Việt Nam tham gia Hiệp định thương mại tự do: Nam nữ bình đẳng trong việc làm

21/12/2018 14:45
  • Print
  • Lượt xem: 2433

Việc Việt Nam tham gia vào Hiệp định Thương mại tự do sẽ tác động trực tiếp đến từng gia đình, công ăn việc làm và quyền lợi của từng người lao động, trong đó có đông đảo LĐ nữ.

Việc Việt Nam tham gia vào Hiệp định Thương mại tự do (FTA) không còn là vấn đề vĩ mô mà đang và sẽ tác động trực tiếp đến từng gia đình, công ăn việc làm và quyền lợi của từng người lao động (LĐ), trong đó có đông đảo LĐ nữ.

Tạo thêm rất nhiều cơ hội việc làm

Ông Nguyễn Mạnh Cường - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), Trưởng nhóm lao động Đoàn đàm phán TPP cho biết,  trong số 16 FTA mà Việt Nam đã, đang và sẽ tham gia (đang đàm phán) có 2 hiệp định có cam kết về LĐ là Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP (vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6) và FTA với 28 nước thành viên của Liên minh châu Âu EU.

Hai hiệp định này ở Việt Nam gọi là các FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao, toàn diện nên có phạm vi cam kết rộng và ở mức độ cao nhất từ trước đến nay, hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội phát triển mới cho Việt Nam. Không chỉ mang lại ưu đãi về thuế xuất, các FTA thế hệ mới còn giúp Việt Nam tiếp tục đổi mới chính sách, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo thêm rất nhiều cơ hội việc làm và việc làm chất lượng cao, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho người LĐ.

Theo Viện Khoa học - Lao động xã hội, dự kiến từ năm 2020, việc tham gia CPTPP có thể tạo thêm 17.000 - 20.000 việc làm/năm; FTA với EU có thể tạo ra 18.000 - 19.000 việc làm. Những ngành nghề có số việc làm ổn định tăng nhiều là những ngành nghề xuất khẩu chủ lực, sử dụng nhiều LĐ nữ như: dệt may, da giày, chế biến thực phẩm, lắp ráp điện tử... Trong bối cảnh việc làm ngày càng khó khăn hơn thì sự đóng góp của các hiệp định đối với vấn đề công ăn việc làm, giải quyết tình trạng thất nghiệp là rất lớn.

Không chỉ mang đến những cơ hội việc làm, các FTA thế hệ mới góp phần bảo đảm tốt hơn nữa quyền lợi người LĐ. Bà Marva Corley, chuyên gia Ban nghiên cứu của Tổ chức lao động quốc tế ILO nhấn mạnh, các điều khoản về LĐ tạo thuận lợi cho việc tiếp cận thị trường LĐ, đặc biệt là đối với phụ nữ trong độ tuổi LĐ, góp phần thu hẹp khoảng cách về lương giữa hai giới.

Ông Nguyễn Văn Bình - Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết: Để phù hợp với các điều khoản LĐ trong các FTA thế hệ mới, những nội dung trong Bộ luật Lao động sẽ được sửa đổi để bảo đảm sự tương thích, bao gồm: chênh lệch tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ; những công việc cấm sử dụng LĐ và việc sử dụng LĐ là người khuyết tật.

Quyền lợi của LĐ nữ được đảm bảo tốt hơn

Về vấn đề tuổi nghỉ hưu của người LĐ, Ông Bình cho hay: “Có nhiều lý do, căn cứ để điều chỉnh tuổi nghỉ hưu; trong đó có lý do để đáp ứng với tiêu chuẩn và cam kết quốc tế. Đây cũng là một trong các chủ đề liên quan đến nhóm tiêu chuẩn bình đẳng, không phân biệt đối xử về mọi khía cạnh trong việc làm và nghề nghiệp. Tiêu chuẩn này được đề cập rất nhiều trong các công ước quốc tế mà Việt Nam đã là thành viên. Trong đó, yêu cầu đặt ra là LĐ nam và LĐ nữ phải được bình đẳng về việc làm, cơ hội việc làm, bao gồm cả tuổi nghỉ hưu”.

Theo quy định, nữ giới được ưu tiên về hưu trước 5 năm so với nam giới. Sửa đổi quy định này, hiện nay có ý kiến đề xuất theo hướng tuổi nghỉ hưu của nữ giới là 60 tuổi và nam giới là 62 tuổi. Nếu áp ngay quy định này, theo ông Nguyễn Văn Bình sẽ dẫn đến tình trạng chưa chắc đã bình đẳng và gây “sốc” với nhiều người. Vì vậy, trong dự thảo Luật Lao động sửa đổi sẽ quy định theo hướng rút dần khoảng cách giữa nam và nữ. Đối với nam đang quy định là 60 tuổi, nữ 55 tuổi thì theo phương án 1 từ năm 2021 cứ mỗi năm, nam tăng 3 tháng, nữ 4 tháng cho đến khi đủ 62 đối với nam, đủ 60 với nữ. Phương án 2 là tất cả tăng 6 tháng cho đến khi nam đủ 62, nữ đủ 60 từ năm 2021.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật Lao động sửa đổi cũng sẽ hướng đến bảo đảm tốt hơn nguyên tắc bình đẳng, không phân biệt đối xử trong LĐ liên quan đến các vấn đề giới, quấy rối tình dục, thai sản, tuổi tác… Đáng chú ý, các quy định liên quan đến bảo vệ LĐ nữ trong thời kỳ thai sản sẽ phải đảm bảo đối với: giờ làm việc; điều chuyển công việc khi LĐ nữ mang thai làm công việc nặng nhọc, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con; nghỉ thai sản; bảo đảm việc làm cho LĐ nữ vì lý do thai sản; quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng LĐ của LĐ nữ mang thai”, ông Nguyễn Văn Bình cho biết thêm.

 

baophunuthudo