Những vấn đề cần quan tâm đến đời sống, việc làm của lao động nữ trong các khu công nghiệp

28/08/2018 11:14
  • Print
  • Lượt xem: 22116

Đời sống của đại bộ phận người lao động vẫn còn nhiều khó khăn, một số vấn đề bức xúc, cấp bách của giai cấp công nhân (về nhà ở tại các khu công nghiệp, tiền lương và thu nhập, bảo hiểm xã hội, nơi sinh hoạt văn hoá, cơ sở nuôi dạy trẻ...) chưa được giải quyết kịp thời. 


Trong những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, cơ cấu kinh tế phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp ngày càng tăng. Theo số liệu thống kê, tính đến tháng 12/2016 cả nước có 325 KCN được thành lập với 2.989.613 lao động, trong đó 1.188.291 lao động nữ (chiếm 63%)[1], một số ngành như da giày, dệt may, chế biến thủy sản có doanh nghiệp tỉ lệ nữ chiếm tới 80% đến 90%.

Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan tâm tới công nhân lao động; Trình độ, tay nghề của người lao động từng bước được nâng cao, tác phong công nghiệp đang dần đi vào nề nếp; Tiền lương, thu nhập của người lao động từng bước được cải thiện. Riêng với lao động nữ, vấn đề bình đẳng giới trong lao động, việc làm, trong đời sống xã hội đã được quan tâm; lồng ghép giới trong các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chương trình, kế hoạch hành động của các ban, ngành, đoàn thể, đơn vị, doanh nghiệp gắn với mục tiêu thực hiện tốt Luật Bình đẳng giới và thực hiện Nghị Quyết 11/NQ-TW của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. 

Tuy nhiên, đời sống của đại bộ phận người lao động vẫn còn nhiều khó khăn, một số vấn đề bức xúc, cấp bách của giai cấp công nhân (về nhà ở tại các khu công nghiệp, tiền lương và thu nhập, bảo hiểm xã hội, nơi sinh hoạt văn hoá, cơ sở nuôi dạy trẻ...)[2] chưa được giải quyết kịp thời.

Qua các đề tài nghiên cứu, khảo sát, báo cáo của các ban, đơn vị trực thuộc Tổng Liên đoàn về đời sống, việc làm của người lao động nói chung và lao động nữ nói riêng cho thấy thực trạng và những vấn đề cần quan tâm tới đời sống của lao động nữ trong các KCN hiện nay như sau:

Thứ nhất, việc làm, thu nhập của lao động nữ trong các KCN

Nhiều ngành nghề trong các doanh nghiệp ở KCN như dệt-may, chế biến lương thực-thực phẩm, lắp ráp linh kiện điện tử… thường có xu hướng sử dụng lao động giản đơn, tay nghề thấp, chưa qua đào tạo. Đây là cơ hội cho người lao động, đặc biệt là lao động nữ di cư từ các vùng nông thôn tới để tìm kiếm việc làm. Nhưng thực trạng chỉ tuyển dụng lao động ở một độ tuổi nhất định và sa thải lao động sau một thời gian làm việc nhất định đã và đang là vấn đề nhức nhối hiện nay. Tính chung trong cả nước, độ tuổi bình quân của công nhân trẻ, dưới 25 tuổi chiếm 43,4%, từ 26-35 tuổi chiếm 34,7%, từ 36-45 tuổi chiếm 14%. Tuổi nghề dưới 1 năm chiếm 6,9%, từ 1-5 năm chiếm 30,6%, từ 6-10 năm chiếm 16,4%, từ 11-15 năm chiếm 10,5%, 16-20 năm chiếm 16,8%, 21-25 năm chiếm 13,3%, trên 25 năm chiếm 5,5%[3]. Tính riêng ở KCN, đa số lao động nữ có tuổi đời trẻ, từ 18-24 tuổi và hầu hết dưới 35 tuổi. Các doanh nghiệp ở KCN thường đầu tư công nghệ trung bình nên không đòi hỏi tay nghề cao, không có sự phân biệt lớn về kỹ năng giữa công nhân lâu năm và công nhân mới vào nghề. Làm việc trong dây chuyền công nghiệp đòi hỏi sức ép cao về tính chính xác, cường độ cao và sức khỏe tốt. Những công việc lao động nữ đảm nhiệm thường đòi hỏi nhiều thời gian, công việc lặp đi lặp lại một cách máy móc, buồn tẻ, thời gian tăng ca, tăng giờ nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe…Lao động nữ di cư có thời gian làm việc tại doanh nghiệp thấp hơn so với lao động địa phương nên số năm kinh nghiệm cũng thấp hơn và khó có được công việc ổn định hơn so với các đối tượng khác.

