Vai trò của Bộ Nội vụ trong công tác cán bộ nữ và bình đẳng giới

02/01/2019 09:03
  • Print
  • Lượt xem: 16255

Trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, đặc biệt là trong thời kỳ thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay, phụ nữ Việt Nam, trong đó có đội ngũ cán bộ nữ đã và đang tiếp tục có những đóng góp vô cùng to lớn. Nhận thức và đánh giá đúng vị trí, vai trò và đóng góp to lớn của phụ nữ Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến công tác phụ nữ và xây dựng đội ngũ cán bộ nữ, cũng như chăm lo tạo điều kiện để bảo đảm thực hiện quyền bình đẳng của phụ nữ, phát huy vị trí và vai trò tham gia của phụ nữ cũng như thụ hưởng trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội.

Ảnh: Dangcongsan.vn

Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự tham mưu tích cực của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ phụ nữ Việt Nam và của các cơ quan, ban ngành có liên quan trong đó có Bộ Nội vụ, công tác cán bộ nữ trong thời gian qua đã đạt nhiều thành tựu. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nữ trong những năm qua đã vươn lên, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức không ngừng trưởng thành, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ mới. Nhiều cán bộ nữ được giao giữ những cương vị lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể, cũng như các cương vị lãnh đạo quản lý các cấp. Đội ngũ cán bộ nữ được đào tạo cơ bản, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao; nhạy bén, năng động, sáng tạo; có phẩm chất đạo đức, lối sống tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng, tuân thủ pháp luật, có trách nhiệm cao trong công việc và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. 

1. Vai trò, nhiệm vụ của Bộ Nội vụ trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia quản lý nhà nước

Trong công tác phụ nữ nói chung, Bộ Nội vụ là cơ quan tham mưu giúp Chính phủ trong việc đề xuất các cơ chế, chính sách góp phần tạo điều kiện cho các cấp hội phụ nữ tham gia vào các hoạt động quản lý nhà nước trên các lĩnh vực của đời sống chính trị-xã hội. Ngoài ra, theo thẩm quyền và chức năng quản lý nhà nước của mình, Bộ Nội vụ có trách nhiệm cùng các cơ quan, ban ngành góp phần chăm lo, tạo điều kiện cho công tác phụ nữ, cũng như đảm bảo phát triển phụ nữ về mọi mặt.

Thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước được Đảng và Chính phủ giao về công tác cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, trong đó có đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nữ, Bộ Nội vụ đã và đang tiếp tục tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành nhiều văn bản và hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện một loạt các chế độ, chính sách có liên quan về công tác cán bộ như tuyển dụng, sử dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm, biệt phái; kỷ luật, khen thưởng, thôi việc, nghỉ hưu và các chế độ, chính sách khác như chính sách tiền lương, đãi ngộ, thu hút… đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thúc đẩy công tác xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nữ, đồng thời nâng cao vai trò, vị trí của phụ nữ trong việc tham gia bộ máy lãnh đạo và ra quyết định.

Để tăng cường triển khai các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong công tác cán bộ nữ theo quy định của Luật Bình đẳng giới, Bộ Nội vụ với trách nhiệm được giao, đã và đang tích cực chủ động phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan triển khai các nhiệm vụ như: Xây dựng, trình Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội về tỷ lệ nữ ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phù hợp với mục tiêu bình đẳng giới trong nhiệm kỳ kế tiếp, bảo đảm bình đẳng giới trong quy trình hiệp thương. Xây dựng, sửa đổi trình Chính phủ ban hành, hướng dẫn và tổ chức thực hiện quy định về quy hoạch, tạo nguồn cán bộ nữ; quy định tỷ lệ nữ thích đáng để bổ nhiệm các chức danh trong các cơ quan nhà nước; quy định tỷ lệ nữ cán bộ lãnh đạo chủ chốt trong các cơ quan, tổ chức có từ 30% lao động nữ trở lên phù hợp với mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới; quy định tỷ lệ nam, nữ thích hợp, nữ được quyền lựa chọn hoặc ưu tiên nữ khi nữ đạt tiêu chuẩn như nam trong tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm. Rà soát, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hướng dẫn và tổ chức thực hiện quy định về tuổi bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng nữ cán bộ, công chức, viên chức để bảo đảm bình đẳng giữa nam và nữ; lồng ghép kiến thức về giới và bình đẳng giới trong đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

