Luật Bình đẳng giới - ghi nhận sau 10 năm thực hiện

17/05/2018 09:48
  • Print
  • Lượt xem: 7826

Qua 10 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới cho thấy, về cơ bản các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước đối với công tác bình đẳng giới đã được thể chế hóa trong Luật Bình đẳng giới và các văn bản hướng dẫn thi hành, tạo hành lang pháp lý cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân triển khai các biện pháp tăng cường vai trò và sự tham gia của cả nam và nữ trong quá trình phát triển của đất nước. Nhiều quy định của Luật Bình đẳng giới đã được triển khai trong thực tế, đem lại kết quả tích cực, góp phần không nhỏ vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời gian vừa qua.

Nhiều tiến bộ tích cực trong lĩnh vực chính trị

Sau 10 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới, về cơ bản, tỷ lệ nữ tham gia Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, cấp ủy, Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp đã tăng lên. Tỷ lệ nữ là Ủy viên Bộ Chính trị và Ủy viênBan Chấp hành Trung ương Đảng tăng liên tiếp trong 03 nhiệm kỳ. Tỷ lệ nữ Đại biểu Quốc hội cho thấy đã lấy lại đà tăng là 26,72%. Đặc biệt, lần đầu tiên có Chủ tịch Quốc hội là nữ, là 1 trong 4 chức danh cao nhất trong hệ thống chính trị của nước nhà.

Trong lĩnh vực kinh tế, ngày càng có thêm phụ nữ làm chủ doanh nghiệp

Tỷ lệ doanh nghiệp do nữ làm chủ có chiều hướng tăng từ năm 2009 tới nay. Theo Số liệu Điều tra lao động việc làm năm 2016 thì nữ làm chủ doanh nghiệp/chủ cơ sở kinh doanh là 31,6% (tăng 0,2% so với năm 2015 là 31,4%). Phụ nữ điều hành ¼số doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo việc làm cho hơn 1 triệu lao động.

Các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và doanh nghiệp có sử dụng nhiều lao động nữ hiện nay đã có nhiều tiến bộ.

Tỷ lệ nữ trong thị trường lao động luôn đạt ngang bằng với nam giới

Trong 10 năm, tỷ lệ nữ lao động tham gia vào thị trường lao động luôn giữ ở mức ổn định 40-49%.

Tỷ lệ học sinh nữ trong cấp học phổ thông trung học tăng

Tỷ lệ học sinh nữ tham gia giáo dục phổ thông có sự ổn định trong 10 năm qua. Tại cấp tiểu học và trung học cơ sở học sinh nữ chiếm tỷ lệ 47-48%. Tuy nhiên, tại cấp trung học phổ thông tỷ lệ học sinh nữ tăng khoảng 3% trong 10 năm qua (từ 49,26% lên 53,54%) và tỷ lệ học sinh nam giảm tương ứng ở cấp học này. Tỷ lệ sinh viên nữ so với sinh viên nam có sự gia tăng, từ năm 2013 đến 2015, số lượng nữ sinh viên lớn hơn số lượng nam sinh viên.

Chính sách cho phụ nữ tham gia văn hóa, thông tin, thể dục thể thao ngày càng được quan tâm hơn

Trong lĩnh vực thể dục, thể thao tỷ lệ các vận động viên nữ giành thứ hạng cao trong các giải quốc gia và quốc tế ngày càng cao dần qua từng năm. Các cơ quan chức năng đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho các vận động viên nữ tích cực tham gia các hoạt động thể thao trong nước và quốc tế.

Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt đươc, công tác bình đẳng giới vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục, đặc biệt là lĩnh vực y tế, lao động việc làm, bạo lực gia đình…

Vẫn còn nhiều bất cập trong lĩnh vực y tế

Việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản của phụ nữ vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số còn hạn chế. Tỷ suất tử vong mẹ còn cao so với một số nước trong khu vực. Mức giảm tỷ suất chết mẹ trong 10 năm qua còn chậm, nhất là ở vùng sâu, vùng xa và vùng dân tộc thiểu số.

Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại một số địa phương còn khá lớn, đặc biệt tại đồng bằng sông Hồng. Định kiến giới và tư tưởng thích con trai cùng với việc tiếp cận dễ dàng đến các dịch vụ kỹ thuật chẩn đoán sớm giới tính thai nhi, sinh con theo ý muốn và dịch vụ phá thai là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính gia tăng. Điều này sẽ làm nảy sinh các vấn đề bất cập trong lực lượng lao động và dân số của đất nước trong tương lai.

Hiệu quả của những chính sách đào tạo nghệ cho lao động nữ vẫn chưa đạt được kết quả như mong đợi

Hiện nay, các nghị định về hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ và doanh nghiệp do nữ làm chủ chỉ dừng lại ở những quy định chung, chưa có quy định cụ thể dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp do nữ làm chủ chưa biết đến những quy định này. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp chưa được hỗ trợ vì chưa có hướng dẫn, quy trình thủ tục hướng dẫn phức tạp. Trong khi đó, những quy trình dành cho lao động nữ yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện đã dẫn đến tình trạng doanh nghiệp không muốn tuyển lao động nữ.

Chất lượng làm việc của lao động nữ còn thấp, tính ổn định, bền vững trong việc làm không cao: lao động nữ thường làm trong cá ngành, lĩnh vực có trình độ chuyên môn không cao như dịch vụ, dệt may, da giầy,…(chiếm khoảng 70% tổng số lao động trong các ngành này); 62,4% lao động nữ làm việc trong gia đình không hưởng lương/công và tự làm (tỷ lệ này của cả nước là 55,9%); 41,1% lao động nữ làm những công việc giản đơn (tỷ lệ này của cả nước là 38,3%); 43,6% lao động nữ làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp (tỷ lệ này của cả nước là 42%). Lương bình quân hàng tháng của lao động nữ làm công hưởng lương thấp hơn so với lao động nam (nữ khoảng 4,82 triệu đồng so với nam là 5,48 triệu đồng).

Bạo lực gia đình vẫn là vấn đề nhức nhối

Theo kết quả nghiên cứu quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ năm 2010, có tới 58% phụ nữ đã từng chịu ít nhất một trong ba hình thức bạo lực thể chất, tinh thần và tình dục từ người thân tại một số thời điểm trong cuộc sống của họ; 87% đã từng bị quấy rối tình dục ở nơi công cộng; 10% đã bị chồng tấn công tình dục. Tuy nhiên, khoảng 50% nạn nhân chưa từng nói với ai về tình trạng bạo lực mà họ phải chịu đựng và đến 87% nạn nhân bạo lực gia đình chưa tìm kiếm sự hỗ trợ từ các dịch vụ công.

Thời gian qua, công tác bình đẳng giới tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, giám sát của Quốc hội. Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phươngtriển khai nhiều chương trình, chính sách quan trọng nhằm thúc đẩy công tác bình đẳng giới.

Hệ thốngchính sách pháp luật về bình đẳng giới tiếp tục được quan tâm, hoàn thiện trong đó có nhiều chính sách đặc thù nhằm tạo điều kiện và tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các lĩnh vực chính trị - kinh tế - văn hóa- xã hội. Theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới, năm 2016 Việt Nam đứng thứ 65/144 quốc gia về chỉ số khoảng cách giới (tăng 18 bậc so với 2015), thuộc nhóm nước có chỉ số trung bình. Nhận thức của bản thân phụ nữ về vai trò, vị trí trong gia đình và xã hội đã có nhiều tiến bộ, nhất là nữ cán bộ, công chức, viên chức, nữ doanh nhân, nữ trí thức, cán bộ lãnh đạo, quản lý nữ.

Trong tổng số 22 chỉ tiêu của Chiến lược đề ra đến năm 2020, đến nay chỉ có 8 chỉ tiêu đã và sẽ duy trì đạt vào năm 2010, 02 chỉ tiêu không đạt (chỉ tiêu về tỷ lệ nữ tham gia các cấp ủy Đảng, Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 ). Một số chỉ tiêu đã được các Bộ, ngành, địa phương triển khai nhưng không có khả năng thu thập đầy đủ số liệu.(Trích Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới).


                                           Phạm Ngọc Tiến - vụ trưởng vụ Bình đẳng giới, bộ Lao động- Thương binh và Xã hội

 

Theo: Thông tin phụ nữ (LH)