Trong lĩnh vực KH&CN, số lượng phụ nữ chiếm tỷ lệ khá cao, khoảng hơn 42%. Ảnh: Hữu Hồng
Vẫn còn nhiều trăn trởTheo một số liệu điều tra gần đây, lãnh đạo nữ thường ở những vị trí tuy cùng cấp với lãnh đạo nam, nhưng được cho là có “danh” nhiều hơn là có “quyền” và có “lợi”. Nếu điều này là phổ biến thì thiết tưởng cũng đáng được các cấp có thẩm quyền, các tổ chức phụ nữ (PN) quan tâm.
Trong lĩnh vực KH&CN, số lượng PN chiếm tỷ lệ khá cao, khoảng hơn 42%. Ở một số ngành như GD-ĐT, nữ còn chiếm đến 53,2%. Ở các trường đại học lớn, tỷ lệ nữ cán bộ giảng dạy, có trình độ đại học trở lên khá cao, gấp nhiều lần so với những năm ở nửa cuối thế kỷ XX. Thí dụ đến 2015 (trước đợt phong năm 2016), ở Đại học Quốc gia Hà Nội, có những đơn vị đào tạo tỷ lệ cán bộ nữ chiếm tới hơn 80%, trong đó rất nhiều chị đã có học vị tiến sĩ, học hàm phó giáo sư, giáo sư. Nhiều người giữ những cương vị cao như Viện trưởng, Giám đốc trung tâm, chủ nhiệm bộ môn, phó chủ nhiệm khoa.
Nhìn chung, ở bậc đại học, tỷ lệ nữ sinh viên khoảng gần 50%, có ngành nữ sinh viên chiếm đến 70% tổng số sinh viên (các khoa Sinh học, khoa Môi trường). Tuy nhiên, trong mọi lĩnh vực, ở cấp bậc, trình độ càng cao thì tỷ lệ nữ càng giảm. Thí dụ ở Đại học Bách khoa - ĐHQG TP Hồ Chí Minh (tính đến 20-10-2015): cũng không có nữ GS. Tỷ lệ nữ cán bộ giảng dạy chiếm đến 45% tổng số cán bộ giảng dạy. Nhưng nữ TS chỉ chiếm 15%, PGS là 16% tổng số người cùng học vị học hàm. Một trong những nguyên nhân quan trọng là do quy định tuổi nghỉ hưu của nữ sớm hơn nam 05 tuổi. Theo các nghiên cứu đã công bố thì tuổi thọ của nữ cao hơn nam, tỷ lệ bệnh tật ở tuổi già sau 55 tuổi của nữ lại thấp hơn nam (nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng quốc gia), trong quá trình làm việc, phụ nữ lại mất một khoảng thời gian để sinh và nuôi con, do vậy việc quy định tuổi nghỉ hưu đối với nữ sớm hơn nam, quả là một sự lãng phí nguồn nhân lực nữ có trí tuệ và cũng là một thiệt thòi đối với NTT về cơ hội thăng tiến ở bậc cao.
Tuy nhiên tỷ lệ % NTT trong tổng số người đạt tiêu chuẩn PGS, GS (từ năm 2000 - 2015) có được cải thiện theo thời gian. Sau 8 năm, năm 2015, tỷ lệ nữ đạt chuẩn GS (so với năm 2007) đã tăng được 1,80 lần, PGS tăng 2,52 lần. Điều này không chỉ cho thấy sự vươn lên mạnh mẽ của NTT nói chung, mà còn cho thấy thế hệ NTT kế cận, đã được đào tạo cơ bản ở trong và ngoài nước, sau một số năm công tác đã phát huy tác dụng, hứa hẹn một tương lai sáng sủa hơn cho nữ trí thức Việt Nam, mặc dù trước đây đã có lúc có hẫng hụt về thế hệ nữ kế cận.
Bình đẳng giới trong lao động, việc làm
Để phát huy hơn nữa sự đóng góp của NTT, thiết nghĩ cần có chính sách, biện pháp cụ thể để thực thi bình đẳng về cơ hội cho NTT trong mọi hoạt động nghề nghiệp (theo Hiến pháp 1992 sửa đổi 2013) và lưu ý đến chuẩn mực quốc tế về bình đẳng giới trong lao động, việc làm, cụ thể: Được đào tạo nâng cao trình độ về mọi mặt ở trong nước cũng như ở nước ngoài. Trong các chương trình đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn và khoa học, nên chăng có quy định một tỷ lệ % nhất định dành cho nữ. Có quy định hợp lý về độ tuổi lao động cho NTT hoạt động trong lĩnh vực GD-ĐT và KH-CN. Các cơ quan, đơn vị, nhất là những đơn vị có nhiều NTT, nên chăng cũng cần có quy hoạch, kế hoạch, chỉ tiêu, định mức cụ thể trong từng giai đoạn về tỷ lệ nữ có trình độ cao, tham gia quản lý ở bậc cao. Có cơ chế ưu tiên hơn đối với NTT là dân tộc ít người, với NTT làm việc ở miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Tiếp tục tăng cường và đa dạng hóa hơn nữa các hình thức GD bình đẳng giới cho toàn xã hội về tầm quan trọng của thực hiện bình đẳng giới đối với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, xóa bỏ định kiến giới trong gia đình và xã hội.
Mặt khác với bản thân NTT cần đi tiên phong, gương mẫu, chủ động tích cực hưởng ứng và tham gia vào các phong trào hoạt động của PN. Cần có ý thức cầu tiến vươn lên, giúp nhau cùng tiến bộ, tôn vinh lẫn nhau thì mới tận dụng có hiệu quả cao những cơ hội có được. Cần nhận rõ vai trò của PN trong gia đình, phấn đấu trở thành người thầy có trình độ, gương mẫu cho con trẻ trong nhà; là người chủ biết tổ chức gia đình một cách khoa học, bảo đảm hài hòa giữa sự nghiệp và gia đình để có cuộc sống bình yên, thanh thản, thoải mái về tinh thần - một yếu tố khá quan trọng, ảnh hưởng lớn đối với sự nghiệp của phần lớn PN, nhất là PN lao động trí óc. Người mẹ có trí tuệ, có học vấn sẽ càng có điều kiện thuận lợi hơn trong việc đào tạo một công dân trong tương lai, đào tạo nguồn lực lao động chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước trong tương lai.