Việt Nam thực hiện tốt các mục tiêu về bình đẳng giới

19/10/2017 11:28
  • Print
  • Lượt xem: 1942

Việt Nam là một trong những quốc gia đạt thành tựu cao về thực hiện bình đẳng giới, được Liên hợp quốc đánh giá là điểm sáng trong thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ. 

Cùng với các chính sách của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, công tác bình đẳng giới đạt được nhiều thành tựu, góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước. 
Việt Nam là một trong số các nước có nhiều thành tựu về thực hiện bình đẳng giới đã được quốc tế ghi nhận. Theo xếp hạng của Liên hợp quốc về chỉ số bình đẳng giới (GII) năm 2014, Việt Nam xếp thứ 60/154 quốc gia trên thế giới.
Việt Nam thực hiện tốt các mục tiêu về bình đẳng giới - ảnh 1
Tỷ lệ nhập học bậc tiểu học của Việt Nam đã đạt đến 99%. Ảnh: Chí Cường

Những thành tựu

Trong những năm qua, Việt Nam thực hiện nhiều bước đột phá về nhận thức và hành động, từ khía cạnh luật pháp, chính sách đến thực tiễn và đạt được nhiều thành tựu quan trọng về bình đẳng giới. Điểm nổi bật trong việc bảo đảm quyền lợi về giới ở Việt Nam là việc hoàn thiện khung luật pháp, chính sách về bình đẳng giới.Việt Nam đã xây dựng và ban hành các văn bản pháp quy thể hiện nguyên tắc về bình đẳng giới, không phân biệt đối xử theo quy định của Luật Bình đẳng giới 2006 và Công ước của Liên hợp quốc về xóa bỏ các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ, lồng ghép bình đẳng giới trong việc xây dựng và thực thi pháp luật ở trong nước. Việt Nam cũng ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 với mục tiêu nâng cao nhận thức, thu hẹp khoảng cách về giới và nâng cao vị thế của phụ nữ; tích cực thực hiện các sáng kiến quốc tế và khu vực nhằm thúc đẩy việc bảo vệ quyền của phụ nữ và chống phân biệt đối xử đối với phụ nữ. Mục tiêu bình đẳng nam nữ và nâng cao vị thế cho phụ nữ, một trong 3 mục tiêu thiên niên kỷ (MDG 2013), được Việt Nam hoàn thành trước thời hạn năm 2015, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong vòng 20 năm qua trên thế giới.
Chiếm hơn 50% dân số và gần 50% lực lượng lao động xã hội, phụ nữ Việt Nam ngày càng tham gia sâu vào mọi hoạt động trong cộng đồng. Tỷ lệ phụ nữ tham gia Quốc hội khóa XIV (2016-2021) đạt 26,8%, đưa Việt Nam nằm trong nhóm nước có tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội cao ở khu vực và thế giới. Phụ nữ đảm nhiệm nhiều vị trí lãnh đạo chủ chốt của đất nước như Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch nước, Bộ trưởng; Thứ trưởng. Ở các địa phương, nhiều phụ nữ giữ vai trò chủ chốt ở các cấp, các ngành, góp phần giải quyết các vấn đề quan trọng. Nữ doanh nhân là người dân tộc thiểu số tăng, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Vai trò của phụ nữ dân tộc thiểu số ngày càng được phát huy.
Tiếp tục triển khai các mục tiêu về bình đẳng giới
Báo cáo quốc gia của Việt Nam về việc thực hiện quyền con người theo cơ chế kiểm điểm định kỳ phổ cập của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc, mà Việt Nam là thành viên trong giai đoạn 2014-2016,  cho thấy chiến lược quốc gia về bình đẳng giới và tiến bộ của phụ nữ Việt Nam đã được tập trung triển khai ở những vùng và khu vực có sự bất bình đẳng và nguy cơ bất bình đẳng cao. Điều này góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn bán phụ nữ và bạo lực trong gia đình, tạo điều kiện để phụ nữ tham gia học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu công việc, nhiệm vụ. Chính phủ cũng triển khai các giải pháp trong việc thực thi pháp luật cũng như hợp tác quốc tế nhằm vượt qua những thách thức chủ yếu liên quan tới nhận thức về bình đẳng giới; xóa bỏ bạo lực giới và bạo lực gia đình; khoảng cách về việc làm, thu nhập, địa vị xã hội…Đã có nhiều mô hình thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới và nâng cao quyền năng cho phụ nữ được triển khai hiệu quả ở các cấp, các ngành trong thời gian qua. Những biện pháp nâng cao bình đẳng giới này tiếp tục được Việt Nam tập trung triển khai trong thời gian tới.

Cùng với đó, Việt Nam đặt mục tiêu nâng cao tỷ lệ phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia các vị trí lãnh đạo các cấp, nâng cao chất lượng sống và kỹ năng, trình độ của phụ nữ dân tộc thiểu số. Chính phủ cũng đặc biệt chú trọng đến việc tạo cơ hội cho phụ nữ tiếp cận việc làm có thu nhập cao, tăng cường chất lượng cuộc sống cho mỗi cá nhân phụ nữ, mỗi gia đình và toàn xã hội.Việt Nam cũng sẽ tiếp tục truyền thông tăng cường nhận thức về bình đẳng giới, nhằm thay đổi thái độ và tư tưởng về giới vốn là định kiến trong xã hội; thúc đẩy hợp tác quốc tế trong việc giải quyết vấn đề bình đẳng giới, đặc biệt là ở các nhóm yếu thế và trong các lĩnh vực có tính chiến lược như giáo dục, y tế, việc làm.

Nguồn: http://vovworld.vn/

Nguồn: http://vovworld.vn/