Tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bản Tuyên ngôn Độc lập

01/09/2021 15:53
  • Print
  • Lượt xem: 3925

Những ngày cuối tháng Tám năm 1945 là thời khắc lịch sử trọng đại của dân tộc Việt Nam, chính quyền cách mạng đã được thành lập trên cả nước. Chiều ngày 23/8/1945, lần đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt chân trên đất Hà Nội sau chặng đường dài từ Pác Bó (Cao Bằng) rồi xuôi xuống Tân Trào - Việt Bắc, rồi qua một con đò sông Hồng ở bến Phú Xá. Tối hôm đó, Người nghỉ ở nhà ông Công Ngọc Kha, một cơ sở cách mạng ở làng Gạ (nay là làng Phú Gia, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội). Vẻ phong sương sau trận ốm nặng giữa những ngày khẩn trương cho cuộc Tổng khởi nghĩa, vóc hạc của Chủ tịch Hồ Chí Minh lại phải gánh hàng núi công việc ken dày.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình, ngày 02/9/1945. Ảnh: TL

Việc nào cũng quan trọng, việc nào cũng khẩn cấp. Song có một công việc mang tính chất then chốt của then chốt, bởi nó sẽ đóng lại thời cũ và mở ra thời mới; mặt khác, hình thức biểu đạt của nó phải là một văn bản tuyên bố cho Nhân dân cả nước và thế giới biết Việt Nam đã chính thức là một quốc gia độc lập, có chủ quyền. Đó chính là bản Tuyên ngôn Độc lập mà Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc tại cuộc mít tinh ở Vườn hoa Ba Đình, Hà Nội chiều ngày 02/9/1945, trịnh trọng khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tự tay soạn thảo văn bản đặc biệt này. Viết xong bản thảo, Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn tham khảo ý kiến của một số người. Ngày 29/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi một tấm danh thiếp mời ngài Archimedes L.A.Patti đến gặp mình trước 12 giờ trưa tại nhà số 48 phố Hàng Ngang, Hà Nội. Lúc này L.A.Patti là Trưởng phòng Đông Dương của cơ quan tình báo chiến lược OSS của Mỹ ở Hoa Nam (Trung Quốc) đang có mặt tại Hà Nội. Đây là một tổ chức của Mỹ ủng hộ, giúp đỡ lực lượng Việt Minh chống phát xít Nhật. Sau khi biết nội dung bản thảo, L.A.Patti rất ngạc nhiên và thích thú khi thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa vào bản thảo một số câu trong bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ, thổi vào đó ý nghĩa mới với thủ pháp đảo trật tự và thay thế một số từ.

Ngày 30/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời một số người thân cận đến góp ý kiến vào bản thảo. Tại cuộc gặp gỡ này, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rằng, trong cuộc đời mình, đã viết nhiều, nhưng chưa bao giờ được viết một bản Tuyên ngôn Độc lập với tâm trạng mừng vui đến thế!

Bản Tuyên ngôn Độc lập được viết súc tích, khoảng 1.000 chữ, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh, qua những nội dung chủ yếu sau:

Đặt sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào quyền chính đáng chung của các dân tộc trên thế giới

Chủ tịch Hồ Chí Minh có sự hiểu biết sâu sắc về nước Mỹ và nước Pháp. Người hiểu rõ giá trị của Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ năm 1776 và dẫn ý: “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”(1). Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng rất hiểu những giá trị của bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp năm 1791, rồi dẫn: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”(2). Dẫn ra những nội dung đó của hai bản Tuyên ngôn, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho đó là “bất hủ”(3), là “những lẽ phải không ai chối cãi được”(4). Từ đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh suy ra những quyền chính đáng của dân tộc Việt Nam: “Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”(5).

