Bình đẳng giới - nhìn từ góc độ ngôn ngữ văn bản luật

15/05/2018 15:53
  • Print
  • Lượt xem: 3146

Văn bản quy phạm pháp luật phải quy định cụ thể nội dung cần điều chỉnh, không quy định chung chung

Trong một văn bản luật, ngoài nội dung thể hiện chính sách quốc gia về bình đẳng giới, thì cách thức diễn đạt ngôn ngữ của văn bản luật cũng góp phần quan trọng trong mục tiêu bình đẳng giới!

Ngôn ngữ gần gũi giúp cho việc phổ biến pháp luật đạt hiệu quả.

Thoạt nghe, mục tiêu bình đẳng giới và hình thức diễn đạt văn bản luật dường như ít “dính dáng” tới nhau. Nhưng, lẽ dĩ nhiên, cách thức diễn đạt ngôn ngữ, cách hành văn trong văn bản luật, ảnh hưởng có tính quyết định tới khả năng thẩm thấu nội dung văn bản luật của đối tượng thi hành nói chung, trong đó đặc biệt với nhóm đối tượng ít có cơ hội học hành hơn. Nói cách khác, “hình thù” văn bản luật càng đơn giản, gần gũi, người ta càng dễ nhận diện nó. Khi đó, nữ giới- “một nửa thế giới”, nhóm đối tượng thiệt thòi hơn từ chỗ vị trí, vai trò của họ trong xã hội còn bị ràng buộc bởi định kiến giới, gồm định kiến từ xã hội cũng như từ chính bản thân mình, sẽ có cơ hội vươn lên. 

Thực tế, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã có những quy định cụ thể về cách thức thể hiện, diễn đạt ngôn ngữ trong văn bản luật (Điều 8), trong đó quy định ngôn ngữ sử dụng trong văn bản phải “chính xác, phổ thông, cách diễn đạt phải rõ ràng, dễ hiểu”; Văn bản quy phạm pháp luật phải quy định cụ thể nội dung cần điều chỉnh, không quy định chung chung, không quy định lại các nội dung đã được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật khác.

Nói cụ thể hơn, ngôn ngữ văn bản pháp luật phải chính xác về chính tả, bảo đảm các từ có độ chính xác cao và chỉ thể hiện một ý nghĩa duy nhất. Yêu cầu cách hành văn với những câu ngắn gọn, rõ ràng, đủ hai thành phần chủ ngữ và vị ngữ, để đảm bảo tính chính xác cho ý câu diễn đạt. Mặt khác, kết cấu ngữ pháp đòi hỏi chặt chẽ, hoàn chỉnh, từ đó có thể diễn đạt cụ thể, rõ ràng ý chí của nhà làm luật và tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng thi hành nắm bắt được đúng đắn, đầy đủ nội dung của văn bản pháp luật. Việc diễn đạt khoa học, hợp lý hình thức ngôn ngữ trong văn bản luật đồng thời cũng giúp cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, cá nhân thuận lợi hơn trong nghiên cứu, thực thi; đặc biệt, giúp các cơ quan tố tụng có thể áp dụng chính xác điều luật trong giải quyết vụ án. Chính bởi vậy, người tham gia soạn thảo văn bản luật, ngoài yêu cầu là một chuyên gia, am hiểu luật pháp, còn phải là người có kiến thức rộng về ngôn ngữ, có kỹ năng biểu đạt ngôn ngữ và có vốn sống thực tiễn phong phú. Ngoài ra, quá trình thẩm định, thẩm tra, lấy ý kiến, xem xét, thông qua hoặc ký ban hành văn bản cũng đòi hỏi quy trình chặt chẽ, nghiêm túc.

