Tại Việt Nam, cũng như ở các nước đang phát triển, phụ nữ vẫn tiếp tục là lực lượng chính cấu thành nhóm lao động nghèo, có thu nhập thấp hơn, dễ trở thành nạn nhân của tình trạng thiếu việc làm hoặc thất nghiệp hơn, và có điều kiện việc làm bấp bênh hơn nam giới. Phụ nữ Việt Nam chủ yếu làm việc trong các ngành nghề có thu nhập thấp hoặc những công việc dễ bị tổn thương. Phụ nữ cũng chiếm phần lớn trong nhóm làm công việc của gia đình không được trả lương, và trong khu vực "vô hình" của nền kinh tế phi chính thức – họ làm giúp việc gia đình, lao động tại gia, bán hàng rong và làm việc trong ngành công nghiệp giải trí.
Vị trí của phụ nữ trong thị trường lao động bị ảnh hưởng nặng nề bởi các bất lợi về kinh tế- xã hội xuất phát từ phân biệt đối xử trên cơ sở giới. Phụ nữ Việt Nam thường ít được tiếp cận đến các nguồn lực sản xuất, giáo dục, phát triển kỹ năng và cơ hội việc làm hơn so với nam giới. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do xã hội gán cho người phụ nữ địa vị thấp hơn và đặt gánh nặng làm công việc nhà không lương lên vai người phụ nữ, nhưng vẫn mong muốn họ tham gia sản xuất nông nghiệp tự cung tự cấp và nền kinh tế thị trường.
ILO và các cơ quan, tổ chức của Việt Nam từ lâu đã hợp tác thúc đẩy tuyên truyền bình đẳng giới giữa lao động nam và nữ trên toàn quốc. Nỗ lực chung hiện nay đang hướng vào tăng cường cơ hội của phụ nữ phát triển trong môi trường doanh nghiệp; ngăn chặn bóc lột lao động (di cư) trẻ em và phụ nữ; và tăng cường mức độ bình đẳng giới trong pháp luật lao động như cấm phân biết đối xử trên mọi hình thức trực tiếp hay gián tiếp, và thúc đẩy bình đẳng thu nhập, phòng chống quấy rối tình dục và cân bằng độ tuổi nghỉ hưu cho phụ nữ và nam giới.
Nguồn: http://www.ilo.org/
Nguồn: http://www.ilo.org/