Bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị được xem là một trong những nội dung quan trọng, then chốt, tạo cơ hội cho phụ nữ được nói tiếng nói đại diện cho giới mình, được phát huy trình độ năng lực, kinh nghiệm, thể hiện quan điểm trong quyết định các chính sách về các lĩnh vực khác nhau của quốc gia. Thông qua đó, góp phần tạo nên nền tảng vững chắc cho việc thúc đẩy bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Trong “Chính cương vắn tắt”, “Sách lược vắn tắt” của Đảng, Bác Hồ đã khẳng định nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam là “đánh đổ đế quốc Pháp và bọn phong kiến, làm cho nước Nam hoàn toàn được độc lập, nam nữ bình quyền”. Chính vì vậy, ngay sau khi giành độc lập Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đến việc đảm bảo quyền con người của phụ nữ nói chung và quyền chính trị của phụ nữ nói riêng, coi đó là một trong những mục tiêu lớn, một chương trình hành động thiết thực nhằm đảm bảo quyền con người.
Để đảm bảo quyền bình đẳng trên lĩnh vực chính trị của phụ nữ, trước hết phải kể đến quyền bầu cử và ứng cử. Đây là quyền lợi chính trị cực kỳ quan trọng của phụ nữ Việt Nam. Điều 6, Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước”; Điều 27 quy định: "Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Việc thực hiện các quyền này do luật định". Điều 8, Điều 9, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 quy định: “Số lượng phụ nữ được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội do UBTV Quốc hội dự kiến trên cơ sở đề nghị của Đoàn Chủ tịch BCH Trung ương Hội LHPN Việt Nam, bảo đảm có ít nhất ba mươi lăm phần trăm tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu HĐND là phụ nữ”. Tại khoản 5, Điều 11 Luật Bình đẳng giới năm 2006 quy định các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị. Theo quy định này, các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị bao gồm: a) Bảo đảm tỷ lệ thích đáng nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phù hợp với mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới; b) Bảo đảm tỷ lệ nữ thích đáng trong bổ nhiệm các chức danh trong cơ quan nhà nước phù hợp với mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.”
Ngày 24/12/2010, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 bằng Quyết định 2351/QĐ-TTg. Có thể thấy chiến lược là một nỗ lực lớn của chính phủ trong việc bảo đảm và thúc đẩy bình đẳng giới ở nước ta. Chiến lược có mục tiêu tổng quát là: "Đến năm 2020, về cơ bản, bảo đảm bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, góp phần vào sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước”. Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 với 7 mục tiêu, 22 chỉ tiêu nhằm thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị. Trong đó, mục tiêu 1 về Tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị quy định 3 chỉ tiêu sau: Chỉ tiêu 1: Phấn đấu đạt tỷ lệ nữ tham gia các cấp uỷ Đảng nhiệm kỳ 2016- 2020 từ 25% trở lên; tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2020 trên 35%. Chỉ tiêu 2: Phấn đấu đến năm 2020 đạt trên 95% Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ. Chỉ tiêu 3: Phấn đấu đến năm 2020 đạt 100% cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội có lãnh đạo chủ chốt là nữ nếu ở cơ quan, tổ chức có tỷ lệ 30% trở lên nữ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Ngày 16/3/2015 Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Kế hoạch triển khai Thông báo kết luận số 196-TB/TW ngày 16/3/2015 của Ban Bí thư về Đề án "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ trong tình hình mới". Mục tiêu là thông qua việc triển khai một số giải pháp bảo đảm thực hiện bình đẳng giới, góp phần nâng cao vị thế của phụ nữ và giảm khoảng cách giới trong một số lĩnh vực, ngành, vùng, địa phương có bất bình đẳng giới hoặc có nguy cơ bất bình đẳng giới cao.
Những quy định pháp lý đã góp phần thực hiện tốt chương trình bình đẳng giới trên các lĩnh vực. Trong đó, bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị là một trong những lĩnh vực nỗi bật và được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Trong bốn nhiệm kỳ gần đây, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội luôn đạt trên 25%. Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia có tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội cao trong khu vực và trên thế giới khi xếp hạng 43/143 trên thế giới và đứng thứ 2 trong số 8 nước ASEAN. Tỷ lệ nữ tham gia Ban Chấp hành Trung ương khóa IX là 8,6%, khóa XI là 9%, khóa XII là 10%. Không chỉ tăng về số lượng, tỷ lệ nữ cán bộ nữ giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt cũng tăng, như Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch nước, Bí thư Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh…
Có thể nói, những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã tạo ra một bước chuyển biến mới cả về lượng và chất trong việc đảm bảo quyền bình đẳng của phụ nữ nước ta, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực thi quyền bình đẳng nam nữ trên thực tế. Để tăng cường nữ giới trong lĩnh vực chính trị, đòi hỏi chúng ta cần tăng cường giáo dục, tuyên truyền hơn nữa nhằm nâng cao trình độ nhận thức của người dân trong việc nhìn nhận vai trò, vị trí của phụ nữ; sự cam kết và đầu tư mạnh mẽ của Chính phủ, sự tham gia của các cấp, ngành, đoàn thể và mỗi cá nhân trong việc nâng cao vị thế, vai trò người phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới, đặc biệt trong lĩnh vực chính trị.