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định tính chính nghĩa của Nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập và lập nên chế độ chính trị mới; tố cáo việc thực dân Pháp “lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta” là những hành động “trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa”. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định đối tượng cách mạng Việt Nam cần đánh đổ để thiết lập chính quyền cách mạng vào mùa Thu năm 1945 là phát xít Nhật và chế độ quân chủ phong kiến. Khẳng định như vậy, tức là Người muốn nhấn mạnh sự thật là Nhân dân ta lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật chứ không phải từ tay Pháp, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhận định trên đây của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bản Tuyên ngôn Độc lập có thể là nhằm hai ý: 

Một là, có ý ngăn ngừa chiến tranh sắp tới vì Chủ tịch Hồ Chí Minh biết rằng, thực dân Pháp hoàn toàn không có quyền hành gì ở Việt Nam nữa, nhưng chúng lại đang rắp tâm tái chiếm Việt Nam. Đầu tháng 9/1945, theo sự phân công quốc tế, quân Đồng Minh vào Việt Nam để làm nhiệm vụ giải giáp quân đội Nhật. Từ bắc vĩ tuyến 16 trở lên, quân Trung Hoa dân quốc (Tưởng Giới Thạch) và từ nam vĩ tuyến 16 trở xuống, quân Anh kéo vào. Đáng chú ý là quân Anh ủng hộ thực dân Pháp, làm bức che cho quân Pháp kéo vào Nam Bộ để tái chiếm Việt Nam. Do vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi quốc dân, đăng báo Cứu quốc số 36, ngày 05/9/1945, nêu rằng: nhân dân Việt Nam hoan nghênh quân Đồng Minh kéo vào Việt Nam để tước khí giới quân Nhật, nhưng cương quyết phản đối quân Pháp kéo vào Việt Nam, vì mục đích của họ chỉ là kìm hãm dân tộc Việt Nam vào vòng nô lệ một lần nữa.

Do thấy trước được điều đó, nên ngay trong bản Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố: “Chúng tôi - Lâm thời Chính phủ của nước Việt Nam mới - đại biểu cho toàn dân Việt Nam, tuyên bố thoát ly hẳn quan hệ thực dân với Pháp, xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt Nam, xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam. Toàn dân Việt Nam, trên dưới một lòng quyết liệt chống lại âm mưu của bọn thực dân Pháp(6). Với bản Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt cơ sở pháp lý-lịch sử cho việc đấu tranh ngăn ngừa sự tái chiếm của thực dân Pháp.

Hai là, khẳng định cuộc đấu tranh giành độc lập của Nhân dân Việt Nam và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là kết quả của cuộc đấu tranh “gan góc đứng về phe Đồng Minh chống phát xít”(7). Như vậy, cuộc đấu tranh của Nhân dân Việt Nam càng thể hiện tính chính nghĩa, tiến bộ, góp phần cùng nhân dân thế giới tiêu diệt chủ nghĩa phát xít.

Đây là một lôgíc tất yếu, điều gì đến phải đến, xứng đáng với mọi cố gắng của Nhân dân Việt Nam anh dũng đấu tranh giành độc lập dân tộc. Điều này được ghi trong bản Tuyên ngôn Độc lập khi Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố một cách quang minh chính đại rằng, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời có quyền hưởng và có quyền bảo vệ tự do, độc lập của mình: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”(8).

Bản Tuyên ngôn Độc lập thể hiện tầm nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về dân tộc Việt Nam kiên cường đấu tranh cho quyền con người

Quyền độc lập, tự do của mỗi một dân tộc cũng như quyền con người, trong đó có quyền sống, tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc, là những quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm, quyền tạo hóa ban cho. Lịch sử nhân loại đã chứng kiến biết bao cuộc đấu tranh cho những giá trị đó và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt cuộc đấu tranh cho độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam cũng như cuộc đấu tranh cho quyền con người ở Việt Nam vào dòng chảy chung của trào lưu tiến bộ trên toàn thế giới. 

Quan điểm độc đáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bản Tuyên ngôn Độc lập ở chỗ, Người đã gắn quyền con người vào quyền của dân tộc. Cuộc đấu tranh của Nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng chống giặc ngoại xâm và bè lũ tay sai, vì độc lập dân tộc là cuộc đấu tranh vì nhân quyền. Nước đã mất độc lập thì tất yếu dân cũng mất luôn tự do, hạnh phúc; chừng nào nước vẫn còn giặc ngoại xâm chiếm đóng thì chừng đó không có gì là bảo đảm cho nhân quyền cả. Độc lập dân tộc, do đó, trở thành điều kiện tiên quyết để bảo đảm và phát huy quyền con người trong bất kỳ thời kỳ nào của cách mạng nước ta. Cũng chính vì vậy, sự nghiệp đấu tranh giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Nhân dân Việt Nam do Đảng lãnh đạo là sự thống nhất biện chứng của các thành tố làm thành một thể thống nhất: giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội - giai cấp và cuối cùng đi đến giải phóng con người.