Tiền lương của người lao động trong các doanh nghiệp còn thấp, mức lương tối thiểu chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu của người lao động (năm 2015 mới chỉ đạt từ 78 – 83%)[4]. Theo kết quả khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn năm 2017: tiền lương cơ bản trung bình (làm việc đủ giờ theo quy định) của người lao động là 4.480.000 đồng/tháng;Thu nhập trung bình (không kể ăn ca) là 5.453.000 đồng/tháng.[5] Tiền lương hàng tháng của người lao động làm việc trong các KCN thường chiếm khoảng từ 70 - 74% trong tổng thu nhập (tùy từng nhóm lao động), số còn lại, 26 -30% là các khoản thu nhập khác ngoài tiền lương như: tiền hỗ trợ nhà ở, tiền ăn ca, tiền đi lại, tiền chuyên cần, tiền thưởng tháng, tiền hỗ trợ nuôi con dưới 36 tháng tuổi… Về chi tiêu thường xuyên của lao động di cư luôn ở mức cao hơn so với chi tiêu của lao động địa phương. Họ phải chi tiền khá nhiều tiền cho các nhu cầu thuê nhà ở, đi lại, chăm sóc y tế và ma chay hiếu hỷ, sinh nhật…và không ít người phải tiết kiệm tiền gửi về quê hỗ trợ gia đình. Chỉ có khoảng 16% công nhân lao động cho biết có khả năng tích lũy từ tiền lương, thu nhập. Mức thu nhập của công nhân lao động có sự chênh lệch giữa các vùng kinh tế, giữa các doanh nghiệp, các loại hình doanh nghiệp, thậm chí trong một doanh nghiệp.

Thứ hai, điều kiện lao động và việc thực hiện chế độ, chính sách đối với lao động nữ trong các KCN

Việc đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, cải thiện điều kiện và môi trường làm việc cho người lao động đã được quan tâm, hệ thống an toàn vệ sinh viên ngày càng phát triển; ý thức của người sử dụng lao động và người lao động trong thực thi các quy định về an toàn vệ sinh lao động được nâng lên, giảm thiểu tối đa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Các quy định về chính sách đặc thù đối với lao động nữ cơ bản được tuân thủ, tuy mức độ áp dụng có khác nhau tùy thuộc vào điều kiện thực tế của mỗi địa phương, doanh nghiệp. Các nghề, công việc nặng nhọc độc hại các doanh nghiệp hầu như không bố trí lao động nữ đảm nhiệm; Việc khám sức khỏe định kỳ gắn với khám chuyên khoa phụ sản hàng năm được thực hiện khá nghiêm túc. Chế độ thai sản và quy định lao động nữ được nghỉ mỗi ngày 30 phút trong thời gian hành kinh, 60 phút trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi đã được thực hiện tương đối tốt; Trong thỏa ước lao động tập thể của một số doanh nghiệp đã có những quy định có lợi hơn cho lao động nữ so với quy định pháp luật hiện hành như hỗ trợ phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi; lắp đặt phòng vắt trữ sữa cho lao động nữ nuôi con nhỏ; hỗ trợ những dịp lễ, tết, thăm hỏi ốm đau, thai sản… Tuy nhiên, tỷ lệ thỏa ước lao động tập thể có quy định có lợi hơn cho lao động nữ so với quy định của pháp luật còn thấp[6]. Tình trạng nợ đọng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế kéo dài gây ảnh hưởng đến việc chi trả các chế độ ốm đau, thai sản, chốt sổ BHXH cho người lao động[7]; chất lượng khám sức khỏe định kỳ, khám chuyên khoa phụ sản chưa được tốt...; Có trường hợp doanh nghiệp bỏ trốn, nhiều lao động nữ mang thai đã đóng bảo hiểm xã hội không được giải quyết quyền lợi; ở những doanh nghiệp nhiều lao động nữ, khoản 2% bảo hiểm xã hội để lại theo quy định để chi chế độ ngắn hạn cho người lao động không đủ chi cho lao động nữ ở doanh nghiệp...Các chính sách đối với lao động nữ và chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ chưa được thực hiện nghiêm túc. Một số doanh nghiệp chưa nhận thức rõ trách nhiệm của mình, chưa quan tâm chăm lo đến đời sống của công nhân lao động, nhất là lao động nữ; chưa hỗ trợ chi phí gửi trẻ, mẫu giáo cho lao động nữ có con trong độ tuổi gửi trẻ, mẫu giáo[8].

