Người chuyển giới mong sớm ban hành Luật Chuyển đổi giới tính

26/09/2018 14:18
  • Print
  • Lượt xem: 3041

Việc sớm ban hành Luật Chuyển đổi giới tính và cởi mở trong các quy định của bộ luật này theo xu hướng tiến bộ của thế giới là mong muốn không chỉ của người chuyển giới mà còn của cả người cung cấp dịch vụ liên quan cũng như cộng đồng.

Một người chuyển giới chia sẻ về những khó khăn trong cuộc sống
tại Hội thảo về Xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính do SCDI tổ chức ngày 26/9-Ảnh Nhật Thy

Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính đã được xây dựng dựa trên nguyên tắc tôn trọng, bảo vệ quyền con người theo tinh thần của Hiến pháp 2013. Trong quá trình xây dựng dự thảo, Vụ Pháp chế (Bộ Y tế)-cơ quan phụ trách soạn thảo đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ cộng đồng người chuyển giới Việt Nam và nhiều điểm của dự thảo đã được sửa đổi để đáp ứng quyền của người chuyển giới.

Tuy nhiên, dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính có một số điểm quan trọng còn nhiều ý kiến trao đổi chưa nhận được sự đồng thuận của cộng đồng người chuyển giới. Cụ thể tại khoản 5 Điều 2 dự thảo quy định: “Can thiệp y học để chuyển đổi giới tính là một hoặc toàn bộ quá trình từ điều trị nội tiết tố sinh dục đến phẫu thuật ngực, phẫu thuật bộ phận sinh dục để thay đổi giới tính khác với giới tính sinh học hoàn thiện”. Như vậy theo điểm này trong dự thảo, các cá nhân muốn được thừa nhận là người chuyển đổi giới tính bắt buộc phải điều trị nội tiết tố sinh dục và phẫu thuật ngực hoặc bộ phận sinh dục.

Quy định như khoản 5 Điều 2 của dự thảo sẽ dẫn đến rất nhiều người chuyển giới ở Việt Nam có nguy cơ không được hưởng lợi từ dự thảo Luật này vì một số điều kiện sau: Về kinh tế họ không có đủ tiền để chi trả; về sức khỏe, một số người không đáp ứng với hormone, bị shock khi tiêm hormone dẫn tới tử vong, hoặc điều kiện sức khỏe không thể sử dụng hormone hay phẫu thuật. Đã có những trường hợp người chuyển giới chết do sốc thuốc khi tự tiêm hormone, may mắn hơn thì được đưa đi cấp cứu kịp thời, nhưng còn biết bao nhiêu người khác đang từng ngày từng giờ đánh cược mạng sống của mình bất chấp rủi ro về địa lý, điều kiện chăm sóc y tế…

Nếu Luật Chuyển đổi giới tính có thể thay đổi được điểm này (không bắt buộc can thiệp y học) sẽ mang tính tiến bộ và nhân văn, đảm bảo quyền con người, từ đó tạo điều kiện cho người chuyển giới lao động, học tập như tất cả công dân khác và có đóng góp tốt hơn cho sự phát triển chung của đất nước.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy nhiều quốc gia đã công nhận về mặt pháp lý đối với người chuyển giới mà không cần trải qua quá trình điều trị hormone hoặc/và phẫu thuật.

Luật về bản dạng giới của Argentina thông qua ngày 30/11/2012 được đánh giá là luật tiến bộ bởi không yêu cầu phải phẫu thuật, điều trị hormone hay tâm lý.

Luật Thay đổi tên gọi và xác định bản dạng giới của Đức năm 1981, sửa đổi năm 2011, điều kiện thay đổi bản dạng giới rất đơn giản: Chỉ cần người đó tự tuyên bố giới tính ghi trong giấy khai sinh của họ không trùng với cảm nhận của họ về giới tính của mình.

Luật về bản dạng giới, thể hiện giới và đặc điểm giới của Malta năm 2015, Điều 4 có quy định: “Tất cả mọi người là công dân Malta đều có quyền yêu cầu thay đổi thông tin giới tính hoặc/và tên gọi nếu người đó mong muốn thay đổi tên gọi để phản ánh đúng giới tính tự nhận của mình”.

Luật sửa đổi tình trạng pháp lý của Nauy năm 2016 quy định: Bất kỳ cá nhân nào đang sinh sống tại Nauy có trải nghiệm thuộc về giới tính khác với giới tính họ được ghi nhận trong Hộ tịch Quốc gia đều có quyền thay đổi giới tính pháp lý của họ. Nauy là nước thứ tư ở châu Âu tách biệt các quy trình pháp lý và y tế để công nhận về mặt luật pháp đối với những người chuyển giới. Trước đó, tại các nước Đan Mạch, Ireland, Malta (theo một phán quyết của Tòa án Nhân quyền Châu Âu), những người chuyển giới có thể tự tuyên bố một cách hợp pháp về giới tính của họ mà không cần phải có bất cứ đánh giá y tế hoặc thủ tục y tế nào.

Luật về Bản dạng giới của Chile - vừa được thông qua ngày 12/9/2018 cho phép người chuyển giới có thể thay đổi họ tên và giới tính trên các giấy tờ tuỳ thân mà không cần phải phẫu thuật. Bộ luật này cũng cho phép công dân trên 14 tuổi đã có thể tự xác định bản dạng giới của bản thân, nhưng người dưới 18 tuổi muốn thay đổi thông tin họ tên và giới tính trên giấy tờ thì cần có sự đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp.

Theo lộ trình xây dựng và ban hành của Luật Chuyển đối giới tính, dự thảo dự kiến được trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 5/2018 nhằm kịp thời đáp ứng mong muốn của người chuyển giới được hòa nhập với xã hội và được pháp luật công nhận. Song có nhiều lý do đến nay Luật Chuyển đổi giới tính vẫn chưa được trình Quốc hội. Điều đó đồng nghĩa với việc, hiện nay hàng trăm ngàn người chuyển giới vẫn tiếp tục phải chờ đợi và trì hoãn được hưởng các quyền công dân căn bản. Hàng ngày họ vẫn còn phải ẩn mình nếu không sẽ bị kì thị, phân biệt đối xử, thậm chí rủi ro bị đuổi việc luôn thường trực chỉ vì là người chuyển giới.

Trên thực tế cũng không ít trường hợp đã gặp phải các vấn đề sức khỏe do tự điều trị hormone hay tự tiêm silicone do dịch vụ y tế cho người chuyển giới ở Việt Nam chưa được coi là hợp pháp. Và những câu chuyện về những người chuyển giới thân cô thế cô nơi đất khách đi phẫu thuật “chui” ở những cơ sở tạm bợ, không giấy phép, không đảm bảo điều kiện tối thiểu về y khoa cũng không phải là hiếm. Để kể ra hết những rắc rối, hay khó khăn đối với cộng đồng chuyển giới khi chưa có luật thì cả chục trang viết vẫn chưa đủ. Việc sớm ban hành Luật Chuyển đổi giới tính và cởi mở trong các quy định của bộ luật này theo xu hướng tiến bộ của thế giới là mong muốn không chỉ của người chuyển giới mà còn của cả người cung cấp dịch vụ liên quan cũng như cộng đồng.

Tại Việt Nam, chỉ khi có hành lang pháp lý những người chuyển đổi giới tính mới có cơ hội sống bình đẳng có quyền được hưởng hạnh phúc trong một xã hội mà họ được công nhận.

Nhật Thy/tiengchuong.vn