Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị khoá XI về "Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" đã đạt được kết quả bước đầu, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng và Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay". Tuy nhiên, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh còn có những hạn chế, chưa trở thành việc làm thường xuyên, chưa thành ý thức tự giác của không ít tổ chức đảng, cơ quan, địa phương, đơn vị và một bộ phận cán bộ, đảng viên. Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần chỉ thị 05- CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị gắn với việc triển khai thực hiện chuyên đề về "Nếp sống văn hóa công sở". Để thực hiện tốt, mỗi người phải hiểu rõ về văn hóa công sở được thể hiện trên những khía cạnh nào, từ đó mỗi cá nhân và tổ chức mới có một kế hoạch cụ thể và sát thực để thực hiện đem lại hiệu quả tốt. Xin có một vài trao đổi về nội dung "Nếp sống văn hóa công sở " như sau.
Thứ nhất: Văn hóa công sở được hình thành từ thái độ, tinh thần làm việc của mỗi cá nhân trong môi trường làm việc, ảnh hưởng đến môi trường làm việc và hiệu quả của nó, theo tôi, môi trường văn hóa phải là:
- Một môi trường có một kỷ cương, dân chủ, đoàn kết.
- Một môi trường có mối quan hệ giao tiếp, phong cách làm việc, ứng xử có văn hóa với đồng chí, đồng nghiệp và những người đến liên hệ công việc.
- Một môi trường mà ở đó các thành viên thể hiện cách ăn mặc có thẩm mỹ, đẹp, lịch sự.
- Môi trường mà mọi người biết trân trọng, gìn giữ của công, thực hành tiết kiệm.
- Một môi trường mà mỗi người đều có trách nhiệm xây dựng và bảo vệ uy tín cho tổ chức, mỗi cá nhân và chính bản thân mình.
Thứ hai: Để có một môi trường văn hóa, mỗi cá nhân trong môi trường đó phải xây dựng cho mình có được "Nếp sống văn hóa", muốn vậy:
- Hãy xây dựng mối quan hệ hòa đồng trong công sở: Công sở là nơi làm việc chung của nhiều người, mỗi người đều có những cá tính, sở thích, trình độ nhận thức khác nhau, nhưng đích cuối cùng mà mọi người đều phải thực hiện đó là hiệu quả công việc. Vì vậy cần phải có một sự chia sẻ, biết chấp nhận, biết thông cảm, biết giúp đỡ, biết hợp tác, biết tiếp thu ý kiến mới tạo dựng được mối quan hệ hòa đồng tại nơi làm việc.
- Hãy luôn nở nụ cười thân thiện, lời chào khi giao tiếp, khi gặp đồng chí đồng nghiệp, khi gặp người đến liên hệ công tác và nếu làm như thế ta sẽ nhận lại được cách ứng xử của người khác với mình. Hãy biết lắng nghe, biết xin lỗi và nói lời cảm ơn khi cần thiết.
- Hãy luôn là người sống chân thành, trao đổi với nhau về cả những điều tốt và những điều cần góp ý, ta hãy tin rằng lời nói thật, nói thẳng có lúc khó nghe nhưng đó sẽ là hành trang cho ta vững bước; sẽ là rất xấu nếu ta biết đồng nghiệp của mình có những thói quen không hay, mắc lỗi mà không góp ý khác gì cố tình để người đó xấu đi, tai hại hơn lại đi nói xấu sau lưng thì chính mình cũng chẳng tốt đẹp gì. Hãy cố gắng làm được những việc tốt trong khả năng có thể, giúp được ai điều gì hãy cố gắng giúp, còn nếu ngoài khả năng của mình hãy biết từ chối luôn để người ta khỏi hy vọng, trông chờ. Trong cuộc sống, tôi vẫn luôn tâm niệm một điều "Cho đi để rồi nhận lại", không phải mình nghĩ cứ đem đến cho người khác cái này để mong người ta sẽ cho lại mình cái khác (không phải chỉ là vật chất mà có thể chỉ là một câu trao đổi, một sự chia sẻ, một sự giúp đỡ nho nhỏ...). Hãy thực hiện điều đó một cách vô tư nếu có thể, ta sẽ nhận được niềm vui ở nhiều người khác đem đến. Bạn hãy thử xem!
