Những trở ngại và khó khăn khi phụ nữ làm Sếp

02/01/2018 15:14
  • Print
  • Lượt xem: 29559

Ngẫm lại mới thấy, phụ nữ làm sếp thật sự không đơn giản. Những trở ngại và khó khăn khi phụ nữ làm Sếp, từ khách quan lẫn chủ quan. 

Thế là, tôi lại phải trăn trở cả ngày về một quyết định liên quan đến nhân sự trong công ty, bỏ thì thương mà vương thì tội. Thật khó để đưa ra quyết định giữa tình và lý. Tôi thấy đau lòng khi phải quyết định cho người nhân viên vừa vi phạm kỷ luật buộc phải ra đi dù chị em đã gắn bó suốt thời gian dài. Nhưng nếu giữ bạn ấy lại sẽ làm ảnh hưởng đến công việc chung. Tôi đang tự hỏi, nếu tôi là một sếp nam, tôi có phải trăn trở nhiều như vậy không hay là sẽ dễ dàng đưa ra quyết định hơn? Dưới đây là những khó khăn và trở ngại khi phụ nữ làm Sếp.

Những thử thách và khó khăn khi phụ nữ làm sếp


1. Định kiến giới của xã hội

Đây vẫn là một vấn đề đầy thách thức cho những người phụ nữ muốn vươn lên và làm Sếp. Tôi đã từng thấy có những cơ hội thăng tiến cho nữ bị vụt mất bởi những định kiến hẹp hòi, còn quá cầu toàn, thiếu sự tin tưởng, khắt khe trong việc đánh giá khả năng và sự đóng góp của phụ nữ trong công việc. Có những người thậm chí, họ không thích tuyển dụng nữ vì lo rằng phụ nữ không chuyên tâm lo cho công việc bằng nam, là phải bận rộn việc gia đình con cái. Vì thế cơ hội phát triển sự nghiệp cho nữ cũng hạn chế rất nhiều. Để có thể trở thành Sếp, chúng tôi – những người phụ nữ hiện đại – phải không ngừng nỗ lực gấp nhiều lần hơn so với đàn ông trong việc khẳng định chính mình để được tin tưởng và giao phó những công việc quan trọng, để có thể trở thành Sếp trong một tổ chức, trong một công ty.

“Định kiến giới của xã hội vẫn là một vấn đề đầy thách thức cho những người phụ nữ muốn vươn lên và làm Sếp”.


2. Sự khắt khe và khó nhận được sự thừa nhận

Tôi đã gặp khá nhiều người, khi được hỏi thì họ tỏ ra khá dè chừng và e ngại khi Sếp của mình là nữ vì cho rằng làm việc với Sếp nữ thường thiếu bản lĩnh, thiếu quyết đoán và chi ly, tính toán hơn so với làm việc với Sếp nam. Đối với đàn ông, họ cho rằng làm việc dưới quyền phụ nữ làm họ cảm thấy hơi “mất thể diện” và thật sự không thoải mái bằng với nam giới bởi cái định kiến trong họ vẫn còn đâu đó quan điểm phụ nữ thì giỏi việc nhà thôi chứ công việc kinh doanh, quản lý và điều hành thì biết gì mà làm, mà có làm thì cũng chắc gì đã hay. Đối với nữ giới, tôi cũng thấy có nhiều người họ thích có Sếp là nam hơn bởi đâu đó trong họ vẫn lo nghĩ phụ nữ với nhau dễ sinh đố kỵ, ganh tị, hay săm soi từng chút một. Nhân viên dưới quyền chỉ thật sự thay đổi suy nghĩ khi phải làm việc với Sếp nữ một khoảng thời gian dài đủ để họ thấy cảm phục, quý mến và tự hào về người Sếp nữ của mình. Điều này cho thấy, áp lực của Sếp nữ trong việc thể hiện bản lĩnh, khả năng lãnh đạo, quản lý của mình cao hơn rất nhiều so với nam giới là có thật.

“Sự khắt khe và khó nhận được sự thừa nhận và tự hào của nhân viên dưới quyền”


3. Áp lực đánh mất chính mình

Phụ nữ thì vẫn là phụ nữ, vẫn luôn bị xem là phái yếu với những yếu điểm nhất định như dễ mềm lòng, sống tình cảm, dễ xúc động, dễ quyết định theo cảm tính kể cả khi họ làm Sếp,… Vì thế, để có thể trở thành người Sếp được tôn trọng và thành công thì họ phải học hỏi, rèn luyện, tích lũy những tố chất cần thiết cho một người lãnh đạo, quản lý nhiều hơn rất nhiều so với nam giới. Và như vậy, vô tình họ cũng dần đánh mất chính mình lúc nào không hay.

