nhớ, tri ân và biết ơn sâu sắc các Vua Hùng và các bậc tiền nhân trong lịch sử dân tộc đã có công lao, đóng góp to lớn trong công cuộc đấu tranh, dựng xây và phát triển đất nước. 

Thứ hai, các giá trị truyền thống, lịch sử, văn hóa của đất nước và con người Việt Nam được vun đắp, hình thành từ thời đại Hùng Vương đến thời đại Hồ Chí Minh; tập trung nêu bật những kết quả trong việc kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam qua hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, gắn với tuyên truyền những nội dung cốt lõi trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về xây dựng, phát triển văn hóa và con người Việt Nam và Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 với quan điểm xuyên suốt “Văn hóa là bản sắc của một dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất”.

Thứ ba, tư tưởng đại đoàn kết dân tộc, vai trò của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; khẳng định đại đoàn kết toàn dân tộc là cội nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu của cách mạng Việt Nam; các dân tộc trong cộng đồng người Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau vượt qua khó khăn, thách thức phát triển kinh tế - xã hội, cùng với kiều bào ở nước ngoài hướng về cội nguồn, chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Thứ tư, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, đất nước con người Việt Nam; tôn vinh các giá trị văn hóa đại diện của nhân loại được UNESCO ghi danh, trong đó có “Hát Xoan Phú Thọ”, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” và các giá trị di sản văn hóa Việt Nam nói chung, di sản văn hóa Đất Tổ nói riêng đến đông đảo cán bộ, đảng viên, các tầng lớp Nhân dân trong nước, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè, du khách quốc tế. Kết quả thực hiện công tác quản lý Nhà nước về di sản văn hóa phi vật thể, hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam ở các cấp, các ngành và trong đời sống xã hội.

Thứ năm, phản ánh không khí, diễn biến của các hoạt động, sự kiện diễn ra tại Lễ hội Đền Hùng, Lễ kỷ niệm 20 năm thực hiện Công ước 2003 của UNESCO, Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm 2023 tại tỉnh Phú Thọ, các hoạt động tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương diễn ra trên khắp mọi miền của Tổ quốc và những nơi kiều bào Việt Nam sinh sống tại nước ngoài.


Anh Cao

VIDEO