Trong thực tế, việc xây dựng văn bản pháp luật còn có những bất cập nhất định dẫn đến khả năng tiếp thu, “thấm” nội dung văn bản luật của đối tượng thi hành trở nên khó khăn. Không hiếm trường hợp, đối với một điều luật cụ thể, hay một hành vi vi phạm pháp luật cụ thể, xảy ra tình trạng có cách hiểu, nhận định và áp dụng pháp luật có sự thiếu thống nhất ở các cá nhân, cơ quan, ngành, địa phương khác nhau. Điều này có nguyên nhân từ hệ thống các văn bản dưới luật còn chồng chéo, cồng kềnh, phức tạp, có phần rối rắm; mặt khác, còn do việc sử dụng từ ngữ chưa bảo đảm độ chính xác, có khi “lửng lơ” đa nghĩa; hoặc xa lạ của những thuật ngữ lạm dụng từ Hán Việt, hay “nặng” tính bác học trong ngôn ngữ diễn đạt điều luật.

Đẩy mạnh tuyên truyền về bình đẳng giới cho phụ nữ dân tộc thiểu số và miền núi.

Báo cáo kết quả nghiên cứu về lồng ghép giới trong dự án Bộ luật dân sự (BLDS) của nhóm chuyên gia tại Hội thảo “Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi)”, đồng tác giả Luật sư Nguyễn Thị Kỳ và Luật sư Nguyễn Mạnh Cường phát hiện, trong các sửa đổi, dự thảo có thay thế một số thuật ngữ thông dụng bằng các thuật ngữ mới, “lạ tai”, như thay thuật ngữ “quyền sử dụng hạn chế bất động sản liền kề” bằng “quyền địa dịch”; “giao dịch dân sự” bằng thuật ngữ  “hành vi pháp lý”; “quyền sở hữu” bằng “vật quyền”…Đồng thời, bổ sung một số khái niệm mới như: “quyền hưởng dụng”; “quyền bề mặt”; “hiệu lực đối kháng”…. khá khó hiểu, ngay với cả giới chuyên gia luật và người am hiểu pháp luật.

Theo nhóm chuyên gia, xét về góc độ giới, thì cần phải đặc biệt cân nhắc việc thay thế các khái niệm hiện đang sử dụng ổn định cả trong hệ thống các văn bản pháp luật và đời sống xã hội, nếu thấy không thật sự cần thiết (nhất là khi chúng ta chỉ thay đổi về mặt thuật ngữ mà không thay đổi về nội dung). Việc thay đổi thuật ngữ này trong BLDS có thể gây khó khăn trong việc thay đổi nhận thức pháp luật của người dân, cũng như việc phải sửa đổi nhiều văn bản pháp luật có liên quan. Đối với BLDS, một bộ luật có liên quan tới cuộc sống hàng ngày của mọi người dân thì yêu cầu này càng phải được đề cao. 

Việc sử dụng thuật ngữ xa lạ trong dự thảo BLDS cũng đã được đề cập trong phiên thảo luận tại Kỳ họp thứ 10, tháng 10/2015. Các đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến, nhấn mạnh, mục tiêu xây dựng bất cứ bộ luật nào, phải trở nên gần gũi, dễ hiểu với đông đảo dân chúng. Từng khái niệm, từng chế định, thậm chí từng câu chữ, dấu chấm, dấu phẩy đều có tác động vào nền kinh tế và các quan hệ văn hóa, xã hội, nhất là khi có tranh chấp phải đưa ra xét xử. Và, chính người dân mới là những người hàng ngày phải sử dụng BLDS, chứ không phải là các giáo sư, tiến sĩ, hay các luật sư, giới chuyên môn lĩnh vực chuyên ngành. 

Hiện nay, nhận thức pháp luật của nhiều người dân còn gặp khó khăn, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, khu vực nông thôn, trong đó vẫn còn những khoảng cách giữa phụ nữ, trẻ em gái so với nam giới, trẻ em trai trong việc tiếp cận pháp luật. Việc lạm dụng các thuật ngữ khó hiểu, rắc rối, không thuần Việt sẽ làm trầm trọng hơn tình trạng bất bình đẳng giới.

Nguyễn Huân

Nguồn: https://baovephapluat.vn/

Nguồn: https://baovephapluat.vn/