Văn hóa gia đình và bình đẳng giới

19/10/2017 11:40
  • Print
  • Lượt xem: 3453

Trong quá trình hội nhập vào dòng chảy văn hóa quốc tế, người phụ nữ Việt đã tham gia vào mọi hoạt động xã hội, khẳng định vai trò trong nền kinh tế quốc gia lẫn kinh tế gia đình, nhưng họ vẫn chưa được đối xử thực sự bình đẳng với nam giới. Vì vậy, nâng cao đời sống tinh thần cho giới nữ phải xuất phát từ việc bình đẳng trong phân công lao động gia đình.

Ở Việt Nam, trong chế độ phong kiến “trọng nam, khinh nữ” nữ giới chủ yếu coi sóc các việc trong nhà, không được tự chủ trong hôn nhân, không được quyết định những việc quan trọng trong gia đình, cũng như không được học hành hay tham gia vào các hoạt động xã hội như kinh tế, chính trị, quân sự... Họ không có tài sản, không có tự chủ, phải phụ thuộc hoàn toàn vào cha (khi chưa kết hôn), vào chồng (khi đã kết hôn) và vào con trai (khi chồng mất). Xã hội trọng nam, gia đình cũng trọng nam đã ăn sâu bén rễ trong tư tưởng của cộng đồng người Việt.

Chia sẻ việc chăm con cùng vợ

Trong cuộc sống ngày nay hình ảnh người phụ nữ làm việc nhà còn nam giới xem ti vi, hay nữ giới chăm con trong khi nam giới quây quần bên bàn nhậu sau giờ làm việc... vẫn là hiện tượng khá phổ biến.

Chúng ta hay gán trách nhiệm chăm sóc con cái khỏe mạnh, ngoan ngoãn, học hành giỏi giang và thành đạt cho người mẹ; gán trách nhiệm chăm sóc ngôi nhà sạch sẽ, ngăn nắp, cơm ngon canh ngọt cũng như phải dịu dàng, phục tùng chồng cho người vợ; gán trách nhiệm chăm sóc cả ba mẹ chồng và cả bà con, họ hàng cho người con dâu... mà không gán trách nhiệm nào với gia đình cho người đàn ông.

Rất nhiều lý do để biện minh cho sự bất bình đẳng này, nhưng một nguyên nhân không thể khắc phục lại thuộc về thiên chức của phụ nữ, đó là mang thai, sinh con và nuôi con nhỏ. Ở khu vực kinh tế tư nhân thường ưu tiên tuyển dụng lao động nam nhiều hơn, thu nhập và cơ hội thăng tiến của nam cũng cao hơn. Vai trò kinh tế kém hơn, thăng tiến chậm hơn, là những yếu tố ảnh hưởng đến sự bình đẳng trong gia đình và có tác động tiêu cực đến tinh thần của nữ giới. Nguy cơ mất việc cao, thu nhập vừa thấp vừa không bình đẳng, vệ sinh ở nơi làm việc không đảm bảo, không hỗ trợ lao động nữ sau nghỉ thai sản, không có nơi gửi con nhỏ ổn định... khiến lao động nữ luôn trong tâm trạng lo lắng, mệt mỏi, về lâu dài gây ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của lao động nữ và đời sống tinh thần của gia đình. Thế nhưng họ lại có quá ít thời gian chăm sóc sức khỏe tinh thần của chính mình. Một số trường hợp không nhận được sự chia sẻ từ người chồng đã khiến phụ nữ sau thai sản bị suy nhược, trầm cảm. Nếu nam giới ý thức hơn trách nhiệm của mình trong việc chăm sóc vợ con, chia sẻ trong công việc nhà thì những sự việc đáng tiếc đó đã không xảy ra.

Dự án Tăng cường bình đẳng giới và nâng cao năng lực, vị thế cho phụ nữ của UNDP đã nhận định rằng: “Phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, chiến 48,4% lực lượng lao động”. Nam giới muốn sau giờ làm là thời gian nghỉ ngơi thoải mái để xóa đi những lo toan, vất vả thì lẽ nào người phụ nữ lại không muốn (và không được muốn) những điều đó trong khi phụ nữ thường tham gia vào các công việc không chính thức và dễ bị tổn thương?!

Ở TPHCM, nữ giới luôn chiếm hơn một nửa tổng dân số thành phố trong thống kê suốt 10 năm qua. Nữ giới ở TPHCM cũng có vai trò quan trọng trong nền kinh tế hướng thương mại - dịch vụ. Giai đoạn 2011 - 2013 có 32,5% người đại diện doanh nghiệp mới thành lập là nữ; lao động nữ chiếm 52,2% trên tổng số lao động được giải quyết việc làm; 74,5% đơn vị trên địa bàn thành phố có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ. Mặc dù nữ giới tham gia hoạt động kinh tế không thua kém nam giới nhưng lao động nữ ở thành phố vẫn phải cáng đáng việc gia đình ngoài giờ làm việc. Do đó, người phụ nữ không có nhiều thời gian làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của mình như nam giới. Chưa kể, vẫn tồn tại một bộ phận nữ giới bị bạo hành gia đình hoặc coi nhẹ giá trị lao động của những người phụ nữ làm nội trợ. Vì vậy, nâng cao đời sống tinh thần cho giới nữ phải xuất phát từ việc bình đẳng trong phân công lao động gia đình.

Như đã đề cập, phân công lao động gia đình là vấn đề thuộc về “nội bộ” gia đình nên các biện pháp can thiệp đều không thể thuần lý tính hay cứng nhắc theo chế định, pháp định mà phải thông qua nhận thức để hình thành tư tưởng, quan điểm cho cả hai giới. Bởi lẽ, hiện nay không chỉ nam giới mà vẫn còn một bộ phận nữ giới chưa nhận thức được vị thế của mình, chưa hiểu thế nào là bình đẳng giới và chưa có ý thức sống vì mình, nhất là nữ giới ở những vùng nông thôn.

Hiện nay, tuyên truyền nâng cao nhận thức và hành vi của nam giới, tiến tới tự giác chia sẻ việc nhà hài hòa với nữ giới, thông qua báo chí, truyền thanh, truyền hình, qua hoạt động của Hội Phụ nữ vẫn là biện pháp chủ yếu. Để cải thiện hiệu quả tuyên truyền, cần thường xuyên thực hiện khảo sát để tìm hiểu xu hướng, tâm tư, tình cảm của hai giới, từ đó thiết kế biện pháp, cách thức tuyên truyền phù hợp để cả hai giới cùng thấy trách nhiệm trong việc xây dựng đời sống tinh thần của gia đình trên nền tảng yêu thương, tôn trọng và chia sẻ.

NGUYỄN TÔN THỊ TƯỜNG VÂN
(Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM)

Nguồn: http://www.sggp.org.vn/

Nguồn: http://www.sggp.org.vn/