Cần làm gì để đảm bảo việc làm, đời sống cho công nhân lao động, đặc biệt là lao động nữ khi kết thúc quan hệ việc làm tại các KCN hiện nay tuổi đã cao, sức khỏe giảm sút, khó tìm việc làm mới, khó xây dựng gia đình... đang đặt ra nhiều vấn đề về tính bền vững, về phân công vai trò và huy động trách nhiệm của Nhà nước, xã hội, cộng đồng, doanh nghiệp và trách nhiệm của bản thân người lao động. Điều này cho thấy tính hiệu quả, tính thiết thực, tính bền vững của chính sách việc làm, đời sống của công nhân lao động chưa được chú trọng toàn diện, cần được tiếp tục quan tâm.

Thứ ba, về nhà ở, nhà văn hóa dành cho công nhân lao động ở các KCN

Tình trạng bức xúc về nhà ở và liên quan đến nơi ở của công nhân lao động  trong các KCN được giải quyết tương đối hiệu quả. Nhà nước ban hành nhiều chính sách, thu hút nguồn vốn xã hội hóa đầu tư nhà ở cho công nhân, người có thu nhập thấp... Giai đoạn 2010 – 2015, các địa phương đã đăng ký 110 dự án nhà ở cho công nhân; 27 dự án được khởi công, 9 dự án hoàn thành[9]. Tỷ lệ công nhân lao động có nhà ở do doanh nghiệp và KCN xây dựng tăng 10,3% so với 10 năm trước đây. Tình trạng nhà ở chật chội, mất vệ sinh, thiếu an toàn được khắc phục. Tỷ lệ công nhân bức xúc giảm 40% so với 10 năm trước. Một số doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân lao động hoặc thuê sau đó tổ chức cho công nhân lao động vào ở. Tổng Liên đoàn đã đề xuất và được Chính phủ phê duyệt Đề án Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các KCN, KCX[10], đây là điều kiện thuận lợi để chăm lo tốt hơn cho người lao động nhưng mới ở bước đầu triển khai thực hiện nên chưa đáp ứng được nhu cầu về nhà ở cho người lao động ở KCN. Hiện có khoảng 55% công nhân trong các KCN tập trung phải thuê nhà trọ, tăng 3,3% so với năm 2010[11].

Công nhân lao động trong KCN hiện nay chủ yếu ở theo các hình thức như ở cùng gia đình hoặc nhà riêng, ở nhà trọ của tư nhân hoặc ở nhà thuê của doanh nghiệp. Do thu nhập thấp nên đa số thuê nhà giá rẻ, hoặc thuê chung, ở ghép, chất lượng nhà cho thuê kém, vệ sinh môi trường, điện, nước không đảm bảo an toàn; người lao động không có điều kiện nghỉ ngơi thoải mái để tái tạo sức lao động sau cả ngày làm việc nặng nhọc, mệt mỏi. Với nhà ở thuê của doanh nghiệp, yêu cầu về giờ giấc, nội quy, quy định chặt chẽ về đi lại, giao lưu không phù hợp tâm lý tự do, thoải mái vốn có của lao động di cư do vậy không thu hút người lao động đến sinh sống.