ApLucSep.jpg


Cái mất ở đây là sự cho phép mình được mềm yếu thay thế bằng việc phải mạnh mẽ và bản lĩnh trước mọi hoàn cảnh, là phải trở nên cứng rắn, là phải có “tinh thần thép” để đối mặt với sóng gió, kiên quyết hơn trong mọi quyết định của mình, là phải bỏ đi cái con người cảm tính của mình để đặt lý trí cao hơn mà phán xét, quyết định và kiểm soát mọi việc. Đối với tôi, việc này thật không đơn giản. Tôi đã từng phải trằn trọc cả đêm và đấu tranh tư tưởng rất nhiều hay áy náy cả một khoảng thời gian dài do phải đưa ra những quyết định mà việc đó buộc tôi phải bỏ hoàn toàn tình cảm, cảm xúc của mình ra ngoài. Đôi lúc tôi cảm thấy mệt mỏi vì phải “gồng mình” để trở thành người Sếp nữ chuẩn mực, phải trở nên khó khăn và nghiêm khắc hơn, phải giả vờ trở nên mạnh mẽ trong khi nước mắt cứ trực tuôn trào trong những khoảnh khắc cô đơn, khi thấy bất lực, khi thấy bị bất công, khi phải nếm trải thất bại.

“Để có thể trở thành người Sếp được tôn trọng và thành công thì họ phải học hỏi, rèn luyện, tích lũy những tố chất cần thiết cho một người lãnh đạo, quản lý nhiều hơn rất nhiều so với nam giới. Và như vậy, vô tình họ cũng dần đánh mất chính mình lúc nào không hay”.


4. Áp lực phải luôn hoàn hảo

Một trong những khó khăn khi phụ nữ làm Sếp chính là việc cầu toàn và luôn muốn mọi việc phải đi đúng hướng đã định sẵn. Tôi luôn có cảm giác rất hay tự dằn vặt bản thân khi xảy ra điều không như ý.

Chính vì điều đó vô hình chung chính tôi lại tự tạo áp lực cho chính mình và cho những người nhân viên xung quanh mình. Tôi luôn có xu hướng muốn được kiểm tra, giám sát mọi thứ, lo sợ nhân viên mình không làm tốt, công việc không hoàn thiện nên thường hay can dự vào mỗi việc và điều đó đã vô tình tạo nên những áp lực công việc không cần thiết cho mình và cho cả nhân viên dưới quyền. Tôi đã phải cố gắng để học cách chấp nhận mọi sự bất biến, không hoàn hảo. Tôi phải rèn luyện cho mình sự bình tĩnh chấp nhận, không phán xét, biết cách phối hợp nhịp nhàng và hoàn thiện hơn, biết tin người, trao quyền, không ôm đồm và biết cách cân bằng để cảm thấy thanh thản nhẹ nhàng hơn trong mọi việc, nhờ đó có thể đạt đến sự thành công nhất định hơn.

” Áp lực phải luôn hoàn hảo”


5. Quỹ thời gian hạn chế khi phụ nữ làm Sếp

Tôi luôn có một ước ao, một ngày không chỉ có 24h, bởi tôi luôn có cảm giác mình thiếu thốn thời gian kinh khủng cho mọi công việc của mình. Cùng một lúc, tôi phải đóng nhiều vai trò hơn, vừa làm Sếp giỏi, vừa là đối tác bản lĩnh, vừa là người chị thân tình của nhân viên, vừa là người ham học hỏi trong mọi việc, vừa là người hoạt bát, quảng giao ngoài xã hội, vừa phải xinh đẹp, giỏi giang, đầy tự tin, vừa phải làm vợ, vừa phải làm mẹ, làm con dâu thảo,…


Ngoài ra, còn cả nhũng áp lực về thời gian…

Đôi khi tôi thật sự thấy đuối vì phải luôn chạy đua với thời gian để có thể hoàn thành tốt nhất mọi vai trò của mình. Phụ nữ muốn trở thành người Sếp được mọi người tôn trọng, quý mến, yêu thương, nể phục thì luôn luôn trong tâm thế không được hài lòng với chính mình, không ngừng nỗ lực học hỏi, không ngừng vươn lên và phải luôn cố gắng hoàn thành tốt mọi vai trò của mình. Cũng như mọi người, tôi cũng chỉ có 24h mỗi ngày, thế nên tôi phải biết cách sắp xếp thời gian, công việc của mình một cách khoa học để không chỉ sống cho công việc, cho gia đình mà còn phải sống cho bản thân mình nữa.

