Tăng cường ứng phó với bạo lực và hành vi có hại trên cơ sở giới

24/09/2018 14:45
  • Print
  • Lượt xem: 1895

Dự án “Tăng cường dự phòng và ứng phó với bạo lực và các hành vi có hại trên cơ sở giới từ góc nhìn của các tổ chức xã hội” triển khai với nhiều điểm mới: Hướng đến nhóm yếu thế, nam giới/nam thanh niên lần đầu làm bố ở thành thị; Xây dựng bằng chứng có sự tham gia của cộng đồng và cải thiện chất lượng dịch vụ dành cho nạn nhân bị bạo lực và ảnh hưởng bởi hành vi có hại trên cơ sở giới...

Bà Astrid Band - Trưởng đại điện Quỹ dân số Liên Hợp quốc tại Việt Nam đại diện nhà tài trợ phát biểu tại Hội thảo 
 
Sáng 20/9 tại Hà Nội, trong Hội thảo khởi động dự án “Tăng cường dự phòng và ứng phó với bạo lực và các hành vi có hại trên cơ sở giới từ góc nhìn của các tổ chức xã hội” đã đưa ra thực trạng: Việt Nam đang có khoảng 60% phụ nữ kết hôn bị ít nhất một loại hình bạo lực gia đình trong đời, trong đó các dịch vụ hỗ trợ còn yếu và thiếu, khi xảy ra sự việc nạn nhân vẫn chưa biết đi đâu về đâu… ; Buôn bán người, bạo lực, lạm dụng tình dục với trẻ em gái ngày càng gia tăng; Bất bình đẳng giới, mất cân bằng giới tính khi sinh chưa có dấu hiệu dừng lại…

Theo bà Hoàng Tú Anh- Phó Giám đốc Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP): "Dự án Tăng cường dự phòng và ứng phó với bạo lực và các hành vi có hại trên cơ sở giới từ góc nhìn của các tổ chức xã hội được triển khai trong 4 năm, từ 2018 đến 2021, hướng tới việc tăng cường vai trò của các tổ chức xã hội trong xây dựng bằng chứng, phát triển sáng kiến về mô hình can thiệp dự phòng và dịch vụ ứng phó với bạo lực và các hành vi có hại trên cơ sở giới (như tảo hôn, mất cân bằng giới tính khi sinh…)".

Ảnh minh họa

Các đơn vị đối tác tham gia khởi động Dự án “Tăng cường dự phòng và ứng phó với bạo lực và các hành vi có hại trên cơ sở giới từ góc nhìn của các tổ chức xã hội” (VNM9P05)

4 mục tiêu cơ bản của Dự án là:

(1) Xây dựng bằng chứng dựa trên sự tham gia của các tổ chức xã hội và các nhóm cộng đồng những người bị ảnh hưởng (phụ nữ bị bạo lực, di cư, người khuyết tật, trẻ đường phố…) với các hoạt động nghiên cứu khả thi, đánh giá nhu cầu, đánh giá hiệu quả mô hình, xây dựng nghiên cứu trường hợp; Nâng cao năng lực cho các tổ chức xã hội và nhóm cộng đồng.

(2) Thay đổi định kiến xã hội về giới và bạo lực trên cơ sở giới với sự tham gia của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, các nhóm yếu thế dễ bị tổn thương với các chiến dịch và hoạt động truyền thông.

(3) Cung cấp và cải thiện chất lượng dịch vụ đa ngành ứng phó với bạo lực và các hành vi có hại trên cơ sở giới thông qua việc kết nối dịch vụ của các tổ chức xã hội và dịch vụ công, góp phần hoàn thiện Bộ quy chuẩn về chất lượng dịch vụ do Bộ LĐTBXH ban hành; Đưa ra sáng kiến và hỗ trợ về sự tham gia của nam giới và nam thanh niên ở thành thị  vào phòng chống bạo lực và hành vi có hại trên cơ sở giới; Cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho nạn nhân, hỗ trợ khẩn cấp, kết nối - điều phối dịch vụ; Thành lập mô hình “Người cha trách nhiệm” tại Hà Nội và Quảng Ninh...

(4). Nâng cao chất lượng quản lý và giám sát thực hiện dự án thông qua hệ thống theo dõi, giám sát, đánh giá (phát triển hướng dẫn chi tiết về phương pháp, biểu mẫu thu thập số liệu và báo cáo theo khung logic và chỉ số; theo dõi - giám sát và hỗ trợ kỹ thuật của văn phòng UNFPA…); Phối hợp lập kế hoạch, theo dõi, giám sát với các Bộ, ngành liên quan (các hội thảo về lập kế hoạch, sơ kết, tổng kết. Hoạt động theo dõi, giám sát, đánh giá tại thực địa được lồng ghép trong ngân sách của các nhóm hoạt động)...

Dự án hướng đến 5 đối tượng can thiệp chính bao gồm nhóm người là nạn nhân bị  bạo lực (đặc biệt là phụ nữ, trẻ em gái, vị thành niên);  Nam giới gây bạo lực; Nam giới và nam thanh niên ở khu vực thành thị, nam giới lần đầu tiên làm bố; Các tổ chức xã hội làm việc về bình đẳng giới và ứng phó bạo lực trên cơ sở giới; Các cơ quan soạn thảo và thực thi luật pháp và chính sách liên quan bình đẳng giới, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới…

Ảnh minh họa

Đại biểu trong Hội thảo tham khảo tài liệu truyền thông về ngăn ngừa và ứng phó với bạo lực giới.

Theo bà Astrid Band – Trưởng đại điện Quỹ dân số Liên Hợp quốc tại Việt Nam: “Chúng tôi cam kết sẽ hỗ trợ các hoạt động với hy vọng Dự án góp phần giải quyết được các thách thức phía trước trong công tác phòng chống bạo lực giới và bạo lực gia đình tại Việt Nam. Chúng ta cần thu thập thêm bằng chứng từ cộng đồng với sự tham gia của các nhóm, các tổ chức xã hội dân sự nhằm góp phần xây dựng các chính sách, hỗ trợ, can thiệp nhằm ngăn ngừa và ứng phó với bạo lực và các hành vi có hại trên cơ sở giới một cách bền vững và có hiệu quả hơn; Tạo ra thay đổi tích cực về thái độ, hành vi trong xã hội và cộng đồng về các chuẩn mực và định kiến liên quan đến bất bình đẳng giới và bạo lực giới; Xây dựng các mô hình có sự tham gia của nam giới và trẻ em trai trong chăm sóc sức khỏe sinh sản và chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái…”.

Ban chỉ đạo của Dự án gồm Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Bộ LĐTBXH, Bộ VHTTDL, CCIHP và UNFPA. Ban quản lý dự án và điều phối các kết quả do CCIHP và Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) thực hiện…

Dự án được tài trợ bởi Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA) với tổng số vốn dự kiến là 2.251.498 USD, trong đó vốn đảm bảo là 1.240.353 USD, vốn sẽ vận động thêm là 1.011.145USD, vốn đối ứng là 1 tỷ đồng (bằng hiện vật)… với 10 đối tác liên quan: Quốc hội, Bộ Nội vụ, Tổng cục thống kê, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục - Đào tạo, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên…

PNVN