Một vài suy nghĩ về công tác cán bộ nữ ở quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng hiện nay

21/12/2018 15:37
  • Print
  • Lượt xem: 9846

Trong những năm qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức nói chung và cán bộ công chức nữ nói riêng được Quận ủy Thanh Khê đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. BTV Quận ủy luôn nghiên cứu, áp dụng cơ chế, chính sách mới về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nữ đã được ban hành và tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả. Vì thế, đội ngũ cán bộ công chức nữ của Quận Thanh Khê được tăng lên cả về số lượng và chất lượng. Công tác quy hoạch và bố trí sử dụng cán bộ nữ sau đào tạo đã được chú trọng. Đó là lý do quan trọng để đội ngũ cán bộ nữ ngày càng tự tin, chủ động phấn đấu vươn lên, cống hiến có hiệu quả góp phần vào sự phát triển kinh tế - văn hóa – xã hội của quận nhà.

Qua công tác đào tạo, bồi dưỡng, đội ngũ cán bộ, công chức nữ ở Thanh Khê ngày càng được nâng cao về cơ cấu, phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, tin học và các kiến thức bổ trợ khác, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia vào các cơ quan Đảng, Quản lý Nhà nước và các Đoàn thể đều tăng lên ở cả 2 cấp quận và phường, nhiều cán bộ nữ trẻ tuổi đã được bổ nhiệm vào các vị trí chủ chốt của các ban, ngành, đoàn thể. Bản thân đội ngũ cán bộ nữ cũng đã có những nhận thức rõ về vai trò, vị trí, trách nhiệm trước tình hình mới, đã chủ động từng bước khắc phục khó khăn, tích cực tham gia học tập các lớp đào tạo để nâng cao trình độ, năng lực nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao. Thực tế cho thấy, hầu hết cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý các ngành, các cấp của Quận, phường khi được giao nhiệm vụ đã có nhiều cố gắng vươn lên đảm nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

 

 Hiện nay, đội ngũ cán bộ công chức nữ ở Thanh Khê được bổ nhiệm giữ những chức vụ quan trọng chủ chốt trong các ngành, các cấp đều đạtcác chỉ tiêu của Chiến lược Quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam đến năm 2015và Kế hoạch hành động Vì sự tiến bộ của Phụ nữ Việt Nam đến năm 2015. Có thể tham khảo tỷ lệ nữ tham gia các cấp ủy Đảng, chính quyền nhiệm kỳ 2010 – 2015 ở Thanh Khê như sau:

 

Cấp Quận

·        Ủy viên BCH           :  07 nữ/41, đạt tỷ lệ  17,07%;

·        Ủy viên Thường vụ  :  03 nữ/11, đạt tỷ lệ 27,3%;

 

Cấp Phường

·        Ủy viên BCH           :  73 nữ/199, đạt tỷ lệ 36.6%;

·        Ủy viên Thường vụ   : 16 nữ/61, đạt tỷ lệ  26.2%;

·        Bí thư                        :  03 nữ/10, đạt tỷ lệ 30 %;

·        Phó Bí thư                   :  07 nữ/20, đạt tỷ lệ 35%;

·        Chủ tịch UBND: 1 nữ/10, đạt tỷ lệ 10%;

·        Phó chủ tịch UBND: 8 nữ/19, đạt tỷ lệ 42,1%.

 

Một điều dễ dàng nhận thấy rằng tỷ lệ nữ cán bộ được bầu vào Ban chấp hành, Ban Thường vụ ở cấp phường và Quận luôn đạt tỷ lệ cao. Đặc biệt, ở một số phường đều có cán bộ nữ giữ chức danh chủ chốt như Bí thư, Phó Bí thư; Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND. Điều này thể hiện sự chuyển biến tích cực, đồng bộ trong nhận thức và hành động về công tác cán bộ nữ của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ Quận đến phường; sự hỗ trợ, tạo điều kiện cần thiết của các ngành, các cấp cho cán bộ nữ phát triển. Bên cạnh đó, không thể không nói đến sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ nữ đã tích cực học tập nâng cao trình độ, từng bước vươn lên để tự khẳng định mình trong thời gian qua.

 

Mặc dù tỷ lệ cán bộ nữ tham gia vào bộ máy lãnh đạo Đảng, chính quyền đạt tỷ lệ cao so với mặt bằng chung của toàn thành phố nhưng hiện nay ở Thanh Khê vẫn chưa có cán bộ nữ giữ chức danh chủ chốt là Phó Bí thư, Phó Chủ tịch UBND cấp Quận trở lên. Điều này có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân và rào cản khác nhau. Đó có thể là do nhận thức về bình đẳng giới trong các cấp lãnh đạo đôi lúc, đôi nơi còn giản đơn, thiếu quan tâm phân tích giới trong xây dựng chính sách, kế hoạch phát triển chung trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ nữ; do chính sách bất cập đối với cán bộ nữ như quy định về độ tuổi nghỉ hưu của cán bộ nữ thấp hơn nam cũng là nguyên nhân rất đáng quan tâm; vai trò tham mưu của hội phụ nữ các cấp còn mờ nhạt và ngay chínhbản thân cán bộ nữ chưa thật sự nỗ lực vươn lên, khắc phục trở ngại mọi mặt trong quá trình công tác để phấn đấu ở vị trí cao hơn cũng được coi là rào cản đặc biệt quan trọng.

 

Có thể khẳng định, chủ trương của Đảng, luật pháp chính sách của Nhà nước đã và đang tạo những điều kiện thuận lợi để thúc đẩy công tác lãnh đạo nữ. Tuy nhiên, trên thực tế, nữ lãnh đạo đang gặp nhiều khó khăn,trở ngại trong quá trình phấn đấu vào các vị trí quản lý, lãnh đạo. Những trở ngại này có thể thấy ở cả nơi làm việc, trong việc đào tạo, bồi dưỡng cũng như tại gia đình và trong quan niệm, nhận thức xã hội. Để tỷ lệ cán bộ nữ được bổ nhiệm, tham gia vào bộ máy lãnh đạo của Đảng, chính quyền ngày càng cao, thiết nghĩ cũng cần có sự tác động từ nhiều phía; cụ thể như việc hoạch định chính sách dành cho cán bộ nữ, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới của lãnh đạo và chủ thể được tác động – đó là đội ngũ cán bộ nữ cũng cần có sự bứt phá trong công tác, có tinh thần trách nhiệm cao và nỗ lực, phấn đấu để vươn lên…

Hà Thu

 

Hội LHPN TP Đà Nẵng