|
Phụ nữ Việt Nam ngày càng tham gia nhiều hơn vào các hoạt động chính trị - xã hội. Ảnh: viết thành |
Vẫn chịu nhiều thiệt thòi
Nhiều năm làm “chuyên gia” gỡ rối, bà Ngô Thị Toàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường Văn Quán (quận Hà Đông) chứng kiến không ít chuyện “cơm không lành, canh không ngọt” phía sau cánh cửa mỗi gia đình.
Theo lời bà Ngô Thị Toàn, vào năm 2015, vợ chồng chị Vũ Thị T., tổ dân phố 9 (phường Văn Quán) thường xuyên xảy ra mâu thuẫn. Có lần, chồng chị T. cầm dao dọa giết vợ, khiến chị vô cùng hoảng sợ và đi tìm sự trợ giúp. Biết sự việc, chị T. được đưa đến “địa chỉ tin cậy tại cộng đồng”. Sau khi nghe phân tích đúng, sai, người chồng có hành vi bạo lực đã nhận ra lỗi lầm, biết yêu thương, tôn trọng bạn đời.
Cũng ở tổ dân phố 9, vào năm 2016, cháu T. bị bố đẻ bạo hành trong một lần không kiềm chế được cơn nóng giận. Đau đớn, phẫn uất, cháu T. có ý định tìm đến cái chết, nhưng may mắn sau đó cháu đã được lực lượng chức năng giải cứu kịp thời. “Nếu thiếu sự can thiệp, hỗ trợ kịp thời, các vụ bạo lực gia đình có thể gây ra những hậu quả đáng tiếc” - bà Ngô Thị Toàn trăn trở.
Đó chỉ là hai trong số hàng trăm vụ bạo lực gia đình được phát hiện thông qua mô hình “địa chỉ tin cậy tại cộng đồng” ở TP Hà Nội. Trên thực tế, tình trạng bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em gái xảy ra khá phổ biến. Theo số liệu thống kê từ cuộc điều tra quốc gia về bạo lực gia đình, 58% số phụ nữ từng chịu ít nhất một hình thức bạo lực và trung bình cứ 3 phụ nữ lại có một phụ nữ bị bạo lực. Từ năm 2011 đến nay, mỗi năm cả nước xảy ra khoảng 2.000 vụ bạo lực, xâm hại trẻ em, trong đó có hơn 1.000 vụ xâm hại tình dục. Đa số nạn nhân của các vụ xâm hại tình dục là trẻ em gái.
Do định kiến, quan niệm lạc hậu về giới tồn tại dai dẳng, phụ nữ và trẻ em gái ở nước ta vẫn chịu nhiều thiệt thòi. Trong gia đình, họ phải thực hiện những công việc không tên. Ngoài xã hội, phụ nữ thường không được trả lương nhiều hơn nam giới.
“Mỗi phụ nữ Việt Nam sử dụng khoảng 5 giờ/ngày để làm việc nhà, chăm sóc gia đình, cao hơn nam giới từ 2 đến 2,5 giờ/ngày. Trẻ em gái dành thời gian cho việc học ít hơn trẻ em trai khoảng 4-6 giờ/tuần” - bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) phản ánh.
Ngoài xã hội, lao động nữ đang ở vị thế thấp hơn lao động nam trong cơ cấu việc làm. Kết quả nghiên cứu về phụ nữ, việc làm và tiền lương của Mạng lưới hỗ trợ lao động di cư Việt Nam (M.net) cho thấy, tỷ lệ lao động nữ phải làm công việc dễ bị tổn thương lên tới 59,6%, cao hơn nhiều so với mức 31,8% của lao động nam. Cùng trình độ, công việc, lao động nữ đang có thu nhập thấp hơn các nam đồng nghiệp 12% ở vị trí lãnh đạo, 19,4% ở vị trí chuyên môn, kỹ thuật bậc cao và 15,6% ở nhóm lao động giản đơn…
Tạo môi trường an toàn, bình đẳng cho phụ nữ và trẻ em gái
|
Tuyên truyền về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới. |
Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, nhằm thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, phụ nữ và trẻ em gái ở nước ta được hỗ trợ, bảo vệ bằng khung pháp lý và hệ thống chính sách quốc gia về an sinh xã hội. Nổi bật là chính sách thúc đẩy việc làm bền vững và giảm nghèo; chính sách trợ giúp xã hội; chính sách bảo đảm về giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch... Xét thấy Bộ luật Lao động năm 2012 còn thiếu những quy định rõ ràng về giới, trong quá trình nghiên cứu sửa đổi bộ luật này, các cơ quan chức năng đang đề xuất bổ sung nhiều quy định liên quan đến giới và bình đẳng giới.