- Triển khai thực hiện Luật Bình đẳng giới, Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 đã tiếp tục khẳng định mục tiêu tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, nhằm từng bước giảm dần khoản cách giới trong lĩnh vực chính trị. 

Theo đó, Bộ Nội vụ có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và các cơ quan liên quan xây dựng, trình Chính phủ ban hành, hướng dẫn và tổ chức thực hiện quy định về quy hoạch, tạo nguồn cán bộ nữ, tỷ lệ nữ để bổ nhiệm các chức danh trong các cơ quan nhà nước; rà soát, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hướng dẫn và tổ chức thực hiện quy định về tuổi bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng nữ cán bộ, công chức, viên chức; hướng dẫn các Bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lập kế hoạch hàng năm về biên chế công chức làm công tác bình đẳng giới; giao biên chế công chức làm công tác bình đẳng giới sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; thực hiện việc lồng ghép kiến thức về giới và bình đẳng giới trong đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

2. Một số nội dung trọng tâm trong phối hợp triển khai công tác phụ nữ và cán bộ nữ giữa Bộ Nội vụ và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong thời gian tới

Để tiếp tục triển khai có hiệu quả các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới và công tác phụ nữ, cán bộ nữ theo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; để góp phần thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm và các giải pháp mà Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII đã đề ra cho nhiệm kỳ 2017-2022, Bộ Nội vụ sẽ tăng cường công tác phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, chủ động, tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ có liên quan về công tác phụ nữ và cán bộ nữ theo thẩm quyền được giao. Tập trung vào các nhiệm vụ chủ yếu như sau:

- Nghiên cứu trình Chính phủ ban hành các văn bản có tính chỉ đạo và quy phạm pháp luật thực hiện thống nhất trong cả nước để tăng cường hơn việc phụ nữ tham chính trong các cơ quan nhà nước như quy định về quy hoạch, tạo nguồn cán bộ nữ, tỷ lệ nữ để bổ nhiệm các chức danh trong các cơ quan nhà nước đảm bảo mục tiêu bình đẳng giới và phù hợp với tình hình thực tế của nước ta.

- Phối hợp với các cơ quan Trung ương và địa phương triển khai thực hiện công tác quy hoạch dài hạn cán bộ quản lý, lãnh đạo nữ, tạo tiền đề cho giai đoạn 2021-2026. Tiếp tục khảo sát, đánh giá về thực trạng đội ngũ cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý cấp Trung ương và cấp địa phương; xây dựng kế hoạch và quy hoạch bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương; hướng dẫn cụ thể các cơ quan chủ quản trong công tác sắp xếp, bổ nhiệm cán bộ nữ chủ chốt các ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố, trong việc chuẩn bị nhân sự cho nhiệm kỳ bầu cử Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp và cơ quan dân cử nhiệm kỳ 2021-2026 theo thẩm quyền được giao.

- Triển khai đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nữ quản lý, lãnh đạo và đội ngũ cán bộ nữ trong diện quy hoạch, tạo nguồn cho giai đoạn 2021-2026.

- Tăng cường cơ chế phối hợp với các cơ quan hữu quan của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương thống nhất thực hiện có hiệu quả công tác cán bộ nữ  theo các mục tiêu đề ra của Chương trình quốc gia về bình đẳng giới.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác cán bộ nữ. 

- Tích cực phối hợp triển khai các nhiệm vụ và giải pháp đề ra trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, giai đoạn 2010-2020, Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016-2020./.

Thu Tuyết/tcnn.vn