Đa số các doanh nghiệp chỉ chú trọng tập trung cho sản xuất, rất ít quan tâm đến nhu cầu sinh hoạt, giải trí cho người lao động, việc cải thiện điều kiện việc làm, chăm sóc sức khoẻ và tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí cho công nhân chưa được đầu tư nhiều. Cơ sở vật chất phục vụ các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao gần như không có hoặc có thì phần lớn do các tổ chức, cá nhân xây dựng, mang nặng tính chất dịch vụ, dành cho đối tượng có thu nhập cao khiến cho công nhân không thể tham gia hưởng thụ và hoạt động thường xuyên; Theo báo cáo của Tổng Liên đoàn đến cuối năm 2017 có 7 Nhà Văn hóa Lao động cấp tỉnh được xây mới và đi vào hoạt động[12]; 01 Nhà Văn hóa Lao động tỉnh Hậu Giang được phê duyệt đang xây  dựng; 01 Nhà Văn hóa Lao động tỉnh Vĩnh Long được phê duyệt chưa xây dựng; 03 Nhà văn hoá công nhân Khu công nghiệp được xây dựng đã đi vào hoạt động[13]; 03 đơn vị đã được phê duyệt chủ trương[14]; 29 điểm sinh hoạt văn hóa công nhân tại doanh nghiệp trong các khu công nghiệp do LĐLĐ thành phố Hà Nội phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức.

Nơi sinh hoạt văn hóa và việc tổ chức hoạt động tập thể được cải thiện, đáp ứng một phần nhu cầu của công nhân lao động so với trước đây nhưng vẫn còn là vấn đề bức xúc[15]. Điều kiện bố trí thời gian để công nhân tham gia vui chơi, giải trí còn rất hạn chế. Chỉ một số ít doanh nghiệp có sân bóng chuyền, sân cầu lông cho công nhân hoặc tổ chức hội thao nội bộ, tổ chức các trò chơi, sinh hoạt văn nghệ vào các ngày kỷ niệm thành lập doanh nghiệp, ngày lễ, cuối năm...Bản thân người lao động cũng không quan tâm hoặc vì lý do nào đó không tham gia sinh hoạt cộng đồng. Thực trạng trên cho thấy, đời sống vật chất, tinh thần của công nhân lao động trong các doanh nghiệp còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Thứ tư, về nhà trẻ, mẫu giáo dành cho con công nhân lao động trong các KCN

Tính hết năm học 2016-2017, cả nước có 14.991 trường mầm non, 192.146 nhóm lớp. Các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế nhà nước[16] vẫn duy trì các trường mầm non, các lớp học; doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở nhiều địa phương đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng các cơ sở nuôi dạy trẻ dành cho con công nhân...Một số địa phương, như Thành phố Hồ Chí Minh có 14/22 dự án về nhà trẻ, mẫu giáo đã hoàn thành; Thành phố Hà Nội đầu tư hơn 20 tỉ đồng xây dựng Trường Mầm non Kim Chung; Vĩnh Phúc xây dựng nhà trẻ, mẫu giáo công lập trong KCN Khai Quang…Tổ chức Công đoàn Việt Nam đã vận động ủng hộ, trích từ nguồn quỹ quyên góp, quỹ Tấm lòng vàng chung sức đầu tư, hỗ trợ xây dựng một số trường mầm non tại các KCN ở Quảng Nam, Bình Dương...

Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 09/CT-TTg về việc đẩy mạnh thực hiện các giải pháp giải quyết vấn đề trường, lớp mầm non ở các KCN, điều đó một lần nữa khẳng định quyết tâm của Nhà nước trong việc giải quyết những vấn đề bức xúc tại KCN, trong đó có vấn đề nhà trẻ, mẫu giáo. Thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục của Nhà nước, giáo dục mầm non ngoài công lập phát triển nhanh, nhất là các thành phố, thị xã, khu đông dân cư, KCN. Các nhóm lớp tư thục nhận trông trẻ độ tuổi nhỏ (dưới 18 tháng), có thời gian giữ trẻ linh hoạt, phù hợp với với việc làm ca kíp, thời vụ, tiện lợi cho việc đưa đón con của công nhân và có mức thu học phí thấp đang phát triển nhanh, đáp ứng một phần nhu cầu gửi con của phụ huynh là công nhân làm việc trong các KCN. 