- Hãy rèn cho mình một thói quen làm việc nghiêm túc, chấp hành quy định, nội quy của cơ quan; nhất là rèn tác phong làm việc khoa học, chuyên nghiệp; tuân thủ thời gian đi làm, thời gian thực hiện nhiệm vụ, sử dụng thời giờ làm việc một cách hiệu quả; mỗi công việc hãy tự đặt ra cho mình thời gian thực hiện và phải hoàn thành đúng thời gian do mình đặt ra (luôn phải xong trước theo quy định); muốn vậy hãy luôn là người biết chủ động trong phạm vi công việc được giao (trừ những việc đột xuất theo yêu cầu của lãnh đạo cơ quan, ban), đừng để "nước đến chân mới nhảy". Làm được như vậy, bạn sẽ có thời gian suy nghĩ, chỉnh sửa nội dung của mình một cách kỹ càng hơn để đem lại hiệu quả cao hơn, tránh việc làm vội, làm qua loa đến khi lãnh đạo góp ý nhiều lại bị rối, bị ức chế dẫn đến hòa khí không tốt.
- Hãy rèn cho mình mội thói quen nề nếp, gọn gàng, ngăn nắp trong sắp xếp phòng làm việc, bàn làm việc, lưu trữ tài liệu khoa học, dễ tìm... điều đó sẽ tạo cho mình một sự thư thái, để có đầu óc minh mẫn hơn khi làm việc, để những người khi đến tiếp xúc, làm việc với mình họ sẽ thấy một sự thư thái hơn trong một căn phòng ngăn nắp, chắc chắn công việc sẽ được giải quyết nhanh và hiệu quả hơn.
- Hãy luôn tạo cho mình một sự lạc quan: Cuộc sống sẽ không thể tránh khỏi những lúc buồn phiền từ gia đình, con cái, bạn bè, đôi khi do chính mình tạo ra; nhưng hãy biết gạt bỏ ra khỏi đầu một cách nhanh chóng để cân bằng trạng thái khi đến cơ quan làm việc, vì nếu đem bộ mặt buồn sầu, mệt mỏi hay cau có, bực tức đều không gây được thiện cảm và hưng phấn cho người xung quanh, nhất là lúc trao đổi, giải quyết công việc sẽ không đem lại kết quả cao.
- Hãy chú ý khi ăn mặc, trang điểm tại nơi làm việc: Việc ăn mặc, trang điểm phải phù hợp với môi trường làm việc và phải lịch sự, thẩm mỹ. Ngày nay, chị em đến công sở với rất nhiều bộ váy díp đa dạng, đẹp và màu sắc; tuy nhiên sẽ rất phản cảm nếu nhìn thấy một bộ váy díp mà áo sát nách, cổ quá trễ, váy quá ngắn hoặc những chiếc váy hoa lòe loẹt tại công sở.
- Hãy đừng thờ ơ, vô cảm với những điều đang diễn ra xung quanh bạn; hãy biết quan sát và có trách nhiệm với môi trường làm việc của bạn, đừng sạch của mình lại làm bẩn người khác. Hằng ngày, nhìn thấy rác, thấy điện sáng cầu thang, phòng vệ sinh ai đó để quên... đừng cho không phải việc của mình.
- Hãy luôn bảo vệ uy tín của tổ chức mình, cơ quan mình, đồng nghiệp của mình: Có thể tổ chức mình, cơ quan mình, đồng nghiệp của mình còn có những điều chưa tốt nhưng đừng ngồi đâu cũng lôi ra nói xấu, thay vào đó bạn hãy mạnh dạn góp ý với lãnh đạo cơ quan, đấu tranh với những biểu hiện chưa tốt, đề xuất những giải pháp để khắc phục những điều chưa tốt, hãy chỉ góp ý với nhau trong trực tiếp, trong hội nghị nội bộ chứ đừng để người ngoài có cớ để coi thường tổ chức của mình.
Cuộc sống sẽ trở nên tốt đẹp biết bao khi chúng ta biết ứng xử văn hóa, biết sống với nhau bằng cái tâm và đối với nhau bằng cái tình, mọi người sẽ nhìn nhau bằng sự cởi mở, chân tình và thân thiện, điều đó sẽ tạo cho mỗi người một thói quen về nếp sống văn hóa và chúng ta sẽ có được một môi trường thực sự văn hóa.