Cuộc sống của con người luôn phản ánh những cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, cái tốt và cái xấu; quyền độc lập dân tộc, quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc - đây là những giá trị cơ bản nhất của nhân quyền dưới chế độ thực dân, phong kiến tay sai ở Việt Nam, đã không được bảo đảm. Cái quyền tạo hóa ấy đã bị đế quốc thực dân cùng thế lực phong kiến tay sai tước bỏ và chà đạp. 

Trong bản Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tố cáo sự vi phạm nhân quyền của đế quốc và chế độ phong kiến tay sai trên những lĩnh vực chính trị, kinh tế. Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho Nhân dân ta một chút tự do, dân chủ nào. Chúng thi hành những luật dã man; chúng lập ra ba chế độ khác nhau ở Trung, Nam, Bắc để ngăn cản việc thống nhất nước nhà và ngăn cản Nhân dân ta đoàn kết. Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học; thẳng tay chém giết những người yêu nước, thương nòi; tắm các cuộc khởi nghĩa của chúng ta trong những bể máu. Chúng thi hành chính sách ngu dân, dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược. Về kinh tế, chúng bóc lột Nhân dân ta đến tận xương tủy, khiến cho nhân dân nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều. Chúng cướp ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu; độc quyền in giấy bạc, xuất - nhập cảng; đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, làm cho nhân dân bần cùng; chúng không cho các nhà tư sản Việt Nam giàu lên; chúng bóc lột công nhân một cách vô cùng tàn nhẫn.v.v.

Nhân dân Việt Nam trong hơn 80 năm dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, trong cuộc kháng chiến 09 năm chống thực dân Pháp tái chiếm, trong hơn 20 năm chống đế quốc Mỹ, cứu nước… đã đứng lên dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, giành lại quyền con người. Quyền đó đã được đặt trong cơ sở nước có độc lập, do đó dân mới có tự do, hạnh phúc. Như vậy, quyền con người nhất quyết không phải là giá trị ban phát từ thực dân đế quốc, từ chế độ phong kiến mà là kết quả của cuộc đấu tranh trường kỳ của Nhân dân Việt Nam. Thành quả quyền con người ở Việt Nam luôn có cơ sở từ cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ của Nhân dân Việt Nam chứ không phải tự nhiên mà có. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ trong Tuyên ngôn Độc lập: cuộc đấu tranh của nhân dân ta đã làm cho “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa”(9).

Bản Tuyên ngôn Độc lập đã tạo ra cơ sở để dân tộc Việt Nam không ngừng đấu tranh bảo đảm và phát huy quyền con người. Con người được sống trong đất nước độc lập nhưng dân phải được hưởng tự do, ấm no, hạnh phúc. Đó chính là chất lượng cuộc sống của mọi người trong một chế độ mới mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu một thông điệp về bảo đảm và phát huy quyền con người trong nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: nếu nước độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc tự do, dân vẫn đói rét thì độc lập chẳng có ý nghĩa gì.

Những giá trị về quyền con người do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng trong bản Tuyên ngôn Độc lập là những giá trị bất hủ, là tầm nhìn chiến lược đúng đắn. Nhân dân Việt Nam, suốt từ ngày được độc lập với thành quả của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến nay đã không ngừng phấn đấu cho quyền con người và đạt được nhiều kết quả tích cực, rất quan trọng. Sự nghiệp đổi mới vì mục tiêu của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam đã vượt qua nhiều thử thách và giành được những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử, chứng tỏ Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm với tư cách là nước ký Công ước quốc tế về Quyền con người. Việt Nam đã tích cực, chủ động hội nhập quốc tế trong hoàn cảnh toàn cầu hóa. Mặc cho một số thế lực muốn cố tình đả kích, phủ nhận, có cái nhìn phiến diện, sai lệch về tình hình nhân quyền ở Việt Nam, nhưng những thành tựu về bảo đảm và phát huy quyền con người ở Việt Nam vẫn luôn thể hiện rõ với sự thật khách quan mà không ai có thể chối cãi được. 