Để nâng cao nhận thức của xã hội, cùng với việc thực hiện Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới, các ngành, địa phương đã tích cực hưởng ứng “Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới”. Diễn ra từ ngày 15-11 đến 15-12 trên phạm vi toàn quốc, “Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới” năm 2018 sẽ có nhiều hoạt động sôi nổi, hấp dẫn nhằm truyền đi thông điệp “Chủ động phòng, chống bạo lực, xâm hại bà mẹ, trẻ em”.
Nhờ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, số vụ việc bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em gái giảm dần qua từng năm và vai trò của phụ nữ ngày càng được khẳng định. “Hiện tại, Việt Nam có hơn 70% số lao động nữ tham gia vào thị trường lao động, tạo ra nhiều của cải vật chất cho xã hội. Đáng chú ý, phụ nữ tham gia Quốc hội khóa XIV, nhiệm kỳ 2016-2021, chiếm 27,1%, đưa Việt Nam vào nhóm nước có tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội cao ở khu vực và thế giới; phụ nữ làm chủ doanh nghiệp chiếm hơn 20% và có xu hướng tăng lên” - bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết.
Ngoài những chương trình, hoạt động chung, các cơ quan chức năng của Hà Nội còn tích cực tuyên truyền, phổ biến rộng rãi những quy định của pháp luật về bình đẳng giới, đưa chương trình giáo dục giới tính, bình đẳng giới cho học sinh, sinh viên vào các giờ học ngoại khóa, sinh hoạt tập thể.
Thành phố đã phối hợp với Tổ chức Plan International Việt Nam xây dựng mô hình “Thành phố an toàn cho trẻ em gái” từ năm 2012 đến nay. Đặc biệt, TP Hà Nội đã xây dựng hơn 1.600 mô hình, địa chỉ tin cậy tại cộng đồng làm nơi tạm lánh cho phụ nữ, trẻ em bị bạo lực; tư vấn, hỗ trợ hàng trăm vụ việc liên quan đến bạo lực gia đình, bảo vệ các quyền hợp pháp của phụ nữ và trẻ em.
Thực tế cho thấy, những phụ nữ hiểu biết xã hội, có trình độ chuyên môn thường có thu nhập cao hơn và cũng ít bị bạo lực hơn. Điều đó đồng nghĩa với việc, muốn có sự bình đẳng giữa nam và nữ, trước hết mỗi phụ nữ, trẻ em gái cần chủ động học tập, phấn đấu để khẳng định vai trò, năng lực của bản thân.
Khi bị bạo lực, xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, xâm hại, nạn nhân không nên im lặng, mà hãy lên tiếng để nhận được sự trợ giúp kịp thời. Các cơ quan chức năng cần hỗ trợ, thúc đẩy, tạo ra môi trường an toàn, bình đẳng cho phụ nữ và trẻ em gái trong mọi lĩnh vực, hoạt động.
Bắt đầu từ nhận thức(HNM) - Các chính sách quan trọng đã mang lại sự bình đẳng giới, giúp phụ nữ tham gia nhiều hơn vào hoạt động xã hội, đồng thời giáo dục, từng bước thay đổi quan niệm phân biệt nam - nữ.
Minh Ngọc/hanoimoi.com.vn