Một trong những vấn đề nổi bật, thu hút sự quan tâm của hàng triệu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong năm mới này là việc thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương từ 1/7/2024.
Chính sách này là một trong những nội dung quan trọng trong Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024 được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6 vừa qua.
Đây cũng là một trong những nội dung đáng chú ý nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa 12 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.
Nhân dịp năm mới, PV báo VietNamNet đã có cuộc phỏng vấn riêng, cởi mở và cặn kẽ với CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ về những điểm đột phá cũng như ý nghĩa của chính sách tiền lương mới được áp dụng từ ngày 01/7/2024.
Được biết trong nhiệm kỳ Đại hội Đảng XII, khi còn là Phó Thủ tướng Chính phủ, được giao nhiệm vụ làm Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, BHXH và ưu đãi người có công – là người trực tiếp chỉ đạo, xây dựng đề án cải cách tiền lương và mới đây khi trực tiếp chứng kiến các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua nội dung quan trọng này, ông có cảm xúc như thế nào?
Trước đây, tôi được giao phụ trách chủ trì xây dựng đề án cải cách chính sách tiền lương và cải cách chính sách bảo hiểm xã hội để trình Trung ương ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW, Nghị quyết số 28-NQ/TW (cải cách chính sách bảo hiểm xã hội).
Ngay sau khi Nghị quyết 27 được thông qua, Chính phủ, Quốc hội và Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương đã triển khai nhiều công việc để có thể thực hiện cải cách, áp dụng chế độ tiền lương mới thống nhất đối với cán bộ, công chức viên chức, lực lượng vũ trang trong toàn bộ hệ thống chính trị từ năm 2021.
Nhưng từ cuối năm 2020, đặc biệt là từ đầu năm 2021, đại dịch Covid-19 đã tác động bất lợi, sâu rộng và toàn diện, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất kinh doanh, thương mại, đầu tư của toàn cầu và cả trong nước, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, gia tăng thất nghiệp, mất việc làm, đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn.
Chính vì vậy, Trung ương đã thống nhất chủ trương, Quốc hội đã biểu quyết nhất trí lùi thời điểm thực hiện cải cách tiền lương sau năm 2021. Trong lúc chưa thực hiện cải cách tiền lương, Quốc hội đã 2 lần đồng ý tăng lương cơ sở từ 1,39 triệu lên 1,49 triệu đồng/tháng vào tháng 7/2019 và từ 1,49 triệu lên 1,8 triệu đồng/tháng vào tháng 7/2023.
Mặc dù chưa thể thực hiện cải cách tiền lương như yêu cầu của Nghị quyết 27 đề ra nhưng so với năm 2018 (trước khi có Nghị quyết số 27) thì mức lương cơ sở đã được điều chỉnh từ 1,39 triệu đồng/tháng lên 1,8 đồng/tháng (tăng thêm 29,5%) cao hơn mức điều chỉnh lương tối thiểu vùng khu vực doanh nghiệp (17,74%).
Đây có thể nói là nỗ lực rất lớn của Chính phủ, Quốc hội trong bối cảnh khó khăn chồng chất khó khăn như vừa qua để chia sẻ với người lao động cả nước, trong đó có đội ngũ cán bộ công chức, viên chức.
Cho đến bây giờ, dù là ở cương vị nào, tôi đều bám sát các quy trình, bước đi để làm sao đưa nghị quyết của Trung ương vào cuộc sống. Tôi rất mừng tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024, trong đó có việc thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương từ ngày 1/7/2024.
Ngoài ra, Quốc hội cũng đồng ý điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.
Đây là bước đi đầu tiên quan trọng trong thực hiện Nghị quyết của Đảng nhằm xây dựng một hệ thống tiền lương công bằng, hợp lý, khuyến khích sự nỗ lực và sáng tạo của người lao động, phù hợp với năng lực, trình độ và hiệu quả công việc.
Chính sách tiền lương lần này được xem có nhiều đổi mới mang tính đột phá, là một quyết sách mang dấu ấn lịch sử, Chủ tịch Quốc hội có thể phân tích rõ hơn về những nội dung này và ý nghĩa của những thay đổi?
Đây là lần thứ 5 chúng ta thực hiện cải cách chính sách tiền lương (4 lần trước đó vào các năm 1960, 1985, 1993, 2003). Nhưng phải khẳng định rằng, cải cách chính sách tiền lương lần này có nhiều điểm đột phá, khắc phục được những hạn chế, bất cập của chính sách tiền lương trước đây.
