Hội LHPN tỉnh Vĩnh Long đề xuất thành công Đề án chăm sóc, bảo vệ trẻ em gái tránh bị xâm hại tình dục và hỗ trợ trẻ em bị tổn thương

01/08/2018 09:10
  • Print
  • Lượt xem: 2858

Uỷ ban Nhân dân (UBND) tỉnh Vĩnh Long vừa ban hành Quyết định phê duyệt Đề án “Chăm sóc, bảo vệ trẻ em gái tránh bị xâm hại tình dục và hỗ trợ trẻ em bị tổn thương giai đoạn 2018 - 2022”. Đề án do Hội LHPN tỉnh Vĩnh Long chủ trì thực hiện.

Số liệu thống kê của các ngành chức năng cho thấy, trong 05 năm (2013-2017) trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đã xảy ra 180 vụ xâm hại trẻ em với 153 đối tượng, trong đó trẻ em bị xâm hại tình dục là 147 trẻ, chủ yếu là trẻ em gái. Chỉ tính riêng trong năm 2017, Toà án nhân dân tỉnh đã đưa ra xét xử sơ thẩm 11 vụ án hiếp dâm trẻ em (11 bị hại đều là trẻ em gái).

Bên cạnh đó, qua công tác rà soát của Hội LHPN tỉnh, tính đến năm 2017, toàn tỉnh có 7.112 trẻ từ 1-16 tuổi phải sống xa cha mẹ, ở với ông bà hoặc người thân chăm sóc do cha mẹ đi làm ăn xa, mưu sinh, cha mẹ ly hôn,…

Từ thực trạng đó, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Y tế; Sở Tài chính; Sở Thông tin và Truyền thông; Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Sở Tư pháp; Công an tỉnh; Đoàn TNCS Hồ Chí Minh... xây dựng Đề án “Chăm sóc, bảo vệ trẻ em gái tránh bị xâm hại tình dục và hỗ trợ trẻ em bị tổn thương giai đoạn 2018 - 2022”. Đề án đã trình và được UBND tỉnh phê duyệt

Mục tiêu của Đề án nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng, thực hành của phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là trẻ em ở độ tuổi từ 5 đến dưới 16 tuổi, phát huy vai trò chủ động của trẻ em trong ứng phó với các nguy cơ bị xâm hại, kỹ năng tự bảo vệmình và tham gia giải quyết  hiệu quả một số vấn đề xã hội liên quan đến trẻ em, nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực xâm hại quyền, lợi ích của trẻ em, nâng cao chất lượng cuộc sống, thực hiện đầy đủ hơn về quyền trẻ em.

Được thực hiện trong 05 năm, Đề án chia thành 02 giai đoạn, trong đó giai đoạn 2018 – 2020 tập trung đẩy mạnh truyền thông, nâng cao chất lượng giáo dục, vận động, hỗ trợ nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng,đặc biệt về phòng ngừa xâm hại tình dục và bạo lực đối với trẻ em cho cha, mẹ, các thành viên gia đình, giáo viên, ngườitrực tiếp chăm sóc và làm việc với trẻ em; đồng thời giáo dục trang bị cho các em kỹ năng biết tự bảo vệ mình trước nguy cơ bị xâm hại.

Cùng với đó, giai đoạn này cũng chú trọng nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ Hội làm công tác trẻ em ở địa phương, chủ động tham gia giải quyết hiệu quả một số vấn đề xã hội có liên quan đến trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái; Xây dựng, hoàn thiện và thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ trẻ em, tạo nhiều diễn đàn để trẻ em tham gia, qua đó trẻ em được nói lên suy nghĩ, đề xuất những mong muốn của mình; Giám sát việc thực thi pháp luật về quyền trẻ em; Tăng cường hợp tác và vận động nguồn lực...

Mục tiêu Đề án đặt ra, phấn đấu đến năm 2022: Có ít nhất 90% cha mẹ có con dưới 16 tuổi được cung cấp thông tin, kiến thức, kỹ năng về  vai trò của cha/mẹ trong chăm sóc, giáo dục, bảo vệ con trước các nguy cơ bị xâm hại; trong đó có 80% cha, mẹ sẵn sàng chủ động lên tiếng tố giác hành vi tội phạm và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho trẻ. 

Có 80% cán bộ chuyên trách của các cơ quan có liên quan tham gia triển khai Đề án được bồi dưỡng nâng cao năng lực về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nhằm hỗ trợ trẻ em tham gia giải quyết các vấn đề xã hội ưu tiên. 

Có ít nhất 70% trẻ em cấp bậc tiểu học, trung học được tham gia các buổi truyền thông, các buổi nói chuyện chuyên đề về giáo dục giới tính, kỹ năng tự bảo vệ bản thân tránh bị xâm hại. Trong đó có 60% trẻ chủ động mạnh dạn tố cáo khi bị xâm hại, bị bạo hành.

 

Nhã Trúc, Hội LHPN tỉnh Vĩnh Long