“Quỹ thời gian hạn chế”


6. Áp lực trong việc tạo lập và duy trì các mối quan hệ

Sếp nữ được xem là phát huy được ưu thế hơn về khả năng dung hòa các mối quan hệ và áp lực công việc, khéo léo, tinh tế và mềm mỏng hơn trong phong cách lãnh đạo, quan hệ đối tác và khách hàng hơn so với Sếp nam. Tuy vậy, áp lực trong việc tạo lập và duy trì các mối quan hệ so với nam thật sự vẫn cao hơn rất nhiều. Là Sếp nữ, tôi thấy mình bị hạn chế rất nhiều thứ so với một Sếp nam. Theo một nghiên cứu thì hiện nay có khoảng 20% nữ nắm những vai trò lãnh đạo quan trọng trong các tổ chức. Thực tế cho thấy các mối quan hệ trong công việc, với khách hàng, đối tác của tôi lại thường là nam rất nhiều. Điều đó cũng là một trở ngại không nhỏ cho tôi khi tôi là phụ nữ. Tôi không thể quá thoải mái cởi mở với các mối quan hệ bởi lo ngại sự khắc khe đánh giá từ mọi người. Tôi luôn phải dè chừng, cẩn trọng và hết sức tỉnh táo trước những lời lẽ tán tỉnh bên công việc của các quý ông. Tôi không thể ngồi nhậu đến say khướt để có được một hợp đồng béo bở. Tôi không thể lấy tình cảm để đùa giỡn hay nhờ vả ai đó làm theo ý mình. Tôi không thể giải quyết mọi việc trên bàn nhậu cho thân tình. Tôi không thể đi sớm về khuya theo mọi người được. Thế nên, là Sếp nữ, tôi luôn cố gắng tận dụng thế mạnh của mình là mềm mỏng, nhẹ nhàng, là tâm lý, khéo léo, là nhẫn nại, kiên trì và tinh tế để dễ dàng thu phục nhân tâm, để thuyết phục khách hàng, đối tác của mình, để tạo lập và duy trì những mối quan hệ tốt, để nhân viên luôn đồng hành và phấn đấu đạt mục tiêu chung trong công việc.

“Áp lực trong việc tạo lập và duy trì các mối quan hệ”


7. Áp lực cân bằng giữa công việc và cuộc sống gia đình

Điều này thì có lẽ không kể ra tôi nghĩ mọi người đều có thể nhìn thấy rất rõ qua những minh chứng xung quanh mình. Tôi đã từng tự vấn mình có phải là người phụ nữ tham lam không khi vừa muốn thành đạt trong sự nghiệp của mình, vừa muốn gia đình mình luôn sống hạnh phúc. Hơn ai hết, tôi luôn hiểu rất rõ sự nghiệp sẽ trở nên vô nghĩa khi tôi không có gia đình đúng nghĩa, nhưng nếu tôi không ngừng nỗ lực cho sự nghiệp của mình được thành đạt thì lấy đâu ra cơ sở để tôi chăm lo chu đáo cho gia đình của mình, đảm bảo cho một gia đình hạnh phúc? Chính những suy nghĩ này vô tình đã tạo nên khá nhiều áp lực buộc tôi phải nỗ lực mỗi ngày cho việc cân bằng gia đình và sự nghiệp. Cố gắng hết sức để chuyển hóa việc gia đình và sự nghiệp trở nên bổ sung tương trợ cho nhau. Sự nghiệp sẽ hỗ trợ cho gia đình và gia đình sẽ là nền tảng để thúc đẩy sự nghiệp tôi phải thành công, phải phát triển.

Phụ nữ làm Sếp là một hành trình không trải hoa hồng.

Phụ nữ làm Sếp là một hành trình không trải hoa hồng. Thế nhưng, ngày nay đang ngày càng có rất nhiều các lãnh đạo, các vị trí cấp cao, các doanh chủ là nữ và con số này đang không ngừng tăng lên. Điều này cho thấy, phụ nữ đang tạo ra được những giá trị đích thực, những ảnh hưởng và thành công nhất định đáng được ghi nhận, ủng hộ và động viên.

Ngoài những trở ngại và khó khăn khi phụ nữ làm Sếp thì họ cũng có những thế mạnh riêng để hoàn toàn có thể tự hào, tự tin và thành công trên con đường sự nghiệp của mình. Phụ nữ không thiếu niềm đam mê, không thiếu hoài bão và khát khao được thành công, được là chính mình, được đóng góp công sức cho sự đảm bảo hạnh phúc gia đình, cho sự phát triển của xã hội. Thế nên, hãy luôn giữ được khí chất tuyệt vời, sự tinh tế nhạy bén, tinh thần không ngừng học hỏi và vươn lên, biết chăm sóc sức khỏe và làm đẹp cho chính mình, năng động, tự tin, tràn đầy sức sống… để mình có thể trở thành bất cứ ai và làm bất cứ điều gì mình muốn.

Phụ nữ ơi, bạn có dám?

getflycrm.com

getflycrm.com