Việt Nam được bầu làm thành viên của Tổ chức Nhân quyền quốc tế của Liên hợp quốc trong những năm 2014-2016. Các bản Hiến pháp năm 1946, năm 1959, năm 1980, năm 1992 và năm 2013 đều trân trọng ghi nhận và khẳng định các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân Việt Nam. Điều 14, Hiến pháp năm 2013 nhấn mạnh: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận và tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”(10). Nội dung về quyền con người đã được xác định một cách căn bản, có hệ thống trong các văn bản pháp luật, thừa nhận những giá trị phổ quát chung của nhân loại về quyền con người. Trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm quyền con người đã được quy định rõ hơn, mở rộng và phát triển quyền con người. 

Điều này là kết quả của một quá trình gian khổ từ bản Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh và qua 35 năm đổi mới đất nước. Nền kinh tế Việt Nam tuy gặp nhiều khó khăn từ tác động của tình hình quốc tế cũng như của tình hình trong nước, nhất là trong điều kiện khó khăn của đại dịch COVID-19, nhưng vẫn có sự phát triển vượt bậc. Việc làm và đời sống vẫn là những lĩnh vực đo chỉ số rõ nhất cho sự bảo đảm quyền con người, đã có sự tiến bộ. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng lên cùng với sự tăng trưởng kinh tế đã tạo điều kiện cho Nhà nước chú trọng nhiều hơn vào kết hợp tăng trưởng với công bằng xã hội, an sinh xã hội, đầu tư ngày càng nhiều hơn cho giáo dục, y tế, xây dựng cơ sở hạ tầng công cộng, phát triển nguồn nhân lực, xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ các vùng khó khăn cũng như bảo đảm các chính sách an sinh xã hội khác. Việt Nam là một trong những điểm sáng về việc phấn đấu cho các mục tiêu Thiên niên kỷ. Các lĩnh vực xã hội, giáo dục, y tế, cuộc sống tinh thần văn hóa nói chung, sự bảo đảm dân chủ… đều có tiến bộ. Nhìn chung, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, sự phát triển của đất nước so với yêu cầu ngày càng cao vẫn còn nhiều hạn chế.

Nhưng, không thể vì thế mà phủ nhận những thành tựu đã đạt được của Việt Nam trên lĩnh vực bảo đảm quyền con người.

Trải qua 76 năm kể từ ngày 02/9/1945 lịch sử hào hùng ấy, lời thề từ Chủ tịch Hồ Chí Minh với bản Tuyên ngôn Độc lập vẫn rọi sáng vào trái tim, khối óc của người Việt Nam yêu nước. Thông điệp của bản Tuyên ngôn Độc lập cho thế hệ người Việt Nam hiện nay vẫn là: hãy giữ vững nền độc lập, tự do cho Tổ quốc, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ và chỉ có như thế và bằng như thế, toàn thể Nhân dân Việt Nam đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam thành một khối vững chắc, từ đó nhân quyền mới được bảo đảm; con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam chính là con đường cho sự tiến bộ không ngừng của quyền con người. Bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 02/9/1945 thêm một lần nữa phản ánh rõ tầm nhìn xa, trông rộng và sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó cũng là sự phản ánh tư tưởng giải phóng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người Anh hùng dân tộc vĩ đại: giải phóng dân tộc; giải phóng xã hội - giai cấp; giải phóng con người.

Mùa Thu năm 2021 với biết bao gian khó, cả nước đang đồng lòng phấn đấu thực hiện mục tiêu kép: vừa chống dịch COVID-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Thông điệp, tầm nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh với lời thề độc lập, tự do, hạnh phúc, lời thề đồng lòng, đồng sức từ Mùa Thu lịch sử năm 1945 vẫn vang lên./.

----------------------------

Ghi chú: 

(1),(2),(3),(4),(5),(6),(7),(8),(9) Hồ Chí Minh,Toàn tập, tập 4, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.1, tr.1, tr.1, tr.1, tr.1, tr.3, tr.3, tr.3, tr.3.
(10) Hiến pháp năm 2013, Nxb Lao động, H.2014, tr.17.

GS.TS Mạch Quang Thắng - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Nguồn: tcnn.vn

VIDEO