Ở các KCN tập trung nhiều công nhân (đặc biệt là nữ công nhân trẻ) nhu cầu gửi con là rất lớn. Theo khảo sát năm 2017, có khoảng 52,6% lao động nữ tại các KCN có con nhỏ dưới 6 tuổi và có nhu cầu gửi trẻ. Chỉ có khoảng 19% gia đình công nhân tại các KCN và lân cận gửi con vào các cơ sở mầm non công lập còn lại phải gửi con ở các nhà trẻ tư nhân hoặc nhóm trẻ, cơ sở mầm non tư thục. Công tác quản lý nhà trẻ, nhà mẫu giáo dành cho con công nhân còn nhiều bất cập[17]. Hầu hết các KCN hiện nay chưa có quy hoạch về xây dựng nhà ở, nhà trẻ mẫu giáo, cơ sở hạ tầng và các thiết chế văn hóa, xã hội phục vụ người lao động.

Các trường mầm non công lập quá tải, ít nhận trẻ nhỏ (dưới 36 tháng tuổi), vì thiếu cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên. Các trường mầm non tư thục có chất lượng thì mức thu học phí cao, trong khi lương công nhân thấp, không đủ chi trả học phí cho con. Các trường này cũng rất hạn chế nhận trẻ dưới 36 tháng tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 18 tháng tuổi vì lợi nhuận thấp, yêu cầu cao về kỹ năng chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ, khả năng rủi ro cao. Các trường lớp mầm non có thời gian đón, trả trẻ không phù hợp với thời gian làm việc theo ca kíp của công nhân ở KCN.

Điều kiện cơ sở vật chất ở các nhóm, lớp tư thục quy mô nhỏ còn hạn chế, thường tận dụng nhà dân làm phòng giữ trẻ nên chật hẹp, thiếu ánh sáng, thiếu sân chơi, không đảm bảo diện tích cho trẻ sinh hoạt, thiếu công trình vệ sinh, bàn ghế, bếp ăn không đúng qui cách, thiếu các trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học. Tại một số nhóm, lớp chưa được cấp phép, người trông giữ trẻ chưa có trình độ chuyên môn theo quy định; thiếu kỹ năng chăm sóc giáo dục trẻ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn cho trẻ. Một số vụ bạo hành trẻ xảy ra đều nằm ở nhóm lớp chưa được cấp phép và nạn nhân là con của các công nhân, người lao động đang làm việc tại các KCN, gây bức xúc trong dư luận xã hội và tâm lý bất an trong phụ huynh.

Thứ năm, về vấn đề hôn nhân, gia đình và chăm sóc sức khỏe sinh sản cho công nhân lao động ở KCN

Các hoạt động hỗ trợ xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc và chăm sóc sức khỏe sinh sản cho công nhân lao động ở KCN được công đoàn phối hợp với lãnh đạo đơn vị, doanh nghiệp quan tâm. Có những doanh nghiệp đã tổ chức thêm một lần khám chuyên khoa phụ sản cho lao động nữ, lắp đặt phòng vắt trữ sữa tại doanh nghiệp, ban hành quy định về phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc; Tổ chức các diễn đàn, tuyên truyền về phòng chống bạo lực gia đình, tổ chức đám cưới tập thể, hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế gia đình, tổ chức chăm lo nhân các dịp Tết cổ truyền, tổ chức trại hè, biểu dương, khen thưởng cho con công nhân lao động....nhưng chưa thể đáp ứng nhu cầu của lao động nữ di cư làm việc trong các KCN, thường ở xa trung tâm, phải thường xuyên tăng ca, làm thêm giờ nên với công nhân lao động đã có gia đình thì gặp nhiều khó khăn trong chăm sóc nuôi dạy con, còn với công nhân lao động trẻ chưa có gia đình thì ít có điều kiện, thời gian gặp gỡ, tìm hiểu bạn khác giới. Tuổi đời còn trẻ, sống xa gia đình, thiếu thốn tình cảm, nhận thức, hiểu biết về các vấn đề xã hội còn hạn chế, đặc biệt là các kỹ năng sống, kỹ năng ứng phó với các tình huống nảy sinh trong cuộc sống như tình yêu, tình bạn, giữ gìn hạnh phúc gia đình, vấn đề nuôi dạy con..., công nhân lao động dễ bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài, không bị ràng buộc quá nhiều bởi những khuôn mẫu truyền thống cũng dẫn đến những sinh hoạt tự do hơn, dễ dẫn đến tình trạng sống chung, sống thử, nạo phá thai không an toàn... trong khi điều kiện và khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế còn rất thấp.

