Nữ quyền - chuyện không của riêng phụ nữ

17/05/2018 10:15
  • Print
  • Lượt xem: 8489

Nữ quyền không phải chuyện riêng của phụ nữ mà là vấn đề lớn của xã hội. Thực tế, không lúc nào người ta có thể hoàn toàn phủ nhận, suy nghĩ, biểu hiện, tranh luận, quan điểm khác nhau về nó - TS. BÙI TRÂN PHƯỢNG, nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa và lịch sử phụ nữ Việt Nam chia sẻ với phóng viên báo đại biểu nhân dân.

Từng tồn tại chủ nghĩa nữ quyền Việt Nam mạnh mẽ

Nửa đầu thế kỷ XX là thời kỳ đặc biệt quan trọng của lịch sử Việt Nam. Đó là buổi giao thời giữa cái cũ và cái mới, giữa truyền thống phương Đông đã tồn tại hàng nghìn năm với nền văn hóa khác. Tư tưởng phương Tây vào và va đập với hệ thống văn hóa phương Đông suốt mấy thế kỷ, nhưng đến nửa đầu thế kỷ XX, cái mới đã lan ra toàn xã hội, không phải là chuyện của thiểu số người có thông tin hơn người khác. Thời điểm đó, ý thức về bình đẳng nói chung, bình đẳng giới nói riêng, đã được nêu ra và nhận thức rõ ràng. Đó là chuyển biến phong phú cả về xã hội, văn hóa, lối sống, quan hệ giữa người và người mà chúng ta chưa có nhận thức đầy đủ.

Theo TS. Bùi Trần Phượng, trước khi bắt đầu nghiên cứu, TS. cũng chỉ biết sơ lược và ít ỏi về những biểu hiện đấu tranh về giới; nhưng sau đó, TS. chứng minh cho các nhà khoa học thế giới thấy là đã thực sự tồn tại chủ nghĩa nữ quyền Việt Nam mạnh mẽ, phong phú, đa dạng, với nhiều tiếng nói, sắc thái khác nhau. Điều quan trọng hơn, dù phong phú, đa dạng về sắc thái, có những nhà đấu tranh là phụ nữ cũng như nam giới đáng để học hỏi, nhưng tư tưởng nữ quyền trong làn sóng thứ nhất đó chưa bao giờ tách rời cuộc đấu tranh chung vì độc lập dân tộc, vì sự tồn vong của đất nước. Sự không tách rời ấy vừa là cái mạnh, vừa chứa đựng rủi ro cho sự phát triển tư tưởng nữ quyền.

Về vấn đề nữ quyền Việt đã được phát triển ra sao, TS. Bùi Trần Phượng chia sẻ: Hiện nay, nước ta hội nhập là bối cảnh thuận lợi hơn thời chiến tranh và cách mạng để vấn đề này được đặt ra và suy ngẫm. Tuy nhiên, chắc chắn vẫn có những biểu hiện về nữ quyền chưa được xã hội quan tâm đúng mức. Ngay cả những nhà nữ quyền Việt Nam chưa mạnh dạn tự nhận mình là nhà đấu tranh nữ quyền. Một số ít trường hợp đã tự nhận, nhưng không phải lúc nào nói thẳng như vậy cũng được cảm thông và ủng hộ.

Hiểu đúng, giải quyết thấu đáo

Hoàn cảnh, vị thế của đất nước đổi khác, thế giới cũng đang thay đổi đến chóng mặt, nhưng TS. Bùi Trần Phượng không tin rằng vấn đề nữ quyền hiện nay là tiến bộ hơn nửa đầu thế kỷ XX một cách giản đơn và theo tuyến tính. Nửa đầu thế kỷ XX, trong sự giao thoa, tiếp biến văn hóa giữa Đông và Tây đã nảy nở, trỗi dậy những tư tưởng nữ quyền mạnh mẽ, và một số điều quả thật tôi thấy chúng ta hiện nay chưa đi xa bằng.

Qua nghiên cứu sâu nhận thức, trải nghiệm mới về giới, tư tưởng nữ quyền ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX, TS. Bùi Trần Phượng thấy các nhà nữ quyền Việt Nam lúc đó nhận thức rất rõ ràng, mạnh mẽ. Trong đó, Đạm Phương, nhà đấu tranh nữ quyền tiên phong đã nói một câu rất quyết liệt: “Thói ỷ lại là nguồn gốc của sự nô lệ”. Tiến sĩ chia sẻ: Tôi không hiểu bây giờ, các bạn nữ (kể cả các bạn nam) có nhận thức được như vậy không. Sự ỷ lại vào học vấn (cái đó còn may), phần lớn ỷ lại vào tiền bạc, dựa dẫm gia đình... đang được coi là bình thường, chứ không bị khinh miệt như các nhà nữ quyền đầu thế kỷ XX đã nói.

Hay vấn đề chức nghiệp của phụ nữ, nghĩa là phụ nữ phải có nghề để sinh sống, mưu sinh, bà Đạm Phương mơ ước mỗi tỉnh có 5 - 6 trường đào tạo nghề nghiệp cho phụ nữ. Chúng ta hiện nay có đặt chỉ tiêu như vậy chưa? Nên đừng chủ quan nghĩ rằng, ngày nay chúng ta đã đi xa hơn những bậc tiền bối đầu thế kỷ XX.

Nói về vấn đề đấu tranh nữ quyền trong thời đại hiện này, Tiến sĩ cho rằng: Thời nào vấn đề phụ nữ cũng quan trọng, có điều người ta có hiểu hết hay không tầm quan trọng của vấn đề. Đầu thế kỷ XXI, không chỉ ở Việt Nam, mà nhiều nước trên thế giới cũng ảo tưởng là cuộc đấu tranh nữ quyền không còn cần thiết nữa. Rõ ràng, so với thế hệ trước, phụ nữ bây giờ đã rất tiến bộ, được hưởng thụ rất nhiều từ phát triển xã hội, công nghệ... Nhưng thực ra, chưa bao giờ vấn đề phụ nữ được nhìn nhận một cách đúng mức, thấu đáo như nó đáng phải được nhìn nhận. Trong góc nhìn của tôi, đó không phải chuyện riêng của phụ nữ mà là vấn đề lớn của xã hội. Bởi phụ nữ không phải “phân nửa nhân loại”, mà họ còn có vai trò quan trọng riêng của phân nửa đó. Khi hiểu đúng, giải quyết thấu đáo, có tình, có lý, phù hợp với thực tế thì người ta mới giải quyết được vấn đề lớn ấy.

* TS. Bùi Trân Phượng từng có các công trình nghiên cứu tập trung vào lịch sử cận hiện đại Việt Nam, từ 1992 đến nay bà nghiên cứu lịch sử văn hóa và lịch sử phụ nữ Việt Nam. Bà từng bảo vệ thành công luận án tiến sĩ sử học Việt Nam 1918 - 1945, giới tính và hiện đại. Sự trỗi dậy của những nhận thức mới và kinh nghiệm mới trước hội đồng giám khảo trường Đại Học Lyon II (Pháp).

PNVN

Nguồn: http://hoilhpn.org.vn/

Nguồn: http://hoilhpn.org.vn/