Cụ thể, chính sách tiền lương mới quy định rõ “mức lương thấp nhất của khu vực công bằng mức lương thấp nhất bình quân vùng của khu vực doanh nghiệp. Đồng thời mở rộng quan hệ tiền lương từ 1-2,34-10 hiện nay lên 1-2,68-12.
Điểm đáng chú ý là sắp xếp lại các chế độ phụ cấp và cơ cấu lại tỷ lệ giữa lương cơ bản (70%) và phụ cấp (30%). Có nghĩa là trong 100 đồng tổng tiền lương thì 70 đồng là tiền lương cơ bản còn phụ cấp là 30 đồng. Tỉ lệ này nhằm đảm bảo đúng với bản chất phụ cấp là nguồn thu nhập phụ còn tiền lương là nguồn thu nhập chính, tránh tình trạng phụ cấp cao hơn lương chính như nhiều nơi hiện nay.
Đặc biệt, chính sách tiền lương mới dành 10% của quỹ lương để người sử dụng lao động khen thưởng, động viên cho những ai có thành tích, cống hiến. Trong 10% này sẽ có người được rất nhiều nhưng cũng có người không được gì, tùy vào mức độ cống hiến. Ngoài ra, chính sách tiền lương mới sẽ bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay, xây dựng mức lương cơ bản tương ứng với số tiền cụ thể trong các bảng lương mới do Chính phủ xây dựng và ban hành.
Vì thế, cải cách tiền lương lần này không chỉ đơn thuần là tăng lương bình thường mà là cải cách chính sách tiền lương theo vị trí việc làm, chức vụ và chức danh lãnh đạo với một mức lương cụ thể, rõ ràng.
Sau này, chúng ta không phải hỏi lương đồng chí A hay lương của đồng chí B ngạch, bậc như thế nào rồi lấy hệ số nhân với lương cơ sở để ra số lương tuyệt đối là bao nhiêu nữa, rất phức tạp và phiền phức.
Một điểm đáng chú ý nữa là, khi thực hiện chính sách tiền lương mới, tất cả cơ chế thu nhập đặc thù cũng được bãi bỏ hết. Việc này được thực hiện theo nguyên tắc là khi chuyển sang áp dụng bảng lương mới, nếu thấp hơn tiền lương hiện nay sẽ được bảo lưu ít nhất bằng mức lương cũ. Tất cả những chính sách tiền lương mới đều nhằm hướng đến việc làm sao cán bộ, công chức, viên chức, người dân tham gia vào sự nghiệp đổi mới và khi sự nghiệp đổi mới thành công thì bản thân họ phải được thụ hưởng.
Còn nói đất nước phát triển, tăng trưởng GDP liên tục, mà cán bộ, công chức, viên chức, người dân không được thụ hưởng thành quả của sự nghiệp đổi mới thì ý nghĩa của đổi mới cũng giảm đi, nhất là sau thời gian bạo bệnh do dịch Covid-19, sức khỏe của người dân, doanh nghiệp bị bào mòn.
Chúng ta phải xác định chi cho con người cũng là chi cho đầu tư phát triển. Vì vậy, dù ngân sách còn khó khăn nhưng chúng ta cũng phải quyết tâm thực hiện cải cách tiền lương. Thực tế, chúng ta đã thống nhất được tư tưởng, chủ trương, có tính toán chắc chắn, căn cơ để chuẩn bị được 560.000 tỷ đồng thực hiện cải cách tiền lương từ giai đoạn 2024 - 2026.
Hàng triệu công chức, viên chức, người lao động trong cả nước rất phấn khởi trước việc Quốc hội đồng ý thực hiện cải cách tiền lương từ 1/7/2024 nhưng cũng không khỏi lo lắng về tình trạng “lương chưa tăng, giá đã tăng”. Là người rất am hiểu về tài chính, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ thế nào về nỗi lo rất chính đáng này?
Khi xây dựng đề án cải cách tiền lương, cơ quan chức năng cũng đã tính toán và đánh giá tác động của chính sách đối với nền kinh tế cũng như đời sống xã hội ra sao. Tại kỳ họp thứ 6 vừa qua, Chính phủ trình Quốc hội dự toán ngân sách năm 2024 cũng có kèm theo đề án cải cách tiền lương chi tiết, trong đó có tính toán các phương án, nguồn thu chi, tác động đến tăng trưởng và chỉ số giá tiêu dùng như thế nào. Các cơ quan liên quan của Quốc hội cũng đã chủ động ngồi lại thẩm tra, cân đo đong đếm xem nguồn lực, tác động đến vấn đề vĩ mô, vi mô ra sao để “liệu cơm gắp mắm” mới ra được kết quả nói trên.