Vấn đề nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) cho công nhân lao động ở KCN vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là chất lượng dịch vụ CSSKSS, kế hoạch hóa gia đình còn hạn chế, còn thiếu các cơ sở tư vấn, cung cấp dịch vụ CSSKSS cho công nhân lao động ở các KCN. Ngoài chức năng, trách nhiệm của ngành y tế, còn thiếu sự quan tâm và hỗ trợ của người sử dụng lao động và sự quan tâm chỉ đạo chưa kịp thời, đúng mức của các cấp, các ngành liên quan. Việc CSSKSS cho công nhân lao động nằm trong công tác CSSKSS nói chung của địa phương, theo hệ thống tổ chức hành chính nhà nước, vì vậy chủ yếu mới chỉ đáp ứng cho người địa phương, còn công nhân lao động di cư, đặc biệt là lao động nữ làm việc trong các KCN vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Từ thực trạng trên cho thấy, còn nhiều vấn đề cần quan tâm giải quyết để nâng cao hơn nữa chất lượng đời sống, việc làm của nữ công nhân lao động trong các KCN. Mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện việc lồng ghép giới trong các chủ trương, đường lối, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội và trong các văn bản pháp luật, hướng tới bình đẳng giới thực chất trong lao động, việc làm và trong đời sống xã hội nhằm tiếp tục thực hiện tốt các mục tiêu về bình đẳng giới và vì sự phát triển của phụ nữ theo tinh thần Nghị quyết 11- NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

-----------------------------------

Tài liệu tham khảo:

1.Văn kiện Đại hội XII của Đảng.

2.Báo cáo kết quả tổng kết 10 năm tổ chức Công đoàn Việt Nam thực hiện Nghị quyết 20/NQ-TW ngày 28/01/2008  về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước.

3. Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới và Báo cáo 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-TW về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước (Báo cáo của Ban Nữ công Tổng Liên đoàn năm 2017);

4.“Những vấn đề bức xúc, cấp bách đối với giai cấp công nhân sau 5 năm triển khai thực hiện nghị quyết 20/NQ-TW” (Báo cáo chuyên đề năm 2013 do PGS.TS. Vũ Quang Thọ và ThS.Nguyễn Mạnh Thắng thực hiện);

5.“Chăm sóc sức khoẻ sinh sản cho lao động nữ trong các khu công nghiệp và vai trò của Công đoàn” (Đề tài cấp bộ năm 2012 của Ban Nữ công Tổng Liên đoàn);

6. “Chăm sóc con công nhân lao động trong độ tuôi nhà trẻ, mẫu giáo tại các KCN  - Thực trạng và giải pháp” (Đề tài cấp bộ năm 2013 của Ban Nữ công Tổng Liên đoàn);

7.“Thực trạng nhu cầu đời sống văn hóa tinh thần của công nhân các KCN hiện nay” và “Giáo dục chính trị, tư tưởng cho công nhân lao động trong các KCN, KCX hiện nay” (Đề tài cấp Bộ năm 2014 của Ban Tuyên giáo TLĐ);

8. “Các giải pháp nâng cao chất lượng đời sống hôn nhân, gia đình của công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất hiện nay” (Đề tài cấp Bộ năm 2016 của Ban Nữ công Tổng Liên đoàn)

Theo: www.congdoan.vn