Các đại biểu tham dự Hội nghị ASEM
Từ ngày 15 đến 17/5/2019, tại TP Nha Trang (Khánh Hòa), đã diễn ra Hội nghị ASEM về Thúc đẩy phát triển bao trùm Kinh tế và Xã hội tại Châu Á và Châu Âu (ASEM Conference on Promoting Economic and Social Inclusion in Asia and Europe) với sự tham gia của hơn 180 đại biểu trong nước và quốc tế.
Hội nghị chia làm 4 phiên chính, với các vấn đề liên quan đến tăng trưởng, phát triển, và tiến bộ, công bằng xã hội. Trong đó, vấn đề bình đẳng giới và phát triển bền vững là nội dung được nhắc đến nhiều trong nội dung các tham luận cũng như ý kiến thảo luận của các đại biểu.
Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển của Liên Hợp quốc đã nhấn mạnh, không thể có phát triển bền vững nếu như không có tiến bộ về bình đẳng giới. Mục tiêu phát triển bền vững số 5 (SDG5) - Thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái toàn cầu thể hiện rõ quan điểm của Liên Hợp Quốc trong việc lấy phụ nữ và trẻ em gái làm động lực của phát triển bền vững. Trong 17 mục tiêu phát triển bền vững, ngoài mục tiêu SDG5 trực tiếp liên quan đến bình đẳng giới, các mục tiêu còn lại đều gián tiếp tác động tới đến bình đẳng giới và ngược lại.
Tham luận của các đại biểu tại Hội nghị nhấn mạnh tầm quan trọng của bình đẳng giới với phát triển bền vững từ nhiều góc độ khác nhau. Tham luận của đại biểu Niu Di-lân về chương trình nghị sự chính sách xã hội đề cao giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới, đảm bảo sự bao hàm cho các đối tượng hưởng lợi chính sách, đảm bảo công bằng trong tiếp cận phúc lợi xã hội do quá trình phát triển mang lại. Trong khi đó, tham luận của đại biểu đến từ Pháp, với nghiên cứu về lực lượng lao động ở Việt Nam, ghi nhận và phân tích xu hướng nữ hóa lực lượng lao động thông qua chiến lược phát triển dựa trên định hướng xuất khẩu, chỉ ra rào cản đối với lao động nữ trong các doanh nghiệp xuất khẩu, kêu gọi thúc đẩy đầu tư cho phụ nữ. Bình đẳng giới cũng được nhấn mạnh trong các bài tham luận về các đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương như tham luận về người khuyết tật của đại biểu đến từ Phần Lan, đại biểu đến từ Trung Quốc; tham luận về đổi mới sáng tạo trong hỗ trợ người nghèo của Giám đốc quốc gia Mastercard tại Việt Nam; tham luận trao đổi vấn đề phát triển bao trùm vì người nghèo của đại biểu đến từ Lào.
Rất nhiều giải pháp, sáng kiến được đưa ra trong Hội nghị ASEM về Thúc đẩy phát triển bao trùm Kinh tế và Xã hội tại Châu Á và Châu Âu. Theo đó, các quốc gia tham gia Diễn đàn ASEM cần nỗ lực hơn nữa trong nâng cao quyền năng của phụ nữ và trẻ em gái. Các nỗ lực này cần chú trọng tới việc xóa bỏ các định kiến giới, dỡ bỏ các rào cản chính sách, rào cản kỹ thuật có phân biệt đối xử về giới, đảm bảo việc làm bền vững, tạo thuận lợi cho phụ nữ, đặc biệt là các nhóm phụ nữ yếu thế, phụ nữ ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Hội nghị ASEM về Thúc đẩy phát triển bao trùm Kinh tế và Xã hội tại Châu Á và Châu Âu cho thấy, Diễn đàn ASEM cũng như lãnh đạo các nước thành viên rất quan tâm tới thúc đẩy bình đẳng giới và phát triển bền vững, nâng cao quyền năng phụ nữ và trẻ em gái, thúc đẩy nâng cao năng lực của học giả các nước thành viên thông qua các hoạt động nghiên cứu, hợp tác nghiên cứu, hướng tới thúc đẩy hoạch định chính sách dựa trên bằng chứng (evidence-based policy planning).
Cùng với đó là việc hoạch định các chính sách phát triển dựa trên tiếp cận lấy con người làm trung tâm, phát huy tốt nhất tiềm năng của con người, giải quyết các vấn đề cản trở sự phát triển của con người, đặc biệt là các đối tượng yếu thế trong xã hội. Đây cũng chính là nền tảng của phương pháp tiếp cận dựa trên quyền, có đáp ứng giới (gender-responsive and rights-based approach), không chỉ góp phần tạo nên những chính sách đảm bảo quyền con người, nhân phẩm con người, mà còn phát huy tối đa tiềm năng của con người trong quá trình phát triển, và giải quyết tốt các vấn đề tồn tại.
ASEM là Diễn đàn hợp tác Á-Âu (Asia-Europe Meeting), được chính thức thành lập vào tháng 3 năm 1996 theo sáng kiến ban đầu của Xing-ga-po và Pháp, với sự ủng hộ tích cực của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Có thể nói, ASEM là diễn đàn liên khu vực quan trọng, hội tụ 53 thành viên của hai châu lục Á-Âu, là động lực chính của tăng trưởng kinh tế và đổi mới sáng tạo trong thế kỷ 21. Nguyên tắc hoạt động của ASEM dựa trên cơ sở đối tác bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và đôi bên cùng có lợi; tăng cường đối thoại, xác định các lĩnh vực ưu tiên phối hợp hành động. Diễn đàn ASEM triển khai hợp tác ở 3 lĩnh vực: Tăng cường đổi thoại chính trị, củng cố hợp tác kinh tế và xúc tiến hợp tác trong các lĩnh vực khác. Diễn đàn ASEM cũng khuyến khích hợp tác giữa các học giả, các nhà nghiên cứu giữa hai khu vực Á - Âu.
Phát triển bền vững là nội hàm quan trọng trong 3 trụ cột hợp tác của ASEM, được các nước thành viên ASEM quan tâm. Trong những năm qua, ASEM đã có nhiều đóng góp quan trọng vào nỗ lực chung thúc đẩy phát triển bền vững và bao trùm, thông qua các sáng kiến, dự án cụ thể về tăng trưởng xanh, bảo đảm an sinh xã hội, giáo dục chất lượng, quản lý bền vững các nguồn tài nguyên, ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao quyền năng phụ nữ, và thúc đẩy sự đóng góp của thanh niên.
Dương Kim Anh, HVPNVN