Cũng cần phải nói rõ, việc dành thêm nguồn lực từ ngân sách Nhà nước để chi cải cách tiền lương sẽ chỉ làm thay đổi cơ cấu chi. Tức là tăng chi thường xuyên và có thể sẽ giảm chi các hạng mục khác. Vì vậy, cải cách tiền lương không làm tăng quy mô chi ngân sách một cách bất thường. Do đó, dự kiến tác động đến lạm phát không đáng kể.
Tuy nhiên, tâm lý của thị trường là cứ nghe tăng lương thì lại tăng giá. Cho nên lo ngại “lương chưa tăng, giá đã tăng” cũng là một thực tế đặt ra để các bộ, ngành quan tâm có biện pháp kiểm soát giá cả, tránh tình trạng “té nước theo mưa”.
Các bộ, ngành, địa phương cần phối hợp chặt chẽ nhằm triển khai chính sách quản lý giá chủ động, hợp lý, bám sát diễn biến thị trường, thường xuyên đánh giá, dự báo để điều chỉnh nguồn cung hàng hóa phù hợp, kịp thời, góp phần kiểm soát lạm phát.
Để việc thực hiện cải cách tiền lương hiệu quả và bền vững, tạo động lực cho công chức, viên chức, người lao động làm việc, tăng năng suất lao động, theo Chủ tịch Quốc hội, những nhiệm vụ nào đặt ra cho Chính phủ trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh tình hình kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, nguồn thu ngân sách có hạn, trong khi nhiệm vụ chi ngày càng nhiều?
Nhiều nước rất ngạc nhiên khi nghe chúng ta chuẩn bị được 560.000 tỷ đồng để thực hiện cải cách tiền lương từ nay đến 2026. Họ tưởng Việt Nam có được đồng nào mang đi làm đường cao tốc hết nhưng không phải vậy, việc nào ra việc nấy.
Ngay trong Nghị quyết 27, Trung ương đã yêu cầu “quyết liệt thực hiện các giải pháp tài chính, ngân sách, coi đây là nhiệm vụ đột phá để tạo nguồn lực cho cải cách chính sách tiền lương”. Trong đó quy định rõ, tăng thu ngân sách Trung ương phải dành 40% để cải cách tiền lương, 60% để làm việc khác. Còn tăng thu ngân sách địa phương thì để ra một nửa cho cải cách tiền lương.
Vừa rồi, rất nhiều địa phương ra Quốc hội đề nghị sử dụng nguồn cải cách tiền lương để đầu tư cái này, phát triển cái kia. Tôi nhiều lần nhắc các địa phương tuyệt đối không được dùng nguồn cải cách tiền lương để làm cao tốc hay chi cho việc khác.
Chính phủ, Quốc hội cũng bị sức ép nhiều lắm nhưng Nghị quyết Trung ương đã nêu rõ như vậy, dứt khoát không nói xuôi, nói ngược. Ngay từ năm 2018, chúng ta đã kiên trì tích góp quyết tâm như vậy cho đến nay mới có nguồn để cải cách tiền lương chứ cứ thấy có tiền để đó lại mang đi chi cho việc này, việc kia thì đến bao giờ mới có tiền để cải cách tiền lương?
Còn về lâu dài, chúng ta vẫn phải tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Một mặt phát triển kinh tế, tăng thu, tiết kiệm chi; một mặt chúng ta tiếp tục sắp xếp bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế. Có như thế "miếng bánh" ngân sách sẽ lớn lên, nguồn cho cải cách tiền lương sẽ căn cơ, bền vững hơn.
Tôi cũng mong muốn đội ngũ cán bộ, công chức viên chức, người lao động trên cả nước phát huy tinh thần đoàn kết, khắc phục các khó khăn trước mắt để đồng lòng, chung sức cùng các cấp ủy, chính quyền thực hiện tốt, có hiệu quả Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và của địa phương về phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, củng cố tiềm lực và nội lực, hướng tới các mục tiêu phát triển đất nước nhân kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và 100 năm thành lập nước CHXHCN Việt Nam theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13.