ASEAN với mục tiêu bình đẳng giới vào năm 2030.Ảnh: TTXVN
Xung quanh vấn đề này, báo “Bưu điện Jakarta” số ra mới đây có đăng bài viết của đồng tác giả Yoriko Yasukawa và Annette Sachs Robertson thuộc Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA) với tựa đề: “ASEAN có thể đạt mục tiêu bình đẳng giới vào năm 2030”.
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang tiến tới kỷ niệm 50 năm thành lập vào tháng Tám năm nay, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong chặng đường hình thành và phát triển của mình, đồng thời khu vực này cũng đang đứng trước những cơ hội và thách thức lớn trên nhiều lĩnh vực, trong đó có quyền sức khoẻ và phúc lợi của hàng triệu phụ nữ cũng như trẻ em gái.
Các chính sách và quyết định được thực hiện bởi các quốc gia riêng lẻ và ASEAN đóng vai trò như một đoàn tàu có thể thúc đẩy Đông Nam Á tiến tới sự thịnh vượng lớn hơn dựa trên nhân quyền và bình đẳng giới thực sự - giúp hoàn thành mục tiêu Chương trình nghị sự năm 2030 về Phát triển bền vững và không ai có thể bị bỏ lại phía sau.
Hiện nay, giữa xu hướng gia tăng về chủ nghĩa bảo thủ, trong một số trường hợp đó là chủ nghĩa cực đoan bạo lực thì những mục tiêu của ASEAN trong việc cải thiện sức khoẻ cũng như thực hiện các quyền của phụ nữ và trẻ em - đặc biệt là các trẻ em gái có thể bị ảnh hưởng.
Những cơ hội và thách thức này được phản ánh qua Kế hoạch hành động giai đoạn 2016-2020. Các trụ cột của kế hoạch này bao gồm hợp tác về mặt chính trị, an ninh, kinh tế, văn hoá-xã hội, môi trường, phúc lợi xã hội và sức khoẻ cộng đồng với mong muốn đạt được những thành tựu theo chương trình phát triển của LHQ.
Theo UNFPA, kế hoạch hành động bao gồm những cam kết rõ ràng phản ánh tầm nhìn về một thế giới mà mọi phụ nữ trong thời kỳ mang thai đều được mong muốn, mọi ca sinh đẻ đều được an toàn, mọi tiềm năng của tuổi trẻ đều được đáp ứng và mọi người đều được tôn trọng.
Kế hoạch hóa gia đình và sức khoẻ sinh sản cũng như tình dục là thước đo thành công của ASEAN. Tất cả các quốc gia thành viên ASEAN đã có những tiến bộ rõ rệt trong những thập kỷ qua với các chỉ số chính trong đó có việc giảm tỷ lệ tử vong đối với phụ nữ, đó là một tiêu chí đánh giá về giá trị của phụ nữ ở từng quốc gia thành viên.
Ngày 3/3/2017, Hội phụ nữ ASEAN (AWC) đã tổ chức lễ ra mắt Ban chấp hành mới nhiệm kỳ 2017-2018. Ảnh: TTXVN
Ví dụ, trong giai đoạn từ năm 1990 - 2015, Campuchia đã giảm được 84% số phụ nữ tử vong vì các biến chứng liên quan đến thai nghén hoặc sinh con. Đối với nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, sự sụt giảm tương ứng là 78%.
Các số liệu này liên quan đến việc áp dụng các biện pháp tránh thai và các dịch vụ kế hoạch hoá gia đình khác để giúp tránh thai ngoài mong muốn cũng như giúp họ có các kỹ năng để tự chăm sóc bản thân trong thời kỳ trước, trong và sau khi sinh.
Các nước nỗ lực tăng cường năng lực của ngành y tế thông qua việc ban hành các tiêu chuẩn và trao đổi kiến thức giữa các quốc gia thành viên với nhau với sự hỗ trợ của UNFPA. Tất cả các chương trình này đều nằm trong khuôn khổ thực hiện mục tiêu đảm bảo sức khoẻ và quyền tình dục, sức khoẻ sinh sản và rộng hơn là khuôn khổ bảo hiểm y tế toàn dân.
Tại Thái Lan, một trong những quốc gia tiên phong trong ASEAN về thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân, hiện cũng vẫn còn 7% số người chưa thực hiện chính sách kế hoạch hóa gia đình, tỷ lệ tử vong đối với các trẻ sơ sinh thấp thứ hai khu vực sau Singapore với mức 20/100.000 trẻ em.
Tuy nhiên, tình trạng mang thai ngoài ý muốn đã gia tăng đáng báo động ở Thái Lan trong thập kỷ qua, một phần do thiếu giáo dục tình dục toàn diện có hiệu quả, một tình trạng khá phổ biến ở các nước ASEAN.
Tại Indonesia, nơi có trụ sở Ban Thư ký ASEAN nhu cầu về kế hoạch hóa gia đình chưa được đảm bảo là 13% vào năm 2015, thấp hơn đáng kể so với Campuchia (gần 30%), Lào (khoảng 25%) và Myanmar (19,5%).
Chương trình kế hoạch hóa gia đình dài hạn ở Indonesia đã được ca ngợi là một kinh nghiệm thành công và cần được duy trì, lan rộng trong khu vực. Tuy nhiên, hiện cũng có những thách thức mà quốc gia này đang phải đối mặt đó là tỷ lệ tử vong đối với các bà mẹ mang thai còn cao.
Bên cạnh đó, việc phân quyền đối với các dịch vụ y tế công cộng trên khắp các tỉnh thành của Indonesia trong những năm gần đã ảnh hưởng đến sức khoẻ và quyền tình dục của người dân. Indonesia không phải là quốc gia duy nhất đang gặp phải tình trạng này, mô hình tương tự hiện cũng đang diễn ra ở nhiều quốc gia ASEAN cũng như trên thế giới.
Tại một số quốc gia với sự hỗ trợ thường xuyên của UNFPA, các chính phủ đang làm việc để thu thập dữ liệu về bạo lực đối với phụ nữ và tăng cường pháp chế cũng như các chính sách để đảm bảo các quyền và lợi ích của họ.
ASEAN đã có một kế hoạch hành động mạnh mẽ nhằm xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ. Tất cả các nước ASEAN cần sửa đổi hoặc thông qua luật pháp để giải quyết tất cả các hình thức bạo lực có ảnh hưởng đến phụ nữ và trẻ em gái. Các chính phủ cần phải tăng cường đầu tư cho công tác phòng ngừa và ứng phó để đảm bảo sức khoẻ, công lý và phúc lợi xã hội.
Thời điểm đánh dấu nửa thế kỷ của ASEAN diễn ra chỉ hai năm sau khi phát động chương trình mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030 – một mục tiêu được cam kết bởi các chính phủ, các tổ chức của LHQ và các tổ chức xã hội dân sự.
Cách thức thực hiện cũng như hiệu quả của chương trình này là rất quan trọng đối với việc hợp tác giữa ASEAN và LHQ. Nếu thành công nó sẽ là mô hình để nhân rộng